Vẽ bậy lên di tích lịch sử, đã đến lúc cần xử phạt nặng

ANTD.VN -Có một thực tế đáng lo ngại là văn hóa đi du lịch của người Việt còn chưa cao, rõ rệt nhất là cách ứng xử với di tích và di sản vật thể. Không khó để bắt gặp hình ảnh một di tích nào đó chằng chịt chữ ký hay vết khắc. Thói quen này đã tạo ra hình ảnh xấu trong mắt du khách quốc tế và gây tổn hại với di sản dân tộc.

Thói quen xấu của người Việt

Ngay giữa lòng Thủ đô, hình ảnh những di tích với vô vàn những dòng chữ khắc, viết bằng bút xóa...không còn là chuyện lạ. Có thể kể ra rất nhiều "nạn nhân" của tình trạng này như Tháp Hòa Phong, tháp Bút ở Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Cột Cờ, cầu Long Biên, tượngThánh Gióng… “được” chọn là địa điểm lý tưởng cho các cặp đôi yêu nhau hay du khách lần đầu ghé thăm “ghi” lại dấu vết xấu xí của mình.

Dù cho, Ban quản lý các di tích có vất vả xóa thế nào đi chăng nữa thì một thời gian sau lại đâu lại vào đó. Nhiều du khách trong và ngoài nước không khỏi ngán ngẩm và xót xa trước thực trạng nhem nhuốc của các di tích này.

Nhem nhuốc chữ viết trên tháp Hòa Phong- Hà Nội

Không chỉ có các công trình công cộng bị bôi bẩn mà ngay cả di tích tâm linh cũng trở thành mục tiêu "đánh dấu". Chùa Bái Đính (Ninh Bình) hay chùa Cổ Lễ (Nam Định) đã từng có thời gian bị du khách "tấn công" bằng các hình vẽ, chữ ký, những lời yêu đương nhăng nhít và cả những dòng bày tỏ ngưỡng mộ di tích.

Các bậc trụ trì Cổ Lễ từng phải kêu trời khi du khách viết chi chít lên gác ba tầng của chùa, thậm chí có nhiều du khách còn trèo lên tận tầng 3 để “lưu danh” mình trong lòng chuông. Chuông đồng Đại hồng chung của chùa Thiên Mụ ở Thừa Thiên Huế, một bảo vật quốc gia cũng khiến các nhà sư ở đây đau đầu vì rất cất công để xóa sạch vết vẽ mà hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến hiện trạng của chuông.

Vẽ bậy lên di tích lịch sử, đã đến lúc cần xử phạt nặng ảnh 3

Đến cây dứa dại ở di tích Thành nhà Mạc- Lạng Sơn cũng trở thành nơi  "lưu danh" của du khách khi đến đây (ảnh VQ)

 Tháng 3/2016, bức ảnh chụp cảnh một nhóm bạn trẻ đang vẽ lên bia đá trên núi Bài Thơ (Quảng Ninh) nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Mọi người tỏ ra phẫn nộ và đáng buồn thay cho thế hệ trẻ lại có hành vi thiếu ý thức khi viết, vẽ bậy lên di tích như vậy.

 Cây đa hơn 800 năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) cũng trong tình cảnh “oằn lưng” với vết dao. Dù đã đặt biển báo ngay bên cạnh nhưng xem ra nó không đủ sức ngăn cản “hứng thú” của một số du khách.

Hằn những vết khắc của dao trên thân cây (Nguồn: Nguyễn Đông)

Đáng nói thêm là du khách nước ngoài a-dua theo hành vi xấu của người dân bản địa. Di tích Cột Cờ ở đường Điện Biên Phủ có mảng tường không còn chỗ nào trống bởi chữ ký của du khách nước ngoài.

Những di tích đi qua bao thăng trầm của thời gian và biến cố vẫn vẹn nguyên nhưng lại bị làm tổn thương ngay chính trong thời đại văn minh hiện nay. Đây cũng chỉ là một vài ví dụ cho thực trạng thiếu ý thức của du khách Việt Nam với những di tích lịch sử của ngay đất nước mình.

Chế tài cho những thói quen xấu

Hiện tại, theo quy định tại Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo là phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên trên thực tế chưa có vụ việc nào được xử lý triệt để, đủ sức răn đe cho nhiều người khác.

Nhìn ra các nước trong khu vực, đối với những hành vi viết vẽ bậy lên di tích sẽ bị xử lý khá nặng. Ví dụ như Thái Lan, việc xâm hại di tích có thể chịu mức phạt tiền lên đến 10 triệu baht (7 tỉ đồng).

 Luật pháp Singapore quy định rõ rằng những hành động phá hoạị công trình văn hóa và công cộng bị phạt từ 3 đến 8 roi và nộp phạt tới 2000 đôla Singapore (hơn 3 triệu đồng Việt Nam), thậm chí còn phải ngồi tù đến 3 năm.

Tháng 8 vừa qua, cảnh sát Italia liên hệ với các đại sứ quán của các nước để tìm hai vị khách có hành vi thiếu văn hóa tại khu tưởng niệm Altare della Patria ở thủ đô Rome.

Đây là khu tưởng niệm vị vua đầu tiên của Italia khi thống nhất - Hoàng đế Vittorio Emanuele II, đồng thời là nơi yên nghỉ của một người lính vô danh hy sinh trong Thế chiến I. Hai vị khách này đã chụp ảnh trong tình trạng cởi quần, lộ bộ phận nhạy cảm và cười cợt quay video trước công trình lịch sử này. Ngay sau đó, những kẻ này trở thành tâm điểm phẫn nộ của dư luận. Nếu bị bắt, họ sẽ phải đối mặt với mức phạt là 400 euro (gần 10 triệu đồng Việt Nam).