Tưởng người “Từ bến sông Thương”

(ANTĐ) - Người con gái có cái tên ghép họ cha họ mẹ thành Vương Kiều Ân chính là nữ sĩ Anh Thơ, người được xem là thi sĩ của Bức tranh quê số một ở nước Việt. Còn nhớ mấy mươi năm trước đọc hồi ký đầy chất thơ của nữ sĩ có đầu đề “Từ bến sông Thương”, tôi cứ nghĩ rằng người nữ thi sĩ ấy có gốc gác miền Kinh Bắc.

Kỷ niệm 90 năm ngày sinh nữ sĩ Anh Thơ (1919-2009):

Tưởng người “Từ bến sông Thương”

(ANTĐ) - Người con gái có cái tên ghép họ cha họ mẹ thành Vương Kiều Ân chính là nữ sĩ Anh Thơ, người được xem là thi sĩ của Bức tranh quê số một ở nước Việt. Còn nhớ mấy mươi năm trước đọc hồi ký đầy chất thơ của nữ sĩ có đầu đề “Từ bến sông Thương”, tôi cứ nghĩ rằng người nữ thi sĩ ấy có gốc gác miền Kinh Bắc.

Phủ Lạng Thương chỉ là nơi neo đậu của một tâm hồn thơ thời thiếu nữ, khi gia đình đương sinh sống tại đất này. Những câu chuyện về tình bạn hay mối tình không trọn với thi nhân “Lỡ bước sang ngang” và cả ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cho đến bây giờ vẫn chỉ là những huyền thoại…

Đường thơ

Vương Kiều Ân đã bước vào văn chương bằng tâm hồn trong trẻo của một cô gái tân thời hồi đầu thế kỷ XX. Cô gái trẻ đã yêu thơ đến nỗi dám bước qua sự ngăn cấm của gia đình. Mười sáu tuổi đã lén cha làm thơ và gửi thơ đăng Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Ngày nay, Phụ nữ… 20 tuổi được giải thưởng khuyến khích của Tự lực văn đoàn. Anh Thơ đã mạnh dạn bước lên văn đàn với háo hức của một thiếu nữ trước sự lên ngôi của thơ mới. Sự an bài của số phận hình như đến quá sớm để sau đó cuộc đời cô gái họ Vương mang danh hiệu nữ sĩ Anh Thơ là cả chuỗi ngày vô vọng trong nỗi cô đơn kiếm tìm.

Hẳn tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam lúc ấy đã cảm phục lắm lắm người thơ nữ đôi mươi khi nhận được bức thư đề: M. Hoài Thanh professeur, L’intituteur Thuận Hóa. “Tôi đã không dám khinh thường người viết thư mà lại còn kính phục thêm nữa. Vì tôi biết người viết thư là một nữ thi sĩ có danh: Anh Thơ...”. Hoài Thanh và Hoài Chân viết tiếp: “Phải là người có học mới có thể đưa vào thơ cái cảnh: Chó lè lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng/ Lợn trói nằm hồng hộc thở căng dây.

Anh Thơ từ lâu đã chuyên lối thơ tả cảnh, mà lại là những cảnh rất bình thường: một phiên chợ, một đứa bé quét sân, một vài mụ đàn bà ngồi bắt chấy. Thơ của người biệt hẳn ra một lối. Có kẻ sẽ cho Anh Thơ là người vô tình. Nhưng có thiếu nữ nào hai mươi tuổi mà lại vô tình? Anh Thơ bắt đầu cũng làm những bài kể nỗi lòng mình. Hẳn người đã tập luyện nhiều năm mới có thể đi đến cái thản nhiên, cái dửng dưng mà độcgiả “Bức tranh quê” ắt phải lấy làm lạ.

Nhiều lúc tôi tưởng người đã đi quá xa. Tranh quê có bức chỉ là bức ảnh. Cái thản nhiên hàm súc của nghệ sĩ đã nhường chỗ cho cái thản nhiên trống rỗng của nhà nghề… Không, thơ phải là một tia sáng nối cõi thực với cõi mộng… Sau câu thơ ta mơ hồ thấy một cái gì: có lẽ là hồn thi nhân khi người tả cảnh bến đò trưa hè: Mây đi vắng trời xanh buồn rộng rãi/ Sông im dòng nắng đứng không trôi…

Cho đến nay, có lẽ khó có một nhà thơ nào đạt đến độ tinh tế như vậy khi tả cảnh quê: Ngoài đồng vắng, trời đêm mà che nón/ Có hai người đi lẻn tới nương dâu/ Và lại có cả một đôi đom đóm/ Bay dập dìu hay muốn phải lòng nhau… Tài thơ phát tiết tự nhiên như tâm hồn cô thiếu nữ. Làm sao tin một thiếu nữ xuân thì viết những câu thơ đẹp hơn cả bức tranh tuyệt tác, nếu không phải là người con gái ra đi “Từ bến sông Thương”: Trong thôn vắng tiếng gà xao xác gáy/ Các bà già đưa võng hát thiu thiu/ Những đĩ con ngồi buôn lê bắt chấy/ Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu…

Tài thơ của nữ thi sĩ là đã vẽ nên bức tranh quê bằng sự quan sát tinh tế và hơi thơ chân chất. Anh Thơ đã để lại dấu ấn trong thơ Việt, một dấu ấn khó có thể phai mờ.

