Vị Giáo sư bị “nhiễm” tuồng

(ANTĐ) -Dường như tuồng đã ngấm vào máu, ngấm vào hơi thở của ông. Sẵn bên người lúc nào cũng có đầy đủ các “đạo cụ” nào râu, nào kiếm, gươm, roi ngựa, hia hài, mũ mãng... cứ động nói đến tuồng là ông phừng phừng khí thế, ông đứng phắt dậy, đeo râu vào, rồi  ứ ự, rồi đập bàn chan chát, huơ chân, múa tay, vừa hát vừa diễn cứ như mình đang ở trên sân khấu. Chỉ cần nói đến vậy là những người yêu văn hóa dân tộc đã nhận ra chân dung của Giáo sư Hoàng Chương - một người luôn canh cánh bên lòng nỗi lo mất tuồng và tìm mọi cách để bảo tồn bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Vị Giáo sư bị “nhiễm” tuồng

(ANTĐ) -Dường như tuồng đã ngấm vào máu, ngấm vào hơi thở của ông. Sẵn bên người lúc nào cũng có đầy đủ các “đạo cụ” nào râu, nào kiếm, gươm, roi ngựa, hia hài, mũ mãng... cứ động nói đến tuồng là ông phừng phừng khí thế, ông đứng phắt dậy, đeo râu vào, rồi  ứ ự, rồi đập bàn chan chát, huơ chân, múa tay, vừa hát vừa diễn cứ như mình đang ở trên sân khấu. Chỉ cần nói đến vậy là những người yêu văn hóa dân tộc đã nhận ra chân dung của Giáo sư Hoàng Chương - một người luôn canh cánh bên lòng nỗi lo mất tuồng và tìm mọi cách để bảo tồn bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Giáo sư Hoàng Chương tên đầy đủ là Trương Hoàng Chương - sinh ra trong một gia đình Nho học ở tỉnh Bình Định - một vùng quê có truyền thống văn võ và là cái nôi của nghệ thuật hát tuồng. Ngay từ nhỏ ông đã say mê với hát tuồng. Từ say mê nghệ thuật truyền thống, ông thuộc nhiều vở tuồng cổ.  Lớn lên đi học tập, nghiên cứu  ở nước ngoài nhưng ông vẫn một lòng chung thủy với nghệ thuật của quê hương.

Tuồng - ai hát, ai xem?

- Là một người tâm huyết với nghệ thuật tuồng truyền thống, Giáo sư có buồn không khi mà tuồng bây giờ thưa cả người diễn, vắng cả người xem?

- Điều đó là sự thật, thực tế văn hóa dân tộc nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng đang bị đe dọa ghê gớm. Những người ở ngoài có thể không thấy hết mức độ nguy hại đó, nhưng những người trong cuộc, những người say mê, những người sống chết với tuồng, những người đang hiểu tuồng mới biết nó đang ở thực trạng nào. Rõ ràng hiện nay nó đang ở thực trạng rất là bi đát.

- Vậy phải làm thế nào để cứu nguy cho nghệ thuật tuồng?

- Cũng đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức để tìm giải pháp cứu nguy cho nghệ thuật tuồng, nhưng đây cũng là vấn đề rất đau đầu và cũng rất khó khăn. Cả Thủ đô Hà Nội có một nhà hát Hồng Hà cực kỳ sang trọng. Nhưng Nhà hát, thỉnh thoảng mới mở cửa để diễn cho khách du lịch. Nếu đến Thủ đô của Bắc Kinh chẳng hạn, chỗ nào muốn tìm nhà hát, rạp hát Kinh kịch đều có hết, diễn liên tục. Hay đến Tokyo, những khách nào sang trọng được vào xem kịch Nô và múa rối người. Với  những loại hình nghệ thuật cổ điển, họ vẫn xem và xếp hàng để xem còn ở Hà Nội, nhà hát có nhưng lại đóng cửa.

