"Văn học Pháp đương đại -Những biến tấu của thể loại tự sự"

(ANTĐ) - Đó là chủ đề của buổi thuyết trình gây hấp dẫn không chỉ giới chuyên môn, diễn ra tại Hội trường L'Espace - Trung tâm văn hóa Pháp vào chiều 22/7.

"Văn học Pháp đương đại -Những biến tấu của thể loại tự sự"

(ANTĐ) - Đó là chủ đề của buổi thuyết trình gây hấp dẫn không chỉ giới chuyên môn, diễn ra tại Hội trường L'Espace - Trung tâm văn hóa Pháp vào chiều 22/7.

Với ý tưởng chứng minh điều ngược lại “Tiểu thuyết Pháp đang hấp hối”, tiến sỹ văn học Đoàn Cầm Thi – chuyên gia nghiên cứu văn học Pháp tham gia thuyết trình. "Khong sống thu mình hay nằm hấp hối như người ta thường nói, văn học Pháp đương đại vẫn đầy sức sống. Những biến tấu của tự sự là một bằng chứng". Bà đã mở đầu như thế.

“Tiểu thuyết Pháp đang hấp hối”, đó là thứ điệp khúc quen thuộc năm nào cũng trở đi trở lại, và lần nào cũng được báo chí đưa lên trang nhất. Ngay từ 1891, nhà văn Edmond de Goncourt đã tuyên bố : “Dù tiểu thuyết hiện nay bán chạy hơn bao giờ hết, tôi nghĩ rằng đó là một thể loại cũ, mòn. Nó đã nói hết tất cả những gì cần nói”. Một bản án khác cho tiểu thuyết Pháp là “hết nhân tài”. Lâu lâu người ta lại so sánh các nhà văn đương đại với những bậc tiền nhân : “Ôi những Aragon, Céline, Proust, Montherland, nay còn đâu ?”.

Theo tiến sỹ Đoàn Cầm Thi thì ở Pháp sách vẫn được viết, được in và được bán. Thậm chí rất nhiều. Mỗi năm, vào mùa sách (tức là khoảng tháng 9), tiểu thuyết vẫn tuôn chảy như thác. Cách đây 10 năm, số lượng tiểu thuyết ra mắt vào dịp này là 488 cuốn, năm 2000 là 557, năm 2002 là 663, năm 2004 là 691, năm 2006 là 683. Mùa sách 2007 cho ra lò 493 tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp, trong đó 102 tiểu thuyết đầu tay, và 234 tiểu thuyết dịch.

TS. Đoàn Cầm Thi cho rằng, không có ý định đánh giá toàn bộ nền văn học Pháp đương đại, bà chỉ muốn xem xét dòng văn học tự sự, được coi là mạch chính của văn học Pháp hôm nay. Bùng nổ khoảng bốn năm thập kỷ gần đây, nó phát triển đa dạng qua các thể loại tự truyện (autobiographie), chân dụng tự kể (autoportrait), tự truyện hư cấu (autofiction), nhật ký (journal intime)… Các nhà văn tên tuổi của Pháp đều đã ít nhất một lần thử nghiệm lối viết tự sự : S.Beauvoir với “Hồi ký một cô gái khuôn nếp”(Mémoires d’une jeune fille rangée, 1958), J.P Sartre với “Các từ” (Les Mots, 1964), G.Perec với “Tôi còn nhớ” (Je me souviens, 1978), N.Sarraute với “Tuổi thơ” (L’Enfance, 1983), M.Duras với “Người tình” (L’Amant, 1984). Riêng A.Robbe-Grillet, từ 1985 đến 1994, viết một bộ gồm ba tiểu thuyết tự truyện, ngay cuốn đầu tiên đã mang một cái tên rất ý nghĩa “Cái gương trở lại” (Le miroir qui revient)”.

Nhiều tác giả hàng đầu của Pháp hiện nay viết theo thể tự sự. Trong số đó, nổi bật lên nhiều gương mặt nữ như Virginie Despentes, Catherine Millet, Claire Legendre, Claire Castillon, Catherine Cusset, Annie Arnaux, Christine Angot… Qua tác phẩm của mình, các tác giả nữ bóc trần cuộc sống riêng tư, bằng những cái “tôi” nửa thật nửa hư cấu. Nguyên tắc của họ là có thể viết về mọi đề tài. Với họ không còn gì là cấm kị. Đặc biệt đề tài tình dục được khai thác một cách cụ thể, sống sượng, không úp mở. Và trong các tác giả nữ này, Catherine Millet, Annie Arnaux và Christine Angot là ba nhà văn hiện thời được coi là đã tích cực cách tân thể loại tự sự, và qua đó mang lại cho tiểu thuyết Pháp những chiều kích mới.

Nhật Thảo