Triển lãm mộc bản, kể chuyện khởi dựng Hoàng Thành Thăng Long

ANTD.VN -Sáng nay, 23-11, tại Hoàng Thành Thăng Long đã khai mạc Triển lãm “Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới”, triển lãm chọn lựa và giới thiệu bộ sưu tập mộc bản triều Nguyễn bao gồm các phiên bản chứa đựng những tư liệu giá trị về kinh thành Thăng Long qua các thời kỳ. 

Đây là triển lãm đầu tiên khai thác đa dạng, phong phú nguồn tư liệu Mộc bản triều Nguyễn kết hợp với tư liệu hình ảnh di tích, khảo cổ học khu di sản Hoàng thành Thăng Long nhằm phản ánh khái quát, sinh động, chân thực về quá trình xây dựng và thay đổi cấu trúc không gian của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ thế kỷ thứ VII - XIX, trải dài qua các thời kỳ từ Tiền Thăng Long, đến Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và Nguyễn… Triển lãm một lần nữa khẳng định giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long trên các khía cạnh về nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và là trung tâm quyền lực kế tiếp nhau của Việt Nam trong hơn 1000 năm lịch sử.

Trương Chu sửa và đắp lại thành Đại La

Lịch sử xây dựng Hoàng thành Thăng Long được ghi chép rất rõ trong các bộ cổ sử như “Đại Việt sử ký toàn thư” hay “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” nằm trong khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn Di sản tư liệu thế giới hiện bảo quản tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia thuộc Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước.

 Mộc bản là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và thế giới, khắc ngược chữ Hán, chữ Nôm trên gỗ để in ra thành sách, được dùng phổ biến trong thời kỳ phong kiến ở nước ta.

Nội dung của Mộc bản Triều Nguyễn phản ánh lịch sử xã hội Việt Nam từ khởi thủy đến Triều Nguyễn trên các lĩnh vực. Đây là nguồn sử liệu gốc, có giá trị lớn về nhiều mặt, có tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế nên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận là Di sản Tư liệu thế giới vào ngày 31 tháng 7 năm 2009.

Vua Lê Thái Tổ cho đổi Đông Đô làm Đông Kinh (thành Thăng Long) năm Canh Tuất 1430

Trong Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Trương Bá Nghi cho đắp thành Đại La vào năm Đại Lịch thứ 2 (767); đến năm 791, Triệu Xương đắp thêm; năm 808, Trương Chu lại sửa lại La Thành. Năm 866, Cao Biền giữ phủ xưng vương, cho xây đắp La Thành vòng quanh 1.982 trượng lẻ 5 thước, chân thành cao 2 trượng 6 thước, lại đắp con đê vòng quanh dài 2.125 trượng 8 thước, cao 1 trượng 5 thước, cùng làm nhà cửa hơn 4 vạn gian.

Bước sang giai đoạn Lý -Trần, sự kiện nổi bật trong giai đoạn này là vào tháng 7, mùa thu,vua Lý Công Uẩn cho dời kinh đô từ Hoa Lư đến thành Đại La và đổi tên thành thành Thăng Long năm 1010.

Vua Lý Công Uẩn thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền rằng: “... Thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”

Dấu tích chân tảng khai quật năm 2002 tại di chỉ 18 Hoàng Diệu

Khi thuyền ngự đến bên Thành Đại La, có rồng hiện ra, nhà vua sai đổi tên là thành Thăng Long. Sau khi dời đô về Thăng Long, các vua nhà Lý tiến hành khởi công xây dựng các cung điện như: điện Kiền Nguyên, dùng làm chỗ coi chầu, hai bên tả, hữu làm điện Tập Hiền và điện Giảng Vũ, đều có thềm rồng. Đằng sau điện Kiền Nguyên có điện Long An và điện Long Thuỵ, làm chỗ nhà vua nghỉ ngơi. Hai cung Thúy Hoa và Long Thụỵ để cho các phi tần ở. Ngoài ra các vua Lý còn cho tiến hành xây thành, đào hào cho kiên cố. Bên cạnh đó còn cho mở bốn cửa thành: phía Đông là cửa Tường Phù, phía Tây là cửa Quảng Phúc, phía Nam là cửa Đại Hưng, phía Bắc là cửa Diệu Đức.

Đến năm Kỷ Tỵ (1029), Vua Lý Thái Tông cho dựng điện Thiên An “Bấy giờ điện Kiền Nguyên đã bỏ, bỗng có con rồng hiện ở nền điện; nhà vua bảo những người ở xung quanh rằng: “Nền điện đã bỏ mà nay có rồng hiện, ý chừng đất ấy là nơi quý địa dựng lên cơ nghiệp đế vương chăng?”.Mùa xuân tháng giêng, năm Đinh Dậu (1057)vua Lý Thánh Tông cho xây tháp Đại Thắng Tự Thiên (tức tháp Báo thiên) cao vài chục trượng. Năm 1155, vua Lý Anh Tông cho làm cung Lệ Thiên và hành lang nội cung ở điện Long Khánh.

Cùng với tài liệu Mộc bản, triển lãm cũng giới thiệu tới người xem những hình ảnh về mặt bằng, di tích kiến trúc triều Lý được khai quật tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, điểm nổi bật trong giai đoạn này là kiến trúc bát giác, dấu tích 18 móng trụ, trong đó 12 móng trụ xếp thành 2 hàng quay xung quanh 1 móng trụ vuông ở giữa tạo thành hình bát giác.

Triển lãm Mộc bản thu hút sự chú ý của nhiều du khách tham quan Hoàng Thành

Cũng trong sáng nay, một thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ ) đã được ký kết nhằm mục tiêu phối hợp tổ chức trưng bày, triển lãm và xuất bản các ấn phẩm để công bố, giới thiệu các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam; các tài liệu lưu trữ, hiện vật tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội nói chung, khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa nói riêng.

Chương trình hợp tác này nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh về con người, văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội và giá trị của các loại hình di sản đến với công chúng trong và ngoài nước, góp phần thiết thực giáo dục thế hệ trẻ, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm trong việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản tư liệu, văn hóa, lịch sử.