- Tuồng cũng là bộ môn nghệ thuật kén người xem, giới trẻ không hiểu, quay lưng lại với tuồng cũng là có lý do?

- Nếu không hiểu thì phải làm cho họ hiểu. Nhà nước phải có trách nhiệm hiểu. Họ không hiểu thì mình phải đem đến cho nhà trường làm cho họ hiểu. Một người hiểu, nhiều người hiểu, dần dần phải hiểu? Mà khi đã hiểu thì sẽ thấy cái hay của nó.

- Nói như Giáo sư có nghĩa là không có người xem mà đóng cửa Nhà hát Tuồng, thì mãi mãi nhà hát sẽ phải đóng cửa?

- Đúng vậy. Sự nghiệp làm cách mạng giải phóng dân tộc của cha ông ta cũng đi vận động từng người một, vận động quần chúng, vận động nhân dân để họ tham gia làm cuộc cách mạng có hàng triệu người được. Nếu không có người xem mà đóng cửa nhà hát thì mãi mãi sẽ phải đóng cửa. Các nhà cách mạng tiền bối khi vận động quần chúng mà bị bắt, bị tù đày, phải hy sinh cả bản thân mình mà họ vẫn làm. Bây giờ dân tình không xem thì mình phải đi vận động cho họ xem chứ.

- Vậy Giáo sư đã từng làm một “nhà cách mạng” đi “vận động quần chúng” xem tuồng bao giờ chưa?

- Đây là suy nghĩ và cách làm của tôi, của những người tâm huyết, nhưng những người đang cầm tiền trong tay thì họ lại không làm.

Hát tuồng hay hét tuồng?

Giáo sư Hoàng Chương cho rằng: Người nghệ sĩ tuồng cũng như nghệ sĩ Opera, một ngày họ phải luyện thanh bao nhiêu thì họ mới giữ được cái giọng của họ. Nhưng nghệ sĩ bây giờ không diễn, nên văn không ôn, võ không luyện thì cũng không hát được, không hát đúng. Tuồng truyền thống ngày xưa hát bằng giọng thật không micro, họ hát rút ruột, rút gan cho hàng nghìn người xem, còn bây giờ diễn tuồng như diễn kịch, còn hát thì hát... giả vờ.

- Vậy theo Giáo sư hát tuồng bằng micro không phải là tuồng?

- Nó không phải là tuồng mà là phá tuồng. Tất cả âm thanh phóng đại của kỹ thuật là nguy cơ làm hỏng tuồng. Hát quan họ bây giờ cũng không còn là hát đối đáp của dân của làng nữa, không còn là quan họ truyền thống nữa mà nó đã bị mai một.

Cũng như hát tuồng, hát chèo phải hát đúng giọng thật của mình, bây giờ lại gắn vào micro hát thật to để phóng ra, khi bỏ micro ra hát không được. Đó chẳng phải là nguy cơ sao. Tôi cho rằng chính sự sai lầm trong chỉ đạo phát triển nghệ thuật dẫn đến làm mai một nghệ thuật và làm cho người nghệ sĩ cũng mai một đi.

- Thế còn việc Giáo sư nói diễn tuồng như diễn kịch là sao?

- Tuồng nó có ngôn ngữ nghệ thuật của nó. Văn hóa của cha ông ứng xử sâu lắm, trong tuồng có cả, nhưng nếu người diễn viên không đọc, không hiểu thì không diễn được. Tuồng muốn nghiên cứu sâu phải hiểu chi li nó, hiểu sâu từng từ của nó, phải hết lòng với nó thì mới diễn đúng từng động tác. Nếu chỉ đọc qua loa, thì diễn chỉ như diễn kịch.

- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng phải cách tân tuồng để cho dễ xem, dễ hiểu, để phù hợp với thị hiếu của công chúng?

