Tương lai hồ Gươm dưới góc nhìn của các kiến trúc sư

ANTD.VN - Gần đây, phương án thiết kế của Dự án “Đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm” do tư vấn AREP VIILE (Pháp) đề xuất đã được triển lãm và xin lấy ý kiến người dân. Qua dự án này, hồ Gươm - trái tim của Hà Nội sẽ trở nên hiện đại, lung linh hơn mà không mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có.

Mở rộng lối đi bộ dưới lòng đường 

Hồ Gươm và khu vực phụ cận luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học cũng như các nhà nghiên cứu quy hoạch, kiến trúc, lịch sử. Thông qua triển lãm thiết kế Dự án “Đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm” trưng bày tại Trung tâm Thông tin hồ Gươm, Ban quản lý xây dựng công trình hồ Hoàn Kiếm (Chủ đầu tư) cùng các đơn vị liên quan mong muốn sẽ nhận được những góp ý khoa học, có giá trị để rà soát, chỉnh sửa. Thực tế, đã có không ít ý kiến phân tích của giới kiến trúc sư về cái được và chưa được của thiết kế này. 

Về tổng thể, dự án có 3 hạng mục chính gồm: Cải tạo, nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh hồ Gươm; Chiếu sáng trang trí xung quanh hồ; Cây xanh, cảnh quan xung quanh hồ.

Hè đường - kế thừa nhiều mô hình đô thị châu Âu

Một trong những giải pháp nổi bật của dự án là mở rộng lối đi bộ dưới lòng đường. Theo ý kiến của KTS Đinh Đăng Hải thuộc Tổ chức HealtBridge, giải pháp mở rộng khu vực đi bộ là rất hay, tuy nhiên thiết kế cụ thể cần lưu ý: Việc đi bộ ngang cấp và không có rào chắn vật lý với phương tiện cơ giới là nguy hiểm. Vì vậy nên chọn phương án dùng một làn xe đạp làm vùng đệm và có phân cách vật lý bằng cột chắn.

Cùng bàn về vấn đề cải tạo hè đường, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, đề xuất đã vượt qua giới hạn của vỉa hè quanh hồ và can thiệp đến lòng đường thì cần một giải pháp tổng thể hơn. Cụ thể, đề xuất của AREP đề cập đến tổ chức luồng tuyến xe buýt và xe điện của Công ty Cổ phần Đồng Xuân, đồng thời lại đề xuất mô hình xe điện cổ đặt tại vị trí bến đỗ để bán cà phê. Như vậy là thay bất ổn cũ bằng bất mới: Bớt xung đột giao thông bằng cách tập trung đông đúc khách hàng ăn uống (trong khi bên kia đường đã có sẵn dãy cửa hàng mặt phố từ hàng trăm năm nay rồi). 

Bên cạnh đó, AREP chưa bàn đến kết nối các phương tiện giao thông công cộng vào khu đi bộ. Trong khi, nghiên cứu của nhóm City Solution (hợp tác giữa các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản từ 2015-2017) đã đề cập đến những giải pháp triệt để hơn, bao gồm: Bãi đỗ xe ngoại biên, tổ chức tuyến giao thông công cộng tốc độ thấp, kết nối các tuyến buýt thành phố và khu vực đi xuyên qua khu phố cổ. 

Điểm chú ý, đề xuất của AREP bố trí lại tuyến giao thông trước cửa Hồng Vân - Long Vân, đây là một đề xuất kế thừa nhiều phương án đã thực hiện thành công tại các thành phố châu Âu. Tuy vậy, tại đây cần khảo sát kỹ hơn các hoạt động giao thông và sinh hoạt thường ngày để không gian được chia sẻ, thương lượng giữa các hoạt động tối ưu hơn.

Đáng nói, phố đi bộ quanh hồ Gươm chỉ diễn ra 2 ngày cuối tuần, các ngày còn lại hoạt động bình thường, do vậy diện tích lưu thông cũng không kém phần quan trọng, mặt khác tại vị trí này cũng có thời điểm còn sử dụng làm sân khấu biểu diễn nghệ thuật. Đài phun nước tại đây còn có giá trị điều hòa vi khí hậu trong những ngày nắng nóng tại vị trí không có cây xanh. Vậy nên việc tăng diện tích lát đá cần cân nhắc. Có thể nghiên cứu gia tăng không gian giải trí bằng nước tại đây, vừa tăng phương tiện điều tiết nhiệt độ, vừa tạo điều kiện cho các loại hình giải trí, cảm thụ cảnh quan đường phố.