Nữ sĩ Anh Thơ thời trẻ
Nữ sĩ Anh Thơ thời trẻ

Và oái oăm trong tình trường

Sự an bài của số phận hình như đến quá sớm để sau đó cuộc đời cô gái họ Vương mang danh hiệu nữ sĩ Anh Thơ là cả chuỗi ngày vô vọng trong nỗi cô đơn kiếm tìm… Nhưng phận liễu đào có lẽ cũng sớm vận vào nữ sĩ với những câu chuyện oái oăm trong tình trường. Người trai đầu đời đến với nữ sĩ tương lai lúc ấy là một sinh viên luật khoa.

Nhưng mối duyên đầu trắc trở vì trong thâm tâm, nữ thi sĩ trẻ họ Vương luôn mơ đến bóng một người thi sĩ. Rồi cũng có một chàng thi sĩ nổi danh tìm về kinh Bắc. Người thi sĩ ấy chơi với người anh con bác là thi sĩ họ Bàng. Thông qua thi sĩ nọ, người thơ đã ngỏ lời cầu hôn nhưng tiếc thay cử chỉ và phong cách, cùng vẻ ngoài không mấy mặn mà, nam tính đã làm nữ sĩ thất vọng vô cùng. Buồn thay, “ Tình yêu đến tình yêu đi ai biết…”. Anh Thơ yêu thơ chàng, nhưng tình yêu với người thi sĩ lớn ấy thì không. Nàng gần như sụp đổ thần tượng và khước từ người ấy.

Rồi những mối tình tiếp sau, không có lấy một lần hạnh phúc. Người từng đính hôn với nữ sĩ và đem lại những giây phút đẹp nhất đời nữ sĩ là thi sĩ Cẩm Văn. Hai người đã làm lễ chạm ngõ. Nhưng lại một lần nữa, Anh Thơ phải ôm hận tình khi một chiều mưa từ Hà Đông ra nhà xuất bản Nguyễn Du, phố Hàng Đẫy, nơi Cẩm Văn làm việc bỗng gặp cảnh tình tứ giữa chàng thi sĩ trẻ với cô đào hát. Thấy người yêu tức giận bỏ đi, thi sĩ Cẩm Văn đã chạy theo thanh mình rằng “Anh chỉ yêu cái bản sắc dân tộc qua tà áo tứ thân chứ có yêu gì cô ấy. Anh chỉ yêu em thôi”.

Nữ sĩ Anh Thơ (đứng bên phải)
Nữ sĩ Anh Thơ (đứng bên phải)

Tưởng chàng thi sĩ nói thế và sự thể như thế nhưng ngờ đâu khi Anh Thơ bỏ đi thì cũng là lúc cô đào hát dọn đến nhà Cẩm Văn ở. Nhà xuất bản danh tiếng ấy tan từ đó… Lần thất tình này đau đớn quá, khiến từ đó Anh Thơ đâm sợ đàn ông. “Con chim khôn sợ cành cây cong”, nữ sĩ đành cảnh giác hơn với những lời ngọt nhạt của các bậc nam nhi…

Chính vì thế có lần nữ sĩ đã chối từ tình cảm của một thi sĩ đàn anh, và oái oăm người đó là chồng cô bạn gái thân… Sau này tổ chức giới thiệu cho nữ sĩ một người bạn Đức từng chiến đấu trong quân đội Việt Nam. Nhưng sau đó lại là bên tổ chức cân nhắc thế nào đó lại bàn thôi. Lại một lần nữa Anh Thơ để vuột mất mối tình với một người mà mình trộm nhớ thầm thương.

Sự đời đôi khi trớ trêu hết chỗ nói. Mối tình của nữ sĩ Anh Thơ với thi sĩ Xuân Diệu tưởng là mối nhân duyên kỳ ngộ. Sau khi chia tay ông hoàng thơ tình, bởi như bà thừa nhận Xuân Diệu đã nói thẳng với người mình yêu rằng: Lấy tôi chị sẽ không hạnh phúc, “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”.

Nhưng ai nào ngờ khi quyết định lấy bác sĩ Bùi Viên Dinh thì chính Anh Thơ lại không thể có hạnh phúc do phải cắt bỏ dạ con vì bệnh tật, khiến cuộc đời cuối cùng vắng tiếng trẻ con. Kỷ niệm cuộc hôn nhân này, nữ sĩ đã có hẳn một tập thơ tặng người đàn ông cuối cùng và là người đàn ông đầu tiên yêu thương bà thật lòng. Tập thơ mang tựa đề “Lệ sương” đề tặng ông Bùi Viên Dinh. Nghị lực và tình yêu cuộc sống đã cho Anh Thơ sức mạnh để vượt lên nỗi đau số phận để dâng đời những vần thơ đằm thắm tựa bức tranh quê…

“Từ bến sông Thương” người thiếu nữ Anh Thơ đã bước vào thi ca và cả cuộc đời dấn thân cho thi ca. Bà hẳn là một gương mặt thơ nữ Việt Nam in đậm dấu ấn trên thi đàn Việt Nam..

Tân Linh