- Cần phải cách tân, nhưng tuồng là tuồng, kịch là kịch. Còn tuồng bây giờ vẫn đang cải tiến theo kiểu “gieo vừng ra ngô”. Mỗi lần xem sân khấu ta diễn tuồng như kịch buồn lắm, nhưng không biết làm sao mà nói ra. Nói thì họ không nghe. Mà nếu cứ để kéo dài như thế là phá tuồng.

Tôi lo lắm...

Suốt 15 năm liền làm Viện trưởng Viện Sân khấu, Giáo sư Hoàng Chương đã dành toàn bộ tâm huyết của mình cho nghiên cứu, sưu tầm và công bố các công trình nghiên cứu về sân khấu truyền thống, nghệ thuật tuồng... Ông như một lữ khách không biết mệt mỏi trên dặm dài tìm vẻ đẹp sân khấu dân tộc.

Ông không cho phép mình được nghỉ ngơi, vừa mới về nghỉ hưu, ông đã sáng lập ra Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Hiện nay, trung tâm của ông đã được nhiều Giáo sư cấp cao đến cộng tác, tư vấn như Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Trần Văn Khê ở Pháp, Giáo sư Nguyễn Thế Phong ở Mỹ, Giáo sư  Thái Kim Lan ở Đức, cùng nhiều Giáo sư trong nước tham gia vào tổ chức này để làm thế nào bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống - vốn quý của dân tộc.

- Đã được về nghỉ hưu, sao Giáo sư không tự cho phép mình được nghỉ ngơi?

- Những người không tâm huyết thì để cho mọi việc trôi qua đi một cách bình thường. Cũng có người là những ông này, ông khác, cũng bậc giáo sư, cũng nhà nghiên cứu, cũng nghệ sĩ lớn, nhưng họ để trôi một cách bình thường. Vậy thì ai sẽ “xông lên”?

- Vì lẽ đó mà Giáo sư đã “xông lên”?

- Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với nền văn hóa của dân tộc. Làm sao để góp phần bảo vệ, phát huy cho được nghệ thuật dân tộc, đó là nỗi canh cánh bên lòng của tôi và tôi đã tìm mọi cách để làm điều đó. Tôi lo lắng trước nền nghệ thuật dân tộc đang gặp phải khủng hoảng lớn do thời buổi hội nhập, thời buổi mà văn hóa nước ngoài du nhập vào Việt Nam quá nhiều làm cho thế hệ trẻ quay lưng với nghệ thuật truyền thống.

- Nghe nói dự án “Sân khấu học đường” do Giáo sư và NSND Phạm Thị Thành khởi xướng vẫn đang thực hiện tốt đấy chứ?

- Đó là dự án hay nhưng chỉ như muối bỏ bể thôi. Đất nước ta có hàng triệu học sinh, có hàng vạn nhà trường mà mình làm mỗi năm chỉ có năm bảy trường thì không thấm vào đâu. Cái này nếu muốn làm thì phải làm đồng loạt đưa vào chính khóa luôn mới được. Như ở Trung Quốc họ đã làm như vậy.

- Điều mà Giáo sư lo lắng nhất với tuồng bây giờ là gì?

- Có điều trớ trêu là khi tôi đi giảng bài cho sinh viên nước ngoài họ lại thích văn hóa của mình, thích nghệ thuật truyền thống của mình. Vì họ phát hiện đây là một giá trị nghệ thuật phương Đông mà họ phải học, hồ hởi để được học. Trong khi đó mình lại cho rằng cái mình đang có là cái thứ cổ lỗ sĩ không ai chịu học. Chính vì thế tôi lo lắm. Tôi lo nhất là nghệ thuật tuồng, lo nó mai một đi, nó không còn bản sắc nữa. Mà với xu thế này nó đã bị biến dạng, cái tinh hoa không còn nữa. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì sẽ mất tuồng như chơi.

- Cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này!

Đinh Hương Bình (Thực hiện)