Nhà thiết kế Đức Hùng:

Từ bé đã nạp vào "con chíp": Mình là trai Hà Nội, trai phố cổ

ANTĐ - Gặp nhà thiết kế, NSƯT Đức Hùng tại cửa hàng trên phố Hàng Đậu, anh nói vừa kết thúc một tuần bận bịu và sắp đối mặt với những ngày bận kinh hoàng tới. Nhà thiết kế tài hoa đã có cuộc trò chuyện thú vị dành cho “Cà phê chiều thứ bảy”.

Thấy mình giống... quả mít! 

- PV: Trong một đêm nhạc gần đây diễn ra ở Hà Nội, người ta thấy nhà thiết kế Đức Hùng duyên dáng dẫn chuyện trên sân khấu chẳng kém gì MC chuyên nghiệp. Xem anh dẫn chuyện, rồi mới thấy không theo nghề MC là hơi… phí!

- Nhà thiết kế Đức Hùng: Ô, đấy là lần đầu tiên tôi dẫn trực tiếp trên sân khấu đấy! Trước tôi cũng tham gia dẫn một vài chương trình nhưng là trên sóng truyền hình, dựng hình, ghi hình ngon nghẻ cả. Lần này, một người bạn đạo diễn rủ rê, nên tôi thử xem sao. Khán giả có vẻ thích! 

- Anh có vẻ tự tin vào khiếu ăn nói của mình?

- Tại sao tôi lại không tự tin cơ chứ? Tôi thấy văn hóa người Á Đông mình là rất ít khi dám tự khen, bao giờ cũng tỏ ra khiêm tốn, lẩn chìm mình trong đám đông, kiểu như dù bạn có là người rất tốt nhưng nếu ai đó hỏi “bạn có tốt không” thì lại không dám nhận. Trong khi, sự tự tin mang lại cho mình nhiều cảm xúc và giá trị. Nếu không tự tin thì có lẽ cũng là không dũng cảm. Tôi nghĩ rằng, mình đủ tự tin để nói chuyện trước mọi người cũng như chiều lòng những người yêu thời trang, ít nhất là dòng thời trang của mình. 

- Thế đã bao giờ anh làm mất lòng hay tổn thương ai chưa?

- Nói không làm mất lòng ai thì cũng không hẳn. Tôi nghĩ tuy là mình cá tính, thẳng thắn và bộc trực, nhưng cũng đủ khéo léo để không làm ai đó phiền lòng. Dĩ nhiên, khéo léo gì cũng phải trong khuôn khổ nhất định để không đánh mất cá tính riêng. Tôi thấy mình giống như… quả mít, bên ngoài có vẻ gai góc, nhưng bên trong lại rất mềm. Có thể bạn thấy tôi mạnh mẽ, nhưng ẩn sâu bên trong vẫn có gì đó rất mềm yếu của người làm nghệ thuật. Dù gì thì điều đó vẫn rất cần với một người nghệ sĩ. 

- Thế trái tim mềm yếu ấy có bao giờ bị người khác làm tổn thương không?

 - Tôi 48 tuổi rồi. Hai chữ “tổn thương” với tôi hình như không còn nữa. Nói đúng ra, tôi đón nhận những lời chê làm mình tổn thương và cả những lời tung hô đều trong sự bình tĩnh. Tôi đủ bản lĩnh để không cho phép ai làm tổn thương mình. 

Từ bé đã nạp vào "con chíp": Mình là trai Hà Nội, trai phố cổ  ảnh 1Nhà thiết kế Đức Hùng hạnh phúc bên người vợ trẻ đẹp
và hai cô con gái có “gene” nghệ thuật như bố


Không “sính” đồ hiệu

- Vậy anh thấy thế nào nếu như nhận được những “comment” kiểu như: Đức Hùng à, “đanh đá” lắm?

- Ồ, có thể vì nghề thời trang tôi làm rất cần sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Nó tạo cho mình con người khó tính và kỹ càng, kiểu như đính một bông hoa hay hạt cườm lên trang phục mà lệch đi một tí là khó chịu. Cộng thêm sự giáo dục của bố mẹ tôi từ ngày xưa quá kỹ, nên tôi luôn cẩn thận, kỹ càng trong các mối quan hệ. Nói chung, tôi vui với nhận xét ấy. Ai gần tôi sẽ hiểu, nếu như tôi quả thực như thế thì đã không có bạn bè nhiều đến vậy. 

- Anh nghĩ sao khi người ta bảo làm thiết kế thời trang ở Việt Nam mà giàu được như Đức Hùng thì... hơi bị hiếm?

- Nói mình không có tiền thì phụ nghề. Nhưng nói là giàu thì tôi không dám nhận, đủ sống thì đúng hơn. Tôi có thuận lợi hơn so với các nhà thiết kế khác là sinh ra và lớn lên trong một gia đình có điều kiện ở Hà Nội, có nền móng vững chắc để tôi phát triển nghề thời trang. Ví như chỗ tôi đang mở cửa hàng hiện giờ là gia sản bố mẹ tôi để lại, chứ tôi không phải đi thuê. Với lại nói thật, tôi rất chăm chỉ. Tôi có thể làm việc từ 7h sáng đến 12h đêm là chuyện bình thường. Tôi là người có nhiều chữ “T” và có thể rất dễ bị nghiện, nhưng tôi chẳng nghiện chữ “T” nào (cười). Tôi chỉ nghiện mỗi công việc. Chả có lý do gì một người yêu lao động và nghiện việc mà lại không có tiền cả. Đúng không (cười)? Một người yêu lao động như thế thì không thể nghèo được!

