Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO nói gì về vụ xâm phạm di sản Tràng An?

ANTD.VN -Liên quan đến vụ việc Công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng công trình trái phép tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình tại vùng lõi di sản Tràng An - quần thể danh thắng đã được UNESCO công nhận là “Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam". PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO nói gì về vụ xâm phạm di sản Tràng An? ảnh 1

Ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội

- PV: Thưa, ông nhìn nhận ra sao về công trình sai phạm tại Tràng An?

Ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội: Đây không phải trường hợp duy nhất, cũng dễ hiểu thôi, nó có thể diễn ra ở khắp thế giới bởi quá trình phát triển, mâu thuẫn thực tế luôn luôn phát sinh. Nó không phụ thuộc vào trình độ phát triển của quốc gia hay quốc gia đó giàu hay nghèo.

UNESCO không thể ngăn chặn được hết tất cả nguy cơ xảy ra với các khu di sản. Điều quan trọng hơn với UNESCO cũng như đối với nhà quản lý đó là chúng ta phản ứng như thế nào với vi phạm tương tự xảy ra.

Trong trường hợp của Tràng An, tôi có thể nói UNESCO cảm thấy hài lòng, đánh giá cao phản ứng tức thời của các cơ quan quản lý nhà nước. Ở đây, có thể thấy rõ phản ứng kịp thời Bộ VH-TT&DL, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các cấp chính quyền địa phương. Họ phản rất ứng nhanh, thông tin được lan truyền rộng rãi, yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình xử lý ngay vụ việc.

- Trên thế giới đã từng có trường hợp nào bị UNESCO tước danh hiệu Di sản thế giới do không đảm bảo việc bảo tồn, gìn giữ di sản hay chưa, thưa ông?

Rất đáng tiếc, trên thế giới đã có hai trường hợp bị loại khỏi danh sách Di sản thế giới do UNESCO công nhận. Trường hợp đầu tiên xảy ra năm 2007 ở Oman, vùng thánh địa của loài hươu Trung Đông. Di sản này bị loại khỏi danh sách một phần vì công tác bảo tồn không tốt, thứ hai là áp lực phát triển nên chính phủ Oman thống nhất và tự nguyện đề xuất Uỷ ban Di sản thế giới xin rút khỏi danh sách.

Trường hợp thứ hai là ở thung lũng Elbe, Đức. Họ đã ngang nhiên xây dựng cầu bắc ngang con sông làm phá vỡ cảnh quan của khu di sản. Năm 2007, UNESCO đã đưa thung lũng Elbe vào danh sách di sản bị de doạ. Nước Đức khi đó đã tổ chức trưng cầu dân ý. Song, người dân ở đây lại không hiểu được trách nhiệm của họ trong việc bảo tồn di sản, người ta chọn xây cầu, đi ngược lại với cam kết của Đức với cộng đồng quốc tế.

Tôi muốn nhấn mạnh, với các trường hợp vi phạm, UNESCO về mặt nguyên tắc luôn trao cơ hội cho các nhà quản lý, các cấp chính quyền có đủ thời gian, nguồn lực để xử lý các vấn đề phát sinh.

Công trình "khủng", xây dựng trái phép xâm phạm vùng lõi di sản Tràng An

- Theo ông, việc dỡ bỏ công trình “khủng”, xây dựng trái phép, xâm phạm vùng lõi di sản Tràng An có trả lại được hiện trạng ban đầu của di sản hay không?

Chúng ta phải chờ kết quả thanh tra chính thức của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ ban đầu, chúng tôi nhận thấy, công trình được dựng lên nhanh do họ sử dụng vật liệu và cấu trúc tiền chế. Tức là họ chế ra các đoạn vật liệu bê tông trước, sau đó sử dụng phương pháp lắp dựng. Vì thế chúng tôi cho rằng, việc gỡ bỏ ít ảnh hưởng hơn đối với di sản.

Mặt khác, tôi tin với sự vào cuộc của Bộ VH-TT&DL, sự tư vấn chuyên môn của các kiến trúc sư và các chuyên gia, sẽ được khắc phục tương đối hậu quả. Khi họ dựng lên nhanh thì hậu quả, thời gian gỡ bỏ cũng không phải quá lớn.

- Từ câu chuyện Tràng An cho thấy, cách thức quản lý di sản tại Việt Nam đang bộc lộ sự bất cập. Ông có khuyến nghị gì để ban quản lý di sản có quyền lực thực sự?

Chúng ta phải quan tâm về vai trò của các ban quản lý di sản. Trong trường hợp của Tràng An, không phải ban quản lý di sản không làm gì. Họ cũng đã rất chủ động đến, xử lý, lập biên bản. Nhưng vấn đề ở đây là thẩm quyền của họ hạn chế. Họ chỉ có thể gửi công văn kiến nghị. Vì vậy, rõ ràng rất là khó khăn để cho ban quản lý ngăn chặn kịp thời khi phát hiện vi phạm.

Nhìn về phía trước chúng tôi thấy có 2 cách tiếp cận nhằm phòng ngừa và giải quyết các vấn đề xung quanh việc quản lý di sản. Một là rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật đối với di sản. Nhưng tôi nghĩ cách quan trọng hơn đó là cách đối thoại với khối doanh nghiệp, khối tư nhân.

Những người làm quản lý có thể nắm rất rõ nhưng những hướng dẫn, quy định nào được áp dụng cho khu vực vùng lõi; hay những hướng dẫn, quy định nào được áp dụng cho khu vực vùng đệm. Song, cả người dân lẫn doanh nghiệp ở địa phương có di sản vẫn chưa hiểu họ được làm gì, không được làm gì tác động lên di sản.

Tôi nhấn mạnh một vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp. Chúng tôi không nhìn khối doanh nghiệp như những người đối địch. Trong công tác bảo tồn, chúng ta phải nhận thức rất rõ quyền của người dân cũng như quyền doanh nghiệp, họ đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển, cách duy nhất là đối thoại với họ và cùng nhau xác định giải pháp.

- Vậy làm sao để nhà quản lý với doanh nghiệp có tiếng nói đồng thuận trong việc vừa phát triển kinh tế địa phương vừa có thể bảo tồn di sản?

Trong bối cảnh, Việt Nam hiện là một quốc gia có mức thu nhập trung bình, thì vai trò của khối doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn và họ mới thực sự là những đối tượng mà các nhà quản lý cần kết nối.

Mối quan hệ ở đây, nhà quản lý cần làm sao để các quy định rõ ràng hơn, dễ tiếp cận với người dân và doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!