Vẽ bằng... ký ức cha anh
(ANTĐ) - Không được biết đến chiến tranh, không có những ký ức hào hùng của một thời toàn dân đi đánh giặc nhưng các họa sĩ trẻ ngày nay không vì thế mà bỏ qua mảng đề tài về chiến tranh cách mạng. Bởi những day dứt của cuộc chiến, nỗi ám ảnh khôn nguôi về sự khốc liệt của cuộc chiến hay cụ thể hơn là lòng yêu nước vẫn luôn thường trực trong sâu thẳm mỗi người con Việt Nam.
“Hạ Lý 1972” - tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Mai Duy Minh |
Những họa sĩ không đi qua cuộc chiến
Nhìn vào các cuộc triển lãm thưa thớt về đề tài chiến tranh cách mạng, hay những cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng có sự tham gia hãn hữu của các họa sĩ trẻ, nhiều người đã có cái nhìn phiến diện về sự quan tâm của các họa sĩ trẻ về mảng đề tài này. Nhưng, chúng ta cứ thử nhìn vào các cuộc triển lãm gần đây của các tác giả trẻ, mới thấy rằng, đây vẫn là một đề tài được giới trẻ quan tâm, mang lại sự thành công cho nhiều họa sĩ.
Mai Duy Minh là một họa sĩ sinh năm 1976, là lứa họa sĩ không trải qua chiến tranh nhưng bức tranh anh vẽ “Hạ Lý 1972” quê hương mình bị tàn phá, bức tranh khổ rất lớn được trưng bày trong triển lãm cá nhân tại Viện Goethe, người xem vẫn thấy được sự xót xa, đau đớn. Hình ảnh người chiến sĩ cầm cờ thổi kèn lại thấm đẫm tinh thần quật khởi, tinh thần lạc quan vào chiến thắng.
Hay chúng ta còn ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của một họa sĩ nữa, đó là Nguyễn Doãn Sơn đang tích cực hoàn thành bức tranh hoành tráng “Hà Nội, chiến lũy và hoa” được chia thành nhiều trích đoạn nhỏ đồng hiện, tái hiện sinh động những năm tháng chiến đấu anh dũng của quân và dân Hà Nội đặc biệt là khoảnh khắc lịch sử năm 1946. Đó là một tác phẩm có quy mô, tốn kém nhiều tiền của và công sức để hoàn thành, chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Không thể phủ nhận, trong cơ chế thị trường, các họa sĩ thường nhanh nhạy trước thời cuộc. Khi vẽ tranh, họ đã nghĩ đến việc tìm đầu ra cho đứa con tinh thần của mình. Vì thế, họ thường có xu hướng đề cập đến những vấn đề mang tính thời đại, những mảng đề tài mà cả xã hội quan tâm như nạn ô nhiễm môi trường hay những bức tranh về quá trình đô thị hóa, khung cảnh yên bình của làng quê Việt…
Tất nhiên, đấy là những đề tài dễ dàng để có thể bán được tác phẩm, đi kèm với nó là một khoản nhuận tranh đủ để trang trải chi phí cho tác phẩm. Song xét ở một khía cạnh khác, những vấn đề xã hội, những vấn nạn đời sống vẫn là mối quan tâm của nhiều họa sĩ. Điều đó có nghĩa là lớp nghệ sĩ trẻ không bàng quan với thực tế xã hội, họ vẫn làm nghệ thuật hướng về nhân dân với trách nhiệm của người nghệ sĩ.
Còn những bức tranh về đề tài chiến tranh cách mạng có nhiều cái khó đòi hỏi bản lĩnh người nghệ sĩ trẻ thời nay. Đó là họ không được trực tiếp trải qua chiến tranh nên khi vẽ tranh sẽ gặp những khó khăn nhất định về tư liệu, tâm trạng, cảm xúc, cái mà những người trong cuộc đã đi qua cuộc chiến có thế mạnh hơn họ. Nếu chỉ hoàn toàn hư cấu mà không có trải nghiệm thực tế, hoặc không nghiên cứu lịch sử một cách kỹ lưỡng thì dễ dẫn đến những cảm xúc “giả” không có tính thuyết phục cao. Mà trong văn học nghệ thuật thường rất kị điều này.
Đau cùng nỗi đau dân tộc
Mặc dù không trải qua chiến tranh, song bù lại, so với lớp thế hệ họa sĩ đi trước, các họa sĩ trẻ có nhiều điều kiện để sáng tác tốt hơn như về chất liệu, về cách tiếp cận thông tin đa dạng hơn. Vì thế, trong sáng tác họ cũng có nhiều điều khác lạ. Đặc biệt là về quan niệm sáng tác cởi mở hơn.
Những tác phẩm không chỉ được vẽ theo phương pháp hiện thực đơn thuần, mà đã mang tinh thần của thời đại, của cuộc sống thanh bình ngày hôm nay. Họ đã đề cập đến đề tài chiến tranh bằng những phương pháp tiếp cận hiện đại hơn như video art, sắp đặt, trừu tượng... Hậu quả của cuộc chiến như chất độc da cam, đã được các họa sĩ trẻ thể hiện khá sáng tạo.
Lê Quang Đỉnh là một họa sĩ Việt kiều đã đề cập rất tinh tế, thấm thía hậu quả chiến tranh bằng loạt tranh đan bằng giấy ảnh, video art, bằng nghệ thuật sắp đặt... nỗi thống khổ của người dân trong chiến tranh và những dị hình do di hại của chất độc da cam. Tương tự, họa sĩ Minh Phương cũng có một sắp đặt về nỗi đau da cam.
Hồi tưởng về chiến tranh thông qua những lời kể của cha anh mình, qua những tài liệu, hiện vật để từ đó các họa sĩ liên tưởng kết hợp với suy nghĩ của thời đại mình sống là điều mà các họa sĩ trẻ có thể làm được. Tuy nhiên, để tạo nên những tác phẩm đỉnh cao thì cũng còn không ít điều cần bàn. Theo nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung: “Người họa sĩ vẽ đề tài này, ngoài cái tài do trời phú cùng với quá trình rèn luyện, thì phải đau cùng nỗi đau của dân tộc, của nhân loại thì mới hy vọng có được những tác phẩm hay”.
Nhìn lại quá trình phát triển của mỹ thuật Việt Nam, đề tài về chiến tranh cách mạng luôn được lớp lớp các thế hệ họa sĩ của Việt Nam theo đuổi từ thời các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương cho đến nay, song hành cùng với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Mà nổi lên là những đỉnh cao như “Giặc đốt làng tôi” của Nguyễn Sáng, những ký họa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, tượng của Diệp Minh Châu, những tác phẩm đã phản ánh đa dạng cuộc sống chiến đấu của quân dân ta từ miền Bắc tới miền Nam.
Và cho đến hôm nay, nó vẫn là một đề tài mang lại cho người sáng tác nhiều cảm hứng. Tuy nhiên, để khuyến khích các họa sĩ trẻ tích cực sáng tác về đề tài này, ngoài các cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, cũng cần có nhiều sân chơi hơn nữa cho các họa sĩ trẻ được thể hiện tài năng của mình cũng như cách nhìn nhận của họ về chiến tranh.
Phạm Thu Hương