Văn hóa Thăng Long- Xứ Đoài: Cùng nhìn lại và đi tới!

ANTD.VN - LỜI TÒA SOẠN: Thành phố Hà Nội được điều chỉnh địa giới hành chính từ 1-8-2008- một quyết định mang tính lịch sử, mở ra một thời kỳ phát triển mới với nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức hơn với Thủ đô nghìn năm văn hiến. Trong lịch sử nghìn năm xây dựng và phát triển của mình, Hà Nội và một số địa bàn lân cận như Hà Tây cũng đã có nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính. Thế nhưng, dù là “khắc nhập” hay “khắc xuất” thì văn hóa Thăng Long Kẻ Chợ và Văn hóa Xứ Đoài vẫn cứ hội tụ, tỏa sáng và bù đắp cho nhau suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhân dịp này, BBT Báo ANTĐ trân trọng giới thiệu tới độc giả loạt bài “Văn hóa Thăng Long- Xứ Đoài: Cùng nhìn lại và đi tới”.

Bài 1: Văn hóa xứ Đoài được gìn giữ, tôn vinh trong lòng Thủ đô di sản

Sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích trên địa bàn. Đặc biệt, để xứng đáng là “Thủ đô di sản”, Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác tu bổ và tôn tạo di tích. Nhờ đó, nhiều công trình văn hóa có giá trị đặc biệt đã được “giải cứu” trước sự bào mòn của thời gian. 

Văn hóa Thăng Long- Xứ Đoài: Cùng nhìn lại và đi tới! ảnh 1Chùa Thầy (ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai) là ngôi chùa cổ kính với bề dày lịch sử và là một “đặc sản kiến trúc” của miền Bắc được quan tâm nhằm tránh khỏi sự xuống cấp theo thời gian Ảnh: Phùng Anh Tuấn 

Bảo tồn, phát huy những quần thể di tích nổi tiếng

Hà Nội chiếm đến 1/3 số di tích quốc gia của cả nước nhưng số di tích đang bị xuống cấp cũng tăng theo sau đợt Tổng kiểm kê di tích trên toàn phố. Theo đó, Hà Nội có tới 2.200 di tích xuống cấp, trong đó, 211 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều di tích đã xuống cấp từ lâu, các địa phương chưa tìm được nguồn kinh phí để tôn tạo. Có thể kể đến trường hợp đình Xuân Canh (xã Xuân Canh, huyện Ðông Anh); đình Vĩnh Phệ, chùa Nả (huyện Ba Vì); đình Cổ Chế (huyện Phú Xuyên); chùa Ðông Khê (huyện Ðan Phượng)…

Trước yêu cầu bức thiết từ thực tiễn, cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Sau một thời gian thực hiện, quy chế này đã góp phần khắc phục những bất cập về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, nhất là về việc sử dụng nguồn công đức, chế độ cho người quản lý, quy trình thẩm định, thiết kế, phê duyệt dự án tu bổ di tích…

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội cho biết, nguồn lực tu bổ, sửa chữa di tích không phải là câu chuyện có thể giải quyết ngày một, ngày hai. Hiện UBND TP đã phân cấp quản lý di tích, vốn đầu tư chủ yếu cân đối từ ngân sách huyện. Một số huyện đã thực hiện tốt như huyện Quốc Oai, trước đây hầu như chỉ dựa vào ngân sách thành phố, nhưng hiện nay đã thực hiện tu bổ được 6 di tích. Những huyện làm được như vậy chưa nhiều, đòi hỏi sự phối hợp tích cực hơn giữa các địa phương với các sở, ngành để giải quyết. 

Với sự quan tâm của thành phố, việc tu bổ, tôn tạo di tích đã có những bước chuyển biến tích cực, giúp các địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn. Có thể kể đến huyện Thường Tín, địa phương có quần thể di tích đồ sộ bậc nhất thành phố, đa số các di tích có niên đại khoảng 300 năm. Tuy nhiên, trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt cùng sự bào mòn của thời gian, rất nhiều di tích bị hư hỏng, xuống cấp. 

Thành phố và huyện đã quan tâm đầu tư và chia thành 3 giai đoạn phục hồi di tích trên địa bàn huyện Thường Tín. Giai đoạn 2010-2011, thành phố đã hỗ trợ huyện đầu tư trên 30 tỷ đồng để tôn tạo 2 di tích gồm tòa Tam Bảo chùa Đậu và đình Khánh Vân. Giai đoạn 2013-2015, UBND huyện Thường Tín hỗ trợ mỗi di tích từ 100 - 300 triệu đồng để chống xuống cấp. Năm 2017 đầu tư 4,5 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo một số di tích khác.

