Tuổi thơ tôi - Hà Nội

(ANTĐ) - Hà Nội gắn với tôi từ thuở cắp sách đến trường. Tôi sinh ra được hai năm thì bộ đội ta tiến về giải phóng Thủ đô. Nhà tôi ở phố Nguyễn Hữu Huân, ngay gần ngã tư Hàng Mắm. Tuổi cắp sách đến trường tôi học ngay ở trường Nguyễn Huệ phố Hàng Tre sau nhà. Nhà tôi có cửa sau ăn thông ra phố Hàng Tre, nhiều hôm nghe tiếng trống trường, chạy ra cũng vừa. Gần trường học là xưởng cơ khí Đồng Tháp.

Tuổi thơ tôi - Hà Nội

(ANTĐ) - Hà Nội gắn với tôi từ thuở cắp sách đến trường. Tôi sinh ra được hai năm thì bộ đội ta tiến về giải phóng Thủ đô. Nhà tôi ở phố Nguyễn Hữu Huân, ngay gần ngã tư Hàng Mắm. Tuổi cắp sách đến trường tôi học ngay ở trường Nguyễn Huệ phố Hàng Tre sau nhà. Nhà tôi có cửa sau ăn thông ra phố Hàng Tre, nhiều hôm nghe tiếng trống trường, chạy ra cũng vừa. Gần trường học là xưởng cơ khí Đồng Tháp.

Hồi đó họ làm nhiều cái thùng bằng sắt tròn dài và to lắm, có một cái miệng thùng một người chui cũng vừa (sau này mới biết là họ làm thùng chứa xăng dầu). Buổi tối tụi trẻ trong phố thường chơi xô vê hoặc chơi trốn tìm, toàn chơi ngoài đó. Có đứa chui vào thùng để trốn, tìm mãi không được, đứa đi tìm cầm thanh sắt đi gõ từng thùng, đứa ở trong thùng tai không chịu được nữa phải chui ra… rồi cãi nhau ầm ĩ. Bác bảo vệ ra quát đuổi, cả bọn bỏ chạy tán loạn.

Có những hôm bọn tôi rủ nhau ra Bờ Hồ chơi, nhặt búp đa ở cửa đền Ngọc Sơn thi nhau thổi, còn ra núi đá chân Tháp Bút, hoặc vào trong đền, tìm gốc cây mát ngồi học thuộc lòng. Hồ Gươm rất nhiều tôm, bọn tôi làm cần bằng nan mành mành, dây chỉ, lưỡi bằng dây thép uốn cong, móc cơm nguội vào cũng câu được tôm. Có buổi chiều cũng câu được gần hai lạng tôm về mẹ tôi lại trộn bột rán bánh tôm cải thiện, thích lắm. Có hôm mải câu không học bài, đến lớp bị điểm 2 về nhà bố kiểm tra, cốc cho lõm đầu, sợ mãi.

Có một kỷ niệm không thể nào quên là vào năm tôi học lớp bốn, được đi thi văn thành phố. Sau đó tôi được bầu làm “Cháu ngoan Bác Hồ” và được đi tập trung tại Ấu Trĩ viên (nay là Cung thiếu nhi) để đi gặp Bác ở Phủ Chủ tịch. Khi vào đến Phủ Chủ tịch, Bác Hồ bước xuống thềm đón, tất cả ùa lại, Bác bế một cháu lên rồi chia kẹo. Tôi cứ ngây người ra nhìn Bác, rồi tất cả theo chân Bác vào trong phòng xem triển lãm, nhiều sách vở đẹp, chữ đẹp, gương học tập tốt, nhiều điểm 10… Tôi mải mê xem, Bác Hồ đi vào lúc nào không biết, tôi cứ tiếc mãi cơ hội để gần Bác hơn.

Năm học cấp hai, tôi chuyển về trường Trần Nhật Duật, ngay đầu Chợ Gạo. Có những hôm tôi rủ mấy bạn cùng lớp lên cầu Long Biên, sang tận bên Gia Lâm, rồi lại quay về. Có bài văn cô giáo cho làm tả cầu Long Biên, tôi được điểm 9, nghĩ mà sướng mãi. Thế rồi thỉnh thoảng lại lên cầu, ngắm nhìn về cột đồng hồ phía nhà mình, hay xem tàu hoả chạy, cây cầu rung lên làm tôi vừa run vừa thích.

Năm lên cấp ba, tôi học ở trường Trưng Vương 3A phố Hàng Bột. Hàng ngày đi học tôi phải đi tàu điện từ Bờ Hồ đến Ô Chợ Dừa và ngược lại. Mẹ cho có 1 hào, sáng ăn xôi thì thôi tàu điện, đi tàu điện thì khỏi ăn xôi. Ba năm cấp ba cũng qua đi, gian khổ, vất vả, đất nước đang trong chiến tranh. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, lớp lớp thanh niên chúng tôi xếp bút nghiên lên đường cầm súng chiến đấu, tham gia khắp các mặt trận. Cuối năm 1972, tại Bình Long, Đông Nam Bộ đơn vị tôi đeo băng tang đánh trả thù cho Hà Nội.

Tôi còn nhớ mãi bài hát “Chiều Hà Nội” mà những người lính Hà Nội cứ truyền tai nhau mà hát.

“Yêu biết bao những chiều Hà Nội

Hồ Gươm in bóng dáng thân quen

Yêu biết bao nhiêu con đường chờ đợi

Cùng ai nép dưới ánh đèn

Thuyền lướt êm trên hồ Tây

Buồm ai trong sóng gió căng đầy lời ca

Hoa sữa ướp say hồn ta

Chiều buông dáng liễu la đà

Chiều xuống tô thêm tình thương

Hà Nội rực rỡ những phố phường đầy hoa”

Chỉ còn ít ngày nữa là tới Đại lễ 1.000 năm, ai ai đều mong cái ngày ấy đến thật nhanh để chào đón… nhưng tôi muốn nó chầm chậm lại để tận hưởng dư vị đợi chờ, hồi hộp trong những ký ức về Hà Nội thân yêu quê hương tôi.

Trần Phong

(P5A7 Khu tập thể trường Đại học Kinh tế Quốc dân)