Về miền đất tổ

(ANTĐ) - Hôm nay, 10-3 ngày cuối cùng nhưng cũng là ngày lễ chính của Lễ hội Đền Hùng, những nghi lễ trang trọng cũng diễn ra trong ngày này. Dòng người từ khắp các ngả đường của Tổ quốc đều đổ về đất tổ, dâng lên các Vua Hùng những nén nhang thơm, bày tỏ lòng thành kính đối với những vị vua đã có công dựng nước.

Về miền đất tổ

(ANTĐ) - Hôm nay, 10-3 ngày cuối cùng nhưng cũng là ngày lễ chính của Lễ hội Đền Hùng, những nghi lễ trang trọng cũng diễn ra trong ngày này. Dòng người từ khắp các ngả đường của Tổ quốc đều đổ về đất tổ, dâng lên các Vua Hùng những nén nhang thơm, bày tỏ lòng thành kính đối với những vị vua đã có công dựng nước.

Du khách thập phương trẩy hội Đền Hùng
Du khách thập phương trẩy hội Đền Hùng

Sự thay đổi cảnh quan của Khu di tích lịch sử Đền Hùng mùa lễ hội năm 2009 đã gây không ít ngạc nhiên cho du khách. Nói theo ông Nguyễn Tiến Khôi - GĐ Khu di tích lịch sử Đền Hùng thì đó là sự “thay da đổi thịt”. Khoảnh đất hoang sơ ngay cổng đền khi xưa là nơi dựng trại văn hóa của các huyện nay đã được quy hoạch, cải tạo trở thành khu vườn hoa với điểm nhấn là 18 gốc chò chỉ tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng.

Khu hành lễ dưới chân núi Hùng vừa mới được hoàn thiện với diện tích hơn 40.000m2, trục hành lễ rộng 18m nối đường 32C với cổng chính của đền. Một màn hình điện tử rộng 53m2 đã được dựng ngay sát chân núi nhằm phục vụ du khách tìm hiểu về lịch sử quá trình dựng nước và giữ nước đồng thời giới thiệu tiềm năng du lịch, những sản vật độc đáo của quê hương Phú Thọ. Việc mở rộng sân hành lễ đã góp phần giải tỏa ách tắc từng được cho là “nan giải” trong những ngày vào hội.

Đền Thượng cũng mới được trùng tu với tổng kinh phí lên tới 35 tỷ đồng bao gồm các hạng mục như tôn tạo tu bổ đền, cải tạo sân, vườn cây... Đặc biệt là đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân tại đồi sim cách núi Nghĩa Lĩnh 1km cũng mới khánh thành trước dịp khai hội đã trở thành điểm đến không thể thiếu đối với các du khách đến với lễ hội Đền Hùng.

Khai hội vào ngày 6-3 (ÂL), lễ hội được diễn ra với nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật cũng đã được tổ chức như các hoạt động diễn xướng dân gian, bắn nỏ, vật dân tộc, biểu diễn đánh trống đồng, đâm xuồng, hát xoan, kéo lửa thổi cơm thi, hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày cùng các hoạt động thể thao như bơi chải trên sông Lô, vật dân tộc...

Đặc biệt, để tham gia Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, gần 100 nghệ sĩ thuộc 2 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp là Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã biểu diễn cùng với các đoàn nghệ thuật của tỉnh Phú Thọ nhiều tiết mục ca múa nhạc, ca ngợi đất nước, Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Những nghệ nhân của làng nghề giò chả Ước Lễ - Tân Ước - Thanh Oai - Hà Nội đã dâng lên các Vua Hùng 18 chiếc bánh chưng - những sản vật đã từng giành giải nhất tại Lễ hội Đền Hùng 2008.  Tại Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, Hà Nội cũng đã tham gia mở triển lãm, trưng bày các hình ảnh, di tích danh thắng của Thủ đô đồng thời tăng cường quảng bá các hoạt động trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Tiến Khôi - Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng, ngay từ sau Tết Nguyên đán, lượng khách đến Đền Hùng đã tăng hơn so với mọi năm 20%. Do lượng khách đông, lại tập trung vào cùng thời điểm, chính vì thế, Ban Quản lý di tích đã phối hợp với lực lượng công an và quân đội địa phương giữ gìn an ninh trật tự, phân luồng các phương tiện giao thông.

Ban An ninh của lễ hội cho biết, từ hôm khai hội đến nay chưa lần nào xảy ra tắc đường, hiện tượng ăn xin đã được dẹp bỏ hoàn toàn. Diện tích các điểm trông giữ ôtô, xe máy đã được mở rộng. Tránh tình trạng hàng quán lấn chiếm gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, Ban Quản lý di tích đã có nhiều biện pháp nhằm đưa hoạt động vào quy củ. Sự thành công của lễ hội cũng là một bước quan trọng để hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận Đền Hùng là di sản văn hóa thế giới.

Hải Vân