Văn hóa Thăng Long- Xứ Đoài: Cùng nhìn lại và đi tới! ảnh 2Chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất) đã được TP Hà Nội lên kế hoạch trùng tu, tôn tạo xứng đáng với danh hiệu “Đệ nhất cổ tự”

Sáng kiến thành lập mô hình Ban quản lý di tích cấp huyện

Trước những vi phạm đã xảy ra đối với các di tích cấp Quốc gia đặc biệt, di tích có những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, có niên đại cao như đền Phù Đổng, Sở VH-TT Hà Nội đã có sáng kiến, thành lập mô hình tổ chức Ban quản lý di tích cấp huyện đối với các di tích có phạm vi, quy mô rộng hoặc giá trị đặc biệt.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội nhấn mạnh, mô hình các Ban quản lý di tích, nhất là đối với các di tích cấp Quốc gia đặc biệt của thành phố còn tồn tại những bất cập trong mô hình quản lý. Nếu căn cứ vào quy định hiện hành thì cấp huyện không có Ban quản lý di tích. Nhưng để đáp ứng nhu cầu, UBND huyện Quốc Oai và UBND huyện Thạch Thất đã thành lập Ban quản lý di tích chùa Thầy, chùa Tây Phương. Mô hình này đang phát huy hiệu quả. Sở VH-TT Hà Nội đang theo dõi sát mô hình mới và sẽ rút kinh nghiệm từ thực tế để tìm ra mô hình quản lý phù hợp nhất. 

Bên cạnh thành lập mô hình quản lý mới tại các di tích, Sở VH-TT Hà Nội còn có kế hoạch hỗ trợ những người trực tiếp tham gia vào quá trình trùng tu, tôn tạo di tích trong việc nghiên cứu vật liệu thay thế cho chất liệu gỗ, kỹ thuật tu bổ đảm bảo sự đồng bộ nhằm kéo dài tuổi thọ công trình, có kế hoạch đào tạo thợ chuyên ngành nề, mộc truyền thống. Song song với đó sẽ mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo và học tập kinh nghiệm. 

Với những giải pháp kịp thời, nhiều di tích có giá trị của Hà Nội nói chung và các di tích có niên đại của “xứ Đoài mây trắng” đã được trung tu, tu bổ. Gần đây nhất, thông tin Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất đã được TP Hà Nội lên kế hoạch trùng tu, tôn tạo xứng đáng với danh hiệu “Đệ nhất cổ tự” đã làm nhiều người hân hoan.

Với một công trình có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, điêu khắc và tạc tượng mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XVIII, việc chùa Tây Phương được trùng tu đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của thành phố. Và cũng nhờ quá trình Hà Nội mở rộng địa giới hành chính mà không ít các công trình kiến trúc của “xứ Đoài mây trắng” được quan tâm, tích cực trùng tu nhằm tránh khỏi sự xuống cấp và biến mất theo thời gian. 

Nhà thơ Bằng Việt (nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội): Văn hóa xứ Đoài đã được tinh lọc, nâng tầm hơn

Văn hóa Thăng Long- Xứ Đoài: Cùng nhìn lại và đi tới! ảnh 3

“Bản chất văn hóa luôn là dòng chảy động, hướng đến sự kết tinh và lan tỏa. Khi văn hóa Thăng Long - Hà Nội và văn hóa xứ Đoài hòa nhập thì đã có sự kết hợp, bổ sung cho nhau, chắt lọc những gì tốt nhất mỗi bên, không triệt tiêu hay gây nên xáo trộn gì cho mỗi nền văn hóa. Bây giờ sau 10 năm giao thoa giữa hai nền văn hóa, có thể là còn hơi sớm nhưng sau khoảng 20 năm nữa, chúng ta sẽ thấy được các dòng chảy văn hóa không chỉ của xứ Đoài mà tổ hợp từ các nền văn hóa khác trong nước và cả nước ngoài, hòa nhập vào văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, tạo thành dòng chảy tinh hóa văn hóa duy nhất của cả nền văn hóa Thủ đô mở rộng. Đó là niềm ao ước của nhiều người. Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, văn hóa xứ Đoài hiện nay đã được tinh lọc, nâng tầm hơn rất nhiều khi nó đứng riêng lẻ vùng Hà Tây cũ. Văn hóa Hà Nội cũng không đứng yên một chỗ mà hợp lưu, kết tinh và cùng nâng tầm lên, mang tầm vóc lớn hơn, bao quát hơn”.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Hướng đến một Thủ đô văn hiến, trí tuệ, năng động, bền vững, an toàn và thân thiện

Văn hóa Thăng Long- Xứ Đoài: Cùng nhìn lại và đi tới! ảnh 4

“Thống kê trong 100 năm đô thị hóa (từ năm 1900 đến 2000), Hà Nội có tổng cộng 12 triệu m2 nhà ở, với gần 3 triệu dân, trung bình 4m2/người. Con số quá nhỏ bé so với nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên sau khi mở rộng địa giới đến nay chúng ta đã có mấy chục triệu mét vuông nhà ở, có thể nói là thừa nhà ở nếu tính trên thống kê mật độ. Mặt tích cực là nhiều gia đình trẻ, đặc biệt những vùng ven Thủ đô đã có cơ hội định cư ngay trong thành phố của mình để an tâm sinh kế, đi kèm là cơ hội việc làm tăng, kinh tế phát triển. 

Vấn đề cần đặt ra cho 10 năm tiếp theo là phải “biến lượng thành chất”, tức là cần hướng đến một Thủ đô văn hiến, trí tuệ, năng động, bền vững, an toàn và thân thiện. Đó không chỉ là ước muốn của riêng bản thân mà tôi nghĩ là của mọi công dân Thủ đô. Để làm được điều này, chúng ta cần định ra một mục tiêu rõ ràng để theo đuổi. Có mục tiêu sẽ có lộ trình thực hiện, trong đó không chỉ có cấp lãnh đạo mà từng công dân chúng ta cũng có một phần trách nhiệm và phải góp sức vì mục tiêu chung đó”.