- Trong khi “nhà có điều kiện” nhưng hình như anh rất ít dùng đồ hiệu?

- Tôi cũng có đồ hiệu nhưng chỉ 1-2 cái dùng cho biết, chứ không phải là người “sính” đồ hiệu. Kinh tế của tôi cũng không cho phép tôi dùng đồ hiệu. Mà tôi lo, nhỡ mình dùng đồ hiệu rồi sau này con mình cũng quen dùng đồ hiệu theo thì sao. Tôi được dạy từ bé quá kỹ, nạp vào “con chíp” mình là trai Hà Nội, trai phố cổ hẳn hoi thì biết rồi, nhiều suy nghĩ kiểu như không thể khác được, cực đoan lắm.

Bao giờ cũng phải ăn đến miếng cuối cùng

- Ôi nhắc đến trai Hà Nội thì chọn bạn đời chắc là kỹ phải biết?

- Không, chúng tôi đến với nhau rất tình cờ. Từ lúc gặp nhau đến lúc cưới chỉ có hơn 3 tháng, nên gọi là “sét đánh” cũng được. Sau khi lấy nhau xong mới tìm hiểu và đến giờ tôi vẫn nghĩ là mình may mắn, chứ không nhầm (cười).

- Tình yêu ngọt ngào của anh không có tranh cãi trong nhà?

- Thời gian đầu mới lấy nhau cũng cãi nhau đấy chứ. Nhưng tôi nghĩ to tiếng trong hôn nhân là chuyện bình thường. 20 năm qua, nếu vợ chồng mà bảo không cãi nhau thì một là nói dối, hai là không yêu nhau (cười).

- Tôi thấy anh “chiều” vợ đấy chứ, nghe cách anh nói chuyện với vợ qua điện thoại là thấy “chiều” lắm chứ không phải “chiều” vừa!

- Công bằng mà nói vợ “chiều” tôi, hơn là tôi “chiều” bà ấy đấy (cười). Bà ấy rất “chiều” tôi, “chiều” cả những cái hâm hâm của tôi. Bà ấy làm công việc văn phòng, tôi thì lại dị ứng với những việc liên quan đến sổ sách giấy tờ. Cuối ngày, bà ấy chỉ thích nghỉ ngơi ở nhà, tôi thì thích lao ra ngồi ăn uống vỉa hè. Bà ấy biết tôi thích nên vẫn đi cùng (cười).

- Nghe nói anh dạy con nổi tiếng kỹ khỏi bàn?

- Mẹ tôi 50 tuổi mới đẻ tôi, bà biết chắc mình sẽ qua đời trước khi tôi trưởng thành, nhà lại chỉ có tôi là con trai, nếu không uốn nắn dạy dỗ thì lớn lên không nghiện ngập cũng phá phách. Bố mẹ tôi ý thức việc dạy dỗ tôi kỹ càng từ tấm bé. Tôi chịu ảnh hưởng từ sự dạy dỗ kỹ càng đó, nên bây giờ tôi dạy lại con mình y như thế. Sự khắt khe, nghiêm khắc với con là chuyện bình thường. 

- Ồ, tôi tò mò về câu chuyện dạy con này của anh, thực hư thế nào?

- Là thế này, lần đó tôi chở hai đứa đến trường học, mỗi đứa cầm theo một cái bánh ngọt ăn. Con cả thì ăn hết, con thứ hai thì không. Tôi linh cảm con út mà ăn một nửa thì kiểu gì cũng vứt (linh cảm của thằng nghệ sĩ nó kinh khủng lắm, như thầy bói - cười). Thế là tôi vòng xe lại và nhìn thấy con út thả bánh vào thùng rác thật. Tôi chạy vào mở ra, thùng vẫn chưa có rác, tôi nhặt cái bánh lên rồi bảo với nó: “Rất nhiều bạn không có mà ăn, tại sao con lại có thể có hành động như thế này?”. Tôi vẫn nhớ khi ấy nó bảo: “Thà bố cứ mắng con đi còn hơn nói kiểu như thế”. Xong tôi bắt con ăn hết cái bánh đấy trước khi vào lớp. Từ đó trở đi, con tôi không bao giờ vứt đồ ăn. Đấy là cái mà cho dù nhà có điều kiện đi chăng nữa tôi cũng phải dạy chúng, như mẹ tôi từng dạy tôi bao giờ cũng phải ăn đến miếng cuối cùng.

- Thế hai cô con gái của anh thần tượng bố hay mẹ?

- Chắc là chúng thần tượng mẹ vì mẹ điềm đạm hơn, bố thì lúc nào cũng ngùn ngụt như ngọn lửa, chúng sợ nhiều hơn. Nhưng có lẽ chúng sẽ theo con đường nghệ thuật như bố, hai đứa đều vẽ đẹp lắm. Chúng nhìn cường độ làm việc của bố thì sợ. Nhưng tôi đang hướng chung từ sợ đến gần thích rồi (cười).

- Vậy buông tất cả “showbiz”, “ngôi sao” với thảm đỏ ra thì về nhà, anh là người thế nào?

- Tôi hiện nguyên hình là một “thằng điên”, được thể hiện tất cả những gì tôi thích, giải phóng tất cả, nhí nhố và điên loạn (cười).

- Anh hài hước thật đấy, mà những người hài hước chỉ số IQ với EQ thường rất cao!

- Chẳng biết IQ với EQ của tôi có cao không. Nhưng mà thôi, cũng tạm đủ dùng (cười).

- Cảm ơn những chia sẻ chân thành và thú vị của anh!