Triển lãm của các họa sĩ "best seller": Có nên lấy thị trường làm thước đo cho tài năng và tên tuổi của các nghệ sĩ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù được kỳ vọng khá nhiều ở lần đầu tiên tổ chức, nhưng trái với khung cảnh ồn ào của ngày khai mạc, triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật 2020 lại diễn ra trong lặng lẽ, không có lãnh đạo phát biểu, không có cắt băng khai mạc, không có cảnh phòng bày tranh không còn chỗ đứng. Tất cả cũng chỉ vì virus Corona....

Theo kế hoạch, triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật 2020 sẽ khai mạc vào ngày 6-8 với đầy đủ nghi lễ thông thường. Nhưng rồi đã buộc phải đình lại để hạn chế đông người, phòng dịch bệnh.

Triển lãm lần này đánh dấu mốc đầu tiên cho việc vinh danh các họa sĩ thị trường Việt Nam mà lâu nay, giới làm nghề và giới mộ điệu vẫn còn đang tranh cãi chưa đến hồi ngã ngũ về việc có nên lấy thị trường làm thước đo cho tên tuổi và trình độ cũng như tài năng của người nghệ sĩ.

"Em Xoan", sơn mài trên gỗ của họa sĩ Bùi Hữu Hùng

Suy đến cùng, tác phẩm mỹ thuật chính là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, hoạt động giao dịch, mua bán tác phẩm mỹ thuật trong cơ chế thị trường là tất yếu và cần thiết để phát triển mỹ thuật một cách bền vững. Bản thân các họa sĩ, nhà điêu khắc cũng luôn mơ ước họ sẽ sống được bằng nghề và bán được nhiều tác phẩm. Chính vì thế, khi một cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức đồng nghĩa với việc, các họa sĩ có tranh bán chạy và đạt chất lượng chính là những người thành tài và xứng đáng được trân trọng.

19 gương mặt tại triển lãm đều là những họa sĩ nổi tiếng và có lượng tranh tiêu thụ rất tốt trên thị trường. Trong đó có 12 họa sĩ ở Hà Nội: Đặng Xuân Hòa, Bùi Hữu Hùng, Lê Thanh Sơn, Đinh Quân, Thành Chương, Trần Lưu Hậu, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Phạm An Hải, Vũ Đình Tuấn, Hồng Việt Dũng và 7 họa sĩ ở TP Hồ Chí Minh: Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trần Văn Thảo, Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài.

"Mây tam diện", lụa của họa sĩ Vũ Đình Tuấn

19 gương mặt "best seller" của thị trường mỹ thuật Việt Nam được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm lựa chọn theo 2 tiêu chí. Đó là tác giả có tác phẩm chất lượng nghệ thuật tốt, có dấu ấn cá nhân và tác giả bán được nhiều tác phẩm và có vị trí trên thị trường mỹ thuật.

Là người khởi xướng ý tưởng tổ chức triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại trên thị trường mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chia sẻ, loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, nếu không có khán giả, không có thị trường thì không thể phát triển bền vững. Lâu nay, nhiều họa sĩ vẫn quan niệm chỉ cần có chất lượng nghệ thuật mà quên mất sứ mệnh của nghệ thuật cuối cùng là phục vụ khán giả, phục vụ nhân dân.

"Gia đình nhà chuột", sơn mài của họa sĩ Thành Chương

Quan niệm về họa sĩ thị trường, họa sĩ Thành Chương, một trong những gương mặt trong triển lãm cho rằng, sẽ không có ai chịu bỏ tiền mua tranh nếu như tác phẩm đó không tốt, không hấp dẫn. Họa sĩ cứ nói tranh của tôi nghệ thuật lắm, nhưng có đúng hay không thì phải căn cứ vào thị trường. Giới nghề cũng cho rằng việc tiêu thụ, bán được tranh không thể tách rời tên tuổi, sự thành công của các họa sĩ, nhất là với mong muốn thúc đẩy thị trường mỹ thuật phát triển, gắn với sự phát triển của công nghiệp văn hóa.

19 tên tuổi góp mặt ở triển lãm lần này chưa thật sự đầy đủ cho những gương mặt họa sĩ thị trường Việt Nam nhưng đây là những nhân tố tiên phong và liên tục hâm nóng thị trường mỹ thuật, kể cả khi Nhà nước chưa có chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa cũng như thúc đẩy các thị trường nghệ thuật như hiện nay. Trong đó, có những cái tên đã hàng thập kỷ có tranh bán chạy trên thị trường.

"Bướm và hoa", sơn dầu của họa sĩ Hứa Thanh Bình

Vì vậy, triển lãm được ra mắt cũng là một sự cố gắng của BTC nhằm phá vỡ định kiến về họa sĩ thị trường khi cho rằng, nghệ thuật tách bạch khỏi thị trường, nghệ thuật là bác học, là vị nghệ thuật mà không phải vị nhân sinh. 

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 15-8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.