"Venice của phương Đông" - cao nguyên của những câu chuyện tình

ANTD.VN - Đô thị Lệ Giang (Trung Quốc) đã trải qua 800 năm sinh sống của người tộc Bạch, người Nahsi và người Tạng. Tuy nhiên, Lệ Giang chỉ chính thức được biết đến và trở thành một điểm du lịch kể từ năm 1998, sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới hồi cuối năm 1997.

Những ngôi nhà gỗ lợp ngói đỏ, những con đường đá sạch bóng tạo nên một Lệ giang cổ kính

Nơi ươm giấc mộng giữa ban ngày

Từ thành Đại Lý đi thêm 250km đường núi nữa là đến cao nguyên Lệ Giang với đô thị cổ nổi tiếng nằm trong số 10 cổ trấn được bình bầu. Nằm ở độ cao 2.400m so với mực nước biển, gió hun hút thổi từ trên đỉnh núi tuyết giữa trưa hè, khiến du khách luôn được hưởng thụ một không khí lành lạnh đặc trưng của vùng cao nguyên. Địa danh nào của Trung Quốc được Chính phủ trao tặng danh hiệu “Thành phố du lịch ưu tú” sẽ rất tự hào với biểu tượng ngay từ cổng vào thành. Ấy là một con ngựa mình thon đang tung vó phi nước đại trên quả địa cầu. Chạy nhanh quá nên đuôi nó vắt tung lên. Bức tượng này được đặt ngay vườn hoa đầu thành phố Lệ Giang. 

Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu khi miêu tả Lệ Giang - thành phố được mệnh danh là “Venice của phương Đông” - là cao nguyên của những câu chuyện tình. Tôi sẽ bắt đầu từ đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn 4 mùa tuyết phủ, từ vọng cao lâu nhà họ Mộc hay từ một quán bar trong thành cổ với tấm biển “Delta - Since 1998”? 

Đô thị Lệ Giang đã trải qua 800 năm sinh sống của người tộc Bạch, người Nahsi và người Tạng. Tuy nhiên, Lệ Giang chỉ chính thức được biết đến và trở thành một điểm du lịch kể từ năm 1998, sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới hồi cuối năm 1997. Kể từ đó, thành phố cao nguyên lặng lẽ trở nên sầm uất và nhộn nhịp. Nếu bạn đang có một mối tình tuyệt đẹp hoặc vừa mới làm đám cưới thì Lệ Giang chính là nơi ươm giấc mộng giữa ban ngày. Đến thành phố này là kể như tôi đang lần theo dấu vết của cặp tình nhân trong “Chuyện tình Lệ Giang”… 

Khu phố bar ồn ào và hỗn tạp một cách đáng yêu

Tôi bắt đầu thả bộ trong những con ngõ trải đá hộc không thể cổ hơn, hai bên đường sin sít những ô hàng nhỏ xíu bán chuông gió, vải vóc và trăm thứ đồ linh tinh khác. Giữa khung cảnh tấp nập ấy, tôi nhìn thấy một quầy hàng tí hon của người đàn bà Nahsi mặc đồ dân tộc. Quầy hàng dựng bằng gỗ tạp, nguyên sơ như thuở người Nahsi du cư đến nơi này từ cao nguyên Tây Tạng.

Trong quầy treo những chiếc mũ và khăn lông cừu. Thoạt nhìn đã đủ biết mùa đông ở nơi này khủng khiếp đến thế nào. Tôi ngồi nghỉ ở một bậc hè cao bằng đá, ngắm nhìn những mái ngói đen trên dốc thoải sẫm dần trong ánh hoàng hôn. Trong không khí êm đềm ấy, chợt nghe thấy tiếng nhạc xập xình. Tò mò, tôi leo mấy bậc thang hẹp chen giữa hai ngôi nhà để tìm về phía đang phát ra tiếng nhạc. 

Tôi đã từng nghĩ Lệ Giang là một cao nguyên hoang sơ với hồ nước phẳng lặng trong vắt tận đáy và những chú bò Tây Tạng lông chấm đất đứng lặng bên hồ. Nhưng chưa đủ, bởi sau những bậc đá xưa cũ kia là cả một khu phố bar ồn ào và hỗn tạp một cách đáng yêu. Đó là phố chính của Đại Nghiên Cổ Trấn. Gọi là phố nhưng kỳ thực chỉ là một lối đi rất dài với hàng trăm quán bar chạy dọc hai bờ suối. Suối bao quanh thành cổ. Liễu rủ suối reo ngay bên thềm nhà, nên gọi “Venice Phương Đông” là lẽ vậy.

Quán bar nào cũng có nhạc sống. Hàng trăm ca sĩ ôm đàn tấu cùng lúc, từ nhạc jazz, nhạc đồng quê cho tới pop, rock, hòa âm cùng tiếng chào mời hối hả của các cô gái mặc trang phục dân tộc sặc sỡ đứng trước cửa quán. Tôi hoa mắt vì váy áo tùng xòe của các cô gái Nahsi. Và dưới chân tôi, dưới những cây cầu gỗ bắc ngang dòng suối, nước vẫn đang chảy xiết cùng tôm cá và rong tảo. 

Nếu bạn muốn yên tĩnh hơn, hãy đi quá lên đầu phố, bước qua một trong 354 cây cầu gỗ để lựa chiếc ghế xích đu trên ban công gỗ nhỏ xíu chòi ra bờ suối. Trên sân khấu trong nhà, nhạc công đang kéo một bản serenade để tạo “hàng độc”. Người tình của nhân vật chính trong “Chuyện tình Lệ Giang”, cô ấy cũng ôm đàn guitar ngồi hát trong một quán thế này, trước khi đưa gã khách du lịch say khướt vừa bị ngã xuống suối về nhà. Cái “phố bar” này có không khí khác hẳn những con phố khác trong Cổ thành, để rồi sáng hôm sau, quay lại chính nơi này, tôi thấy không khí trầm hẳn đi, ngỡ đâu như đêm qua mình lạc bước vào cõi khác.