Trồng cỏ mép nước

Cần thêm không gian sinh hoạt cộng đồng

 “Đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm” là dự án mà cư dân Hà Nội và cả nước kỳ vọng rất nhiều là hình mẫu cho việc tôn tạo một không gian xanh vốn đã nổi tiếng của Thủ đô. Theo KTS Đinh Đăng Hải (Tổ chức HealtBridge): “Về cây xanh, một vấn đề quan trọng mà phương án thiết kế cần nghiên cứu thêm là diện tích bao phủ bóng mát. Vị kiến trúc sư này đặt câu hỏi, liệu với phương án này, bóng mát đã đủ và hỗ trợ người sử dụng ở lâu hơn tại không gian công cộng này chưa, đặc biệt vào mùa hè?.  

Một điều dễ nhận thấy là trong nghiên cứu của AREP đã chỉ ra sự thiếu hụt các không gian sinh hoạt cộng đồng đặc trưng nhưng chưa có đề xuất nào giải quyết vấn đề này. Đề xuất chỉ đề cập đến nâng cấp hạ tầng cho người đi bộ mà chưa quan tâm các hoạt động khác, quá chú ý đến du khách mà chưa chú ý đến các nhu cầu nâng cao chất lượng các sinh hoạt cộng đồng hàng ngày tại đây. KTS Đinh Đăng Hải (Tổ chức HealtBridge) cho rằng, cần đặc biệt lưu ý đến đa dạng hoạt động và biến đổi các hoạt động. Việc quy hoạch các khu vực cứng nhắc các chức năng có thể gây nên khó khăn, lãng phí sau này khi muốn chuyển đổi. 

Phương án thiết kế chiếu sáng trong đề xuất của AREP 

Cùng chung quan điểm đó, KTS Chu Kim Đức, đồng sáng lập nhóm ThinhkPlayground chia sẻ: Quy hoạch không gian xung quanh hồ Gươm thiếu yếu tố rất quan trọng, đó là sân chơi cho trẻ em. Trẻ em được bố mẹ đưa đến đây mà không có không gian nào để chơi đùa. Trẻ em không cần đi dạo, thưởng thức hoa lá hay tâm sự như người lớn, các em cần có không gian để chạy nhảy an toàn, chơi đùa với nhau, để vận động, khám phá xung quanh.

Rất nhiều em đã leo lên Tháp Bút lởm chởm để chơi khá nguy hiểm và cũng gây chú ý về việc thiếu sân chơi quanh hồ Gươm với khách du lịch. Một sân chơi nhỏ có thể gây ấn tượng lớn về một thành phố thân thiện với trẻ em - thành phố vì hòa bình. Chỉ cần khoảng 20m2 bãi cỏ có thể tận dụng được thay thế cho những thứ vô vị như đồng hồ, hay con gà cây cảnh.

Ý tưởng mà ThinkPlaygrounds đưa ra là làm một cầu trượt hình con rùa. Thiết kế có diện tích khoảng 20m2, được làm bằng hệ khung Geo Dome (một kiểu liên kết từ các thanh kim loại tạo thành hình vòm tròn hiện đại được dùng khá nhiều trên thế giới), vừa tạo ra không gian rỗng không ảnh hưởng cảnh quan, vừa rất nhẹ nhàng hiện đại có thể tháo lắp di chuyển được khi cần. Đây có thể trở thành điểm nhấn văn hoá đặc trưng cho phố đi bộ, nó kể lại câu chuyện rùa hồ Gươm một cách rất nhân văn. 

Cũng phải nói rằng, phương án thiết kế chiếu sáng quanh hồ Hoàn Kiếm được nghiên cứu rất công phu, có thể đây là thế mạnh của đơn vị tư vấn chuyên nghiệp. Tuy vậy, các đề xuất quá đi sâu vào thủ pháp chiếu sáng nghệ thuật nên chưa chú ý đến chiếu sáng an ninh. Trong khảo sát, AREP đã chỉ ra những tồn tại của các thiết bị hạ tầng kỹ thuật: tủ điện, nhà vệ sinh... nhưng chưa rõ giải pháp, nên chăng ngầm hóa toàn bộ các hạng mục này (giống như phố đi bộ Nguyễn Huệ)?.

Tóm lại, chỉ trong một thời gian ngắn, hãng tư vấn đã hoàn thành một công việc phức tạp đòi hỏi nhiều bộ môn kỹ thuật chuyên biệt. Tuy nhiên, cái thiếu lớn nhất là phương án thiếu nghiên cứu xã hội, bởi lẽ đây cũng là đặc điểm của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật.