Văn hóa?
(ANTĐ) - Một website thuộc loại có đông độc giả. Cái “sự đông” này được thể hiện ở những con số cập nhật hàng ngày: những chục nghìn, trăm nghìn, nghìn nghìn... lượt truy cập.
Cụ thể hơn, công nghệ thông tin còn có thể chỉ cho mọi người biết những trang, những mục, những bài nào được quan tâm nhất, có số lượng truy cập hàng ngày đông nhất.
Trang nào, chuyên mục nào ?
Trang “Pháp luật”, nhiều thông tin liên quan tội phạm ư? Không! Trang “Tâm sự” với những lời thì thầm to nhỏ, san sẻ nỗi lòng ư? Không! Trang “Thể thao” với những thông tin nóng về diễn biến các sân cỏ thế giới ư? Cũng không!
Hoá ra, được quan tâm nhiều nhất, mừng ơi là mừng, là trang “Văn hoá”.
Mừng là bởi, ai cũng biết văn hoá có tầm quan trọng như thế nào đối với đời sống. Và việc đưa văn hoá thâm nhập, thấm sâu vào từng con người, từng lĩnh vực đang được coi là mục tiêu phấn đấu cộng đồng. Công việc này, các phương tiện truyền thông đâu có thể đứng ngoài cuộc.
Vậy mà, chưa cần đọc kỹ, chỉ cần nhìn vào “tít” các tin, bài trong cái gọi là trang “văn hoá” của website này, nhiều người bỗng giật mình: Những là “Diễn viên Y chụp ảnh “mát” để tiếp thị bộ phim”; “Ca sĩ X lại chụp ảnh “hot”; “ Nam tài tử B có vấn đề về giới tính”; “Kỹ năng đóng cảnh “nóng” của cô đào xi-nê H”; “10 phụ nữ có bộ ngực đẹp nhất thế giới”; “ Váy của ca sĩ P trị giá bao nhiêu tiền ?”; “Cặp giò của người mẫu N được bảo hiểm bao nhiêu đô-la?”; “Cựu hoa hậu Y tụt áo vì phê thuốc”, v.v…
Các bài viết có tính lý luận về những vấn đề văn hoá, văn nghệ ư? Công việc quá cao xa, có vẻ chỉ dành cho những nhà lý luận? Thiết thực hơn là các bài viết về đời sống văn hoá, tỷ như một cuốn sách mới xuất bản, đang được dư luận quan tâm? Hoá ra, cũng là của hiếm, nếu không nói là không có.
Tương tự như vậy, chẳng hề thấy một dòng nào nhận định về bộ phim X đang được công chiếu, về triển lãm tranh của hoạ sĩ T mới khai trương, về vở diễn mới của đoàn nghệ thuật M mới được công diễn... để góp phần định hướng khán giả trước cơ man là những xì xầm trái chiều về các sự kiện này!
Hình như những người thực hiện cái gọi là trang “văn hoá” này cho rằng: chỉ những chuyện liên quan đến chân, đến ngực, đến môi, đến áo váy, đến giới tính, thậm chí đến chuyện phòng the… của ca sĩ, người mẫu mới thuộc phạm trù văn hoá; còn lại, dù đó là văn chương, là mỹ thuật, là kiến trúc, là thẩm mỹ, v.v... đều là những thứ… ngoài văn hoá ?
Nếu thật thế, khái niệm văn hoá đã bị bóp méo đi mất rồi !
Trần Vũ