Triển lãm tranh tượng tôn vinh "Vị thần cai quản của phái đẹp" tại quê nhà

ANTD.VN - Dành cả cuộc đời sáng tác tranh, tượng về người phụ nữ Việt Nam, điêu khắc gia Lê Công Thành được mệnh danh là "vị thần cai quản của phái đẹp". Để tôn vinh những đóng góp to lớn của cố nghệ sỹ đối với nền mỹ thuật nước nhà, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp cùng gia đình ông tổ chức triển lãm với chủ đề “Tranh, tượng Lê Công Thành”.

Triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng và kéo dài đến hết ngày 9-10, giới thiệu đến người xem 45 tác phẩm hội họa và điêu khắc tiêu biểu trong cuộc đời sáng tác của cố nghệ sỹ Lê Công Thành.

Lê Công Thành sinh ngày 01/2/1932 tại làng Hải Châu, nay thuộc quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp khóa Mỹ thuật kháng chiến Tô Ngọc Vân (1955-1957) và có thời gian là giảng viên tại Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Năm 1983, ông được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Phó Chủ tịch chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983-1989).

Tác phẩm "Vệ nữ đá"

Lê Công Thành có một sự nghiệp điêu khắc đồ sộ và phong cách sáng tác độc lập. Ông được giới mỹ thuật tôn là “vị thần cai quản của phái đẹp” với số lượng đồ sộ các tác phẩm về người phụ nữ Việt Nam, là “cây đại thụ” của nền điêu khắc Việt Nam của thế kỷ 20.

Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị cho mỹ thuật Việt Nam như: Tượng đài Núi Thành 1985, Bác Hồ và các cháu, Vân dại, Bà má nghiền trầu, Mẹ Âu Cơ (tại Công viên Biển Đông đường Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng)…

Tác phẩm "Họa sỹ và bức tranh sơn dầu"

Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001, giải A Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1976, giải Nhì triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc năm 1983 và nhiều giải thưởng danh dự khác. Sau một thời gian lâm bệnh nặng Họa sĩ, Nhà điêu khắc Lê Công Thành đã qua đời ở tuổi 87 tại Hà Nội vào ngày 28/3/2019.