Văn chương Việt năm 2010: Những sự kiện nổi bật

(ANTĐ) - Theo thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, đến cuối năm 2007 đã có 13.000 tác phẩm văn học thế giới được dịch ra tiếng Việt (những tác phẩm lớn của nhân loại).

Văn chương Việt năm 2010: Những sự kiện nổi bật

(ANTĐ) - Theo thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, đến cuối năm 2007 đã có 13.000 tác phẩm văn học thế giới được dịch ra tiếng Việt (những tác phẩm lớn của nhân loại).

1. Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ hai 2010

Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội từ mùng 5 đến 10-1-2010. Theo thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, đến cuối năm 2007 đã có 13.000 tác phẩm văn học thế giới được dịch ra tiếng Việt (những tác phẩm lớn của nhân loại). Một con số so sánh không mấy lạc quan: chỉ có hơn 570 tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra các thứ tiếng nước ngoài.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho các bạn đọc trẻ
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho các bạn đọc trẻ

BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII đã đặt nhiệm vụ giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới như là một chiến lược hoạt động đối ngoại quan trọng của Hội. Báo Văn nghệ số 3 (ngày 16-1-2010) ghi nhận: “Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ hai là sự kiện khởi đầu những hoạt động văn học lớn năm 2010”. Cũng trong số báo này có đăng bài của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân “Văn học, sứ giả thiện chí của hòa bình và hữu nghị” và bài của nhà thơ Hữu Thỉnh “Việt Nam - tên gọi của một nền văn học”.


2. Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải cuộc thi truyện ngắn và thơ năm 2008 - 2009

Tạp chí Văn nghệ Quân đội là một địa chỉ văn học đáng tin cậy, là cơ quan tổ chức nhiều cuộc thi có uy tín và chất lượng. Cuộc thi Truyện ngắn và thơ năm 2008 - 2009 đã diễn ra một cách thường lệ và có kết quả khả quan. Về Văn xuôi: Giải A (không); Giải B (3); Giải C(4); Giải khuyến khích (5). Về Thơ: Giải A (2); Giải B (3); Giải C (5); Giải khuyến khích (4). Nhận xét của Ban tổ chức giải: Về truyện ngắn có hơn 2.000 tác phẩm dự thi.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã giới thiệu 115 truyện ngắn của 69 tác giả (tác giả lớn tuổi nhất bước qua bát tuần là Quan Nam Trường Định, tác giả trẻ nhất vừa bước vào tuổi hai mươi là Lưu Quang Minh). Trong cuộc thi này đã xuất hiện nhiều tác giả mới như: Kiều Bích Hậu, Mai Tiến Nghị, Ngô Phan Lưu, Hoàng Chiến Thắng, Uông Triều, Đặng Thiều Quang, MC Amond Nguyên Thi Tu... Về thơ: Đội ngũ đông đảo từ Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Thanh Mừng... đến Huỳnh Thúy Kiều, Hoàng Chiến Thắng... Nhận xét chung của Ban tổ chức: Tuy kết quả là khả quan nhưng cả thơ và văn xuôi đều chưa có sự bứt phá, đột phá thực sự.


3. Lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010 và kết nạp hội viên mới

Ngày 5-2-2010 tại Trung tâm Văn hóa Hội Nhà văn Việt Nam (275 Âu Cơ, Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng văn học năm 2010 và kết nạp hội viên mới. Giải thưởng văn học năm 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tác phẩm Tản mạn nghiệp văn của nhà văn Đinh Quang Tốn. Tặng thưởng của BCH Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Dư luận chung của văn giới đều không lấy làm vui lòng vì cả một năm lao động, sáng tạo của hơn 900 hội viên mà kết quả rõ ràng không khả quan. Đồng thời cho rằng BCH Hội Nhà văn Việt Nam cần đổi mới cách xét và trao giải thưởng văn học hàng năm. Về kết nạp hội viên: Tổng số người sáng tác được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam là 40 (trong đó văn xuôi có 14, thơ 21, lý luận phê bình 3 và dịch văn học 2).

4. Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII - Hoành tráng và dư ba

Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII có quy mô hoành tráng, kéo dài trong 3 ngày với nhiều hoạt động mới mẻ và phong phú. Ngày 13 tháng Giêng (tức 26-2-2010): Sân thơ quốc tế. Ngày 14 tháng Giêng (tức 27-2-2010) có nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương tại chùa Quán Sứ tưởng niệm các nhà văn, nhà thơ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Triển lãm thơ trăm miền; Triển lãm thơ trên gốm sứ...

Ngày 15 tháng Giêng (tức 28-2-2010) Lễ khai mạc ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong ngày này còn có các hoạt động của Sân thơ chính, Sân thơ trẻ, Sân thơ thiếu nhi... Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII được đánh giá là “Sự kiện văn học khởi đầu kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, là “Đại lễ hội Thơ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”...

5. Hội nghị nhà văn ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ ba và giải thưởng văn học Mekong

Hội nghị Nhà văn ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ ba được tổ chức tại Viêng Chăn (từ ngày 24 đến 28-3-2010). Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 11 thành viên do nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - dẫn đầu tham dự hội nghị. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gửi thư chúc mừng Hội nghị.

