Tro tàn của vụ cháy rừng Hà Tĩnh thành... tác phẩm nghệ thuật

ANTD.VN - Bị xúc động mạnh trước đám cháy rừng tại Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) tháng 6/2019, họa sỹ Yến Năng đã đến khu rừng cháy và nhặt từ đống tro tàn những viên than để làm tác phẩm của mình. Với sự khéo léo và óc sáng tạo của một nghệ sỹ, anh đã biến những gì còn sót lại của vụ cháy rừng thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo...

Tác phẩm của anh có tên "Săn lửa rừng" đang được trưng bày tại triển lãm "Côn trùng" diễn ra từ nay đến hết ngày 11-9 tại Vicas art studio, số 32 Hào Nam, Hà Nội. 

Từ những thân cây cháy đen chỉ còn lại tro tàn, anh đã xâu chuỗi chúng lại bằng những sợi thép mảnh. Công việc này tưởng dễ nhưng hóa không đơn giản. Vì chỉ cần mạnh tay một chút, những que than sẽ đứt gãy, tách rời nhau. 

Tác phẩm của họa sỹ Yến Năng tại triển lãm "Côn trùng"

Yến Năng đã đan những viên than lại với nhau, tạo thành những hình thù kỳ lạ. Có chỗ anh tạo ra như tấm lưới, có nơi lại túm lại, chất đống. 

Họa sỹ chia sẻ, anh có ý tưởng sẽ thực hiện một tác phẩm tại nơi đám cháy rừng đã xảy ra để nhắc nhở người dân về vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào sự đồng ý của chính quyền địa phương cho phép anh và các nghệ sỹ được lấy số cây bị cháy ra khỏi khu rừng và làm thành tác phẩm. 

Trong lúc chờ đợi được làm một điều gì đó tại nơi đám cháy xảy ra, anh đã thực hiện tác phẩm "Săn lửa rừng" với mong muốn truyền đi thông điệp chung để bảo vệ môi trường, tôn trọng hệ sinh thái đa dạng xung quanh con người.

Cùng góp mặt trong triển lãm "Côn trùng" còn có họa sỹ Hùng Dingo, Hà Huy Mười, Phạm Thị Hồng Sâm, Nguyễn Mạnh Hùng. Tại đây, các nghệ sỹ đã thể hiện các quan niệm mới, các ý tưởng và phương pháp mới trong nghệ thuật điêu khắc.

Dường như cả 5 nghệ sỹ đều muốn thoát khỏi quan niệm về điêu khắc truyền thống, đó là tạo hình 3D, là đục, đẽo, khuôn, là phản ánh hiện thực…

Một tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Mạnh Hùng

Cả 5 nghệ sỹ đều không đặt mục tiêu thương mại lên hàng đầu ở triển lãm này. Họ đều coi triển lãm này là cuộc chơi ý tưởng. Do quan niệm như vậy nên việc lựa chọn các phương tiện biểu hiện hay chất liệu của các nghệ sỹ này rất tự do, phi truyền thống, rẻ tiền, có thể là sắt sợi, sắt vụn, bìa, giấy, xốp, than…