Những con ngõ cổ kính, yên ả và an lành

Giữa buổi trưa hè, được lang thang trong những con ngõ cổ kính thật yên ả và an lành. Bạn có thể ngắm nhìn những lữ khách trẻ trung ngồi uống cocktail trên một ban công gỗ đầy hoa, cũng có thể dừng lại quan sát một nghệ nhân đang chạm bạc ngay trên hiên nhà, những cô gái ngồi dệt vải ngũ sắc giữa tiệm hàng ngổn ngang vải vóc hoặc ngắm một thiếu nữ đi giày đỏ đang ngồi thảnh thơi cho chàng trai chủ tiệm vẽ chân dung lên áo pull.

Để khi đã chồn chân mỏi gối, hãy rẽ vào khu chợ bán đồ tươi chọn cho mình một túi hoa quả cao nguyên ngọt lịm trong số bạt ngàn lê, táo, nho, mận, xoài, đào và anh đào. Nếu muốn nạp thêm năng lượng, hãy bước qua bậc thềm vào hẳn một ngôi nhà cổ mà giờ đã biến thành nhà hàng, có bàn ghế gỗ nhỏ nhắn trải khăn vải ca rô.

Bạn vừa nhấm nháp sữa chua lạnh ủ trong hũ sành vừa kín đáo khẽ liếc nhìn vào trong sân gạch, mà cả bây giờ và vài trăm năm trước, người Nahsi vẫn dùng để giặt giũ quần áo và xếp những thùng bột mì, hoa quả. Qua khung cửa sổ gỗ tạp, hãy ngắm bóng nắng lặng lẽ rơi trên bức tường trắng sơn vẽ những ký tự tượng hình ngộ nghĩnh của nền văn hóa Đông Ba. 

Bạn cần nghỉ ngơi trước khi đi dạo mỏi chân trong tư dinh của họ Mộc, người từng là thủ lĩnh thế tập của toàn vùng Lệ Giang. Mộc phủ đã tồn tại hơn 800 năm, được trùng tu từ năm 1998 và từ đó trở thành viện bảo tàng. Giá vé tham quan Mộc phủ khá đắt nên chẳng mấy ai vào. Tôi cứ lang thang khắp Mộc phủ vắng hoe người, nhớ lại cảm giác từng một mình lang thang khắp Đại Nội-Huế.

Có lúc ngồi lặng bên những bộ bàn ghế bằng đá trước sân khấu ngoài trời, ngắm nhìn hai bên cánh gà hình dung ra những vở rối và kinh kịch đã được trình diễn cho tư gia họ Mộc và những khách mời quanh vùng cũng đều thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt. Ông thủ lĩnh họ Mộc này chắc giàu có lắm nên mới xây được một biệt phủ rộng lớn với kiến trúc như Tử Cấm Thành thu nhỏ. Phủ được xây cao dần lên đến tận vọng lâu gác núi.

Đứng từ vọng lâu cao nhất, có thể nhìn được toàn cảnh Đại Nghiên Cổ Trấn rộng 3,8 cây số vuông, lớp lớp những mái nhà đen san sát đến độ có cảm giác một hạt mưa cũng không thể chạm đất. Đây là những mái nhà đã được đưa lên phác họa làm bìa sách cho “Chuyện tình Lệ Giang”. 

Nhà văn Di Li

Mưa buồn như Lệ Giang…

Những buổi chiều hè, khu vực quảng trường trong Cổ Trấn hết sức nhộn nhịp. Các ông già Nahsi mặc áo gile da thuộc, đội mũ phớt ngồi hút thuốc với con đại bàng đậu trên gối. Muốn chụp ảnh với nó, bạn chỉ cần đưa cho ông ta 5 tệ. Ngộ nghĩnh hơn nữa là cảnh những lão bà Nahsi mặc trang phục dân tộc tập thể dục giữa quảng trường theo tiếng nhạc xập xình.

Từ trên vuông cửa sổ tầng hai của những quán bar quảng trường, vài chục ống tele chĩa xuống mong chớp được cảnh tượng độc nhất vô nhị này. Ồn ào và náo nhiệt. Sầm uất và hối hả. Đang vui thì mưa bất chợt nên tôi tấp đại vào một quán bar. Chính là quán “Delta - Since 1998” mà tôi đã nhắc đến ở trên.

Có thể chưa nơi nào mưa rơi xuống mà lại buồn như Lệ Giang. Quán này có mỗi mình tôi là khách duy nhất, thành ra anh chàng ca sĩ trên sân khấu cũng chỉ hát cho mình tôi nghe. Anh ta cứ hát đi hát lại như thế cả tiếng đồng hồ. Và ngoài kia mưa vẫn rơi rả rích trên những cây cầu nhỏ xíu và các ô cửa xù xì khiến lớp gỗ sẫm đen càng thêm thâm u.

Những người đàn bà lội suối đãi hến giờ đã biến mất, cả những cô gái tươi tắn chào mời trong đủ sắc áo cũng trốn đâu đó trong phòng. Chỉ còn lác đác vài người khách cầm ô đi lại bên bờ suối chảy xiết. Người ca sĩ vẫn ôm đàn kiên nhẫn hát một bài gì đó mà tôi không biết, mong cho cơn mưa cao nguyên sẽ mau tạnh.