Sáng 24-3-2010, Lễ trao giải Văn học Mekong lần thứ ba đã diễn ra trang trọng tại Cung Văn hóa dân tộc tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào. Hơn một trăm nhà văn, các nhà hoạt động văn hóa xã hội cùng ba đoàn đại biểu nhà văn Việt Nam, Lào, Campuchia có mặt trong buổi lễ. Có tất cả 10 giải thưởng trao cho các nhà văn ba nước: Việt Nam (3); Campuchia (3); Lào (4). Giải thưởng Văn học Mekong lần thứ ba đã được trao cho các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam: Bão rừng (tập bút ký, ký sự của nhà văn Ngọc Tự, tức Thoong  B.C); Một ngày là mười năm (tiểu thuyết của Phạm Quang Đẩu); Chú Tư, con là ai? (tiểu thuyết của Thăng Sắc, tức Nguyễn Chiến Thắng).

6. Cuộc thi Thơ về Hà Nội (2008 -2010) - Hoạt động nghề nghiệp hưởng ứng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức cuộc thi Thơ về Hà Nội trong hai năm 2008-2010. Lễ sơ kết vào tháng 10-2009; Lễ tổng kết  được tổ chức vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tháng 10-2010. Đã có hơn 20.000 bài thơ của hơn 2.500 tác giả từ mọi miền Tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài đã được gửi đến cuộc thi.

Kết quả cuộc thi có 1 giải Nhất (Nguyễn Phan Quế Mai), 2 giải Nhì (Đặng Huy Giang, Đoàn Mạnh Phương) và nhiều giải thưởng khác. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đã khẳng định: “Cuộc thi Thơ về Hà Nội 2008-2010 đã thành công tốt đẹp; đây là một hoạt động nghề nghiệp có ý nghĩa hưởng ứng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

7. Hội thảo quốc tế “Văn học Việt - Mỹ sau chiến tranh” - Một nhịp cầu văn hóa giữa hai dân tộc

Theo sáng kiến của Trung tâm William Joiner (Hoa Kỳ) và vai trò tổ chức của trường Đại học Văn hóa Hà Nội, một hội thảo quốc tế đã được tổ chức mang tên “Văn học Việt - Mỹ sau chiến tranh” trong hai ngày 1 và 2-6 -2010 tại khu nghỉ nổi tiếng V.Resort (Kim Bôi, Hòa Bình). Nội dung của Hội thảo quốc tế “Văn học Việt - Mỹ sau chiến tranh” được đúc kết bằng cuốn sách Con đường của cái đẹp (Nxb Tri thức, Hà Nội 2010).

Có mặt trong cuốn sách này là tham luận của các nhà văn Mỹ: Kevin Bowen, Bruce Weigl, Fret Marchant, Martha Collin, John Dean, George Kovach, Nguyễn Bá Chung.

Các nhà văn Việt Nam có tham luận đọc trong hội thảo này: Lê Lựu, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng, Hữu Thỉnh, Lê Minh Khuê, Bùi Ngọc Tấn, Tô Nhuận Vỹ, Trần Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Dương Thuấn. Hội thảo này cũng như những hoạt động giao lưu khác của các nhà văn Mỹ tại một số địa chỉ văn hóa ở Hà Nội có ý nghĩa góp vào sự phát triển ngày càng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

8. Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà văn Việt Nam

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 4 đến 6-8-2010. Đây là Đại hội toàn thể với sự tham gia của gần 800 đại biểu đến từ  mọi miền của đất nước nên tràn trề niềm vui gặp gỡ. Đại hội đã thành công tốt đẹp (dĩ nhiên không tránh khỏi một vài sai sót nhỏ). Đại hội đã bầu ra một Ban chấp hành gồm 15 nhà văn. Nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII (2010-2015). Dư âm của đại hội còn dài, còn rộng và cũng có những cách đánh giá rất ngược chiều nhau. Nhưng trên tinh thần cầu thị thì thấy Đại hội VIII là một cột mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam trong hơn 50 năm qua.

9. Những văn nhân ra đi - Mất mát lớn của văn giới Việt Nam

Nhà văn Từ Bích Hoàng (1922-2010), mất ngày 23-1-2010; Nhà văn Hoàng Công Khanh (1919- 2010), mất ngày 5-5-2010; Nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010), mất ngày 6-5-2010; Nhà thơ Hữu Loan (1916- 2010), mất ngày 16-3-2010; Nhà văn Lý Biên Cương (1941- 2010), mất ngày 22-3-2010; Nhà văn Băng Sơn (1932- 2010), mất ngày 3-9-2010 và Nhà văn Vũ Đình Minh (1944- 2010), mất ngày 30-9-2010.       

10. Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba (2006-2010) của Hội Nhà văn Việt Nam

Cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lần thứ I (1998- 2000), lần thứ II (2002- 2004) đã tạo đà cho cuộc thi lần thứ ba (2006- 2010). Ban Tổ chức đã nhận được 247 tác phẩm của 245 tác giả tham dự. Hội đồng Sơ khảo đã tiến hành bình chọn 51 tác phẩm vào chung khảo. Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định trao giải thưởng cho các tác phẩm:
Giải A: Hội thề của Nguyễn Quang Thân
Giải B: Chân trời mùa hạ của Hữu Phương; Vùng lõm của Nguyễn Quang Hà: Quyên của Nguyễn Văn Thọ
Giải C: Lửa đắng của Nguyễn Bắc Sơn; Heo may về (Gió chuyển mùa) của Đỗ Thị Hiền Hòa; Xiêng Khoảng mù sương của Bùi Bình Thi; Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn; Biết đâu địa ngục thiên đàng của Nguyễn Khắc Phê; Xuân Từ Chiều của Y Ban; Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương; Thức giấc của Thùy Dương; Đất trời vần vũ của Nguyễn Một; Những cánh hoa lòng (Dòng sông chết) của Thiên Sơn.

Bùi Việt Thắng