Tranh truyện cho thiếu nhi: Tràn lan nhưng vẫn thiếu!

(ANTĐ) - Đọc truyện "Tấm Cám" bây giờ sẽ không thấy: "Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người" hay "Thị ơi thị rơi bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn"...

Tranh truyện cho thiếu nhi: Tràn lan nhưng vẫn thiếu!

(ANTĐ) - Đọc truyện "Tấm Cám" bây giờ sẽ không thấy: "Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người" hay "Thị ơi thị rơi bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn"...

Vào bất cứ hiệu sách hay siêu thị nào cũng có thể thấy bạt ngàn tranh truyện cho thiếu nhi. Nhưng những quyển truyện tranh thiếu nhi chất luợng, có tính giáo dục cao của Việt Nam thì vẫn còn rất thiếu... Thậm chí còn thấy giật mình khi những câu chuyện cổ tích đang dần bị cải biên.

Trẻ em Việt thích đọc truyện Tây

Dọc các phố sách Tràng Tiền, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, nhà sách Tiền Phong mới thấy rõ các loại sách của nước ngoài chiếm ưu thế tuyệt đối. Từ những quyển truyện tranh kiếm hiệp, bạo lực đến thể loại nhẹ nhàng như truyện  truyện cổ Grim, Harry Poter... đâu đâu cũng chỉ thấy truyện tranh nước ngoài. Trong khi đó, truyện tranh Việt Nam dường như đã bị "knock out" ngay chính tại sân nhà.

Nhìn quanh cũng chỉ thấy những thể loại truyện cổ tích, truyện dân gian quen thuộc như Bánh chưng bánh dày, Tấm cám, Thánh Gióng... Sách viết cho trẻ em của Việt Nam chỉ chiếm trên 15%-20%. Sách nước ngoài, nhất là truyện tranh Nhật Bản đã thực sự chiếm lĩnh thị trường truyện tranh bấy lâu nay.

Em Nguyễn Minh Đức - học sinh lớp 9 trường Hoàn Kiếm cho hay, em thích đọc truyện tranh Nhật Bản như bộ Dấu ấn rồng thiêng hay Siêu quậy Teppy... hơn là những quyển truyện tranh của Việt Nam. Vì nó toàn là những câu truyện đã được nghe kể, còn truyện tranh nước ngoài là những bộ truyện dài, vui nhộn, giải trí tốt sau những giờ giải lao.

Không chỉ riêng Đức, các em phần lớn dành sự quan tâm đến những cuốn truyện tranh của Nhật Bản. Nội dung chủ yếu của những cuốn truyện tranh này thường là về chuyện tình yêu của lứa tuổi mới lớn, không có gì bổ ích nhưng lại cuốn hút trẻ em bởi những giận hờn, yêu thương rất giống như những cảm xúc mà các em thường có ở lứa tuổi 13 - 14. Trong khi truyện tranh Việt Nam không hấp dẫn được các em bởi sự đơn điệu, nhàm chán.

Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là một số truyện cổ tích quen thuộc, phần lớn đã được trích giảng trong các sách giáo khoa nay được thêm vài nét vẽ và trở thành truyện tranh cổ tích.

Trong khi truyện tranh nước ngoài phần lớn mang tính giải trí cao, nét vẽ khá đẹp thì truyện tranh Việt Nam hầu như là những truyện quên thuộc, lại quá coi trọng tính giáo huấn, chỉ thích hợp với trẻ em học lớp 4, lớp 5 trở xuống.

Những quyển truyện tranh Nhật Bản dường như đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam
Những quyển truyện tranh Nhật Bản dường như đã
chiếm lĩnh thị trường Việt Nam

Giải trí cao, giáo dục chưa tới!

Cách đây khoảng vài năm, những quyển truyện tranh có nguồn gốc từ Nhật Bản đã thu hút hàng ngàn thiếu nhi Việt Nam. Từ những bộ truyện trinh thám, truyện tình cảm như Trường học nụ cười, Nơ bướm thần kỳ, Thám tử lừng danh Conan... đến truyện kiếm hiệp...như Bảy viên ngọc rồng, Dấu ấn rồng thiêng, Gia đình võ thuật,...có thể thấy bất cứ lúc nào trên tay, trong cặp các em học sinh.

Khởi đầu sự thành công của truyện tranh nước ngoài chắc hẳn chúng ta đều biết đó là truyện "Đô rê mon". Câu chuyện đời sống hằng ngày diễn ra xung quanh chú mèo máy thông minh cùng bạn bè của chú đã từng ngày từng giờ đi sâu vào cuộc sống của các bạn trẻ.

Những chuyện về hiện tại, tuơng lai và quá khứ với những phép màu hiện đại tưởng chừng chỉ trong truyện cổ tích mới có thì đã được các nhà viết truyện tranh Nhật Bản sáng tạo một cách gần gũi, hiện đại hơn, nhưng vẫn mang tính giáo dục cao.

Và cũng có thể nói rằng, ít có truyện nào thành công đến thế. Truyện "Đô rê mon" đã tái bản đi tái bản lại phải đến ít nhất là 3 lần và cũng đã từng gắn với "thời thơ ấu" của nhiều thanh thiếu niên Việt Nam.

Sau thành công của "Đô rê mon", các nhà viết truyện Nhật Bản lại tiếp tục sáng tạo ra những cuộc chiến tranh bất tận giữa các hành tinh, giữa những dũng sĩ của những thế kỷ chống lại bọn ác ma, tội phạm vũ trụ.

Những gương mặt lạnh lùng qua những nét vẽ sắc nét, những lời thoại cộc lốc, những đòn thế đánh nhau "sặc mùi" kiếm hiệp pha trộn những "tuyệt chiêu" kỳ lạ...“Bảy viên ngọc rồng”, “Thủy thủ mặt trăng”, là “đặc trưng” và đại diện cho loại truyện này.

Sau hàng loạt những bộ truyện kiếm hiệp đó, truyện tranh thiên về những câu truyện của tuổi mới lớn của Nhật Bản lại lên ngôi. Những quyển truyện này đều có một cốt truyện gần giống nhau, nét vẽ cũng giống nhau. Nhân vật trong truyện là những "chàng trai", "cô gái" có vẻ đẹp như tranh vẽ, mắt to, long lanh, dáng người chuẩn, ăn mặc những bộ quần áo cũng thật đẹp.

Mỗi truyện có biến tấu đi một chút nhưng phần lớn chẳng bao giờ thấy tác giả đề cập đến việc học hành của nhân vật mà câu chuyện chủ yếu chỉ xoay quanh việc yêu đương, hờn giận.

Thậm chí đôi khi mang tiếng là truyện dành cho thiếu nhi mà không hề thiếu nhi chút nào. Cầm quyển truyện, ta vẫn bắt gặp vô vàn những hình ảnh nóng bỏng được vẽ dựa trên những nét vẽ mờ ảo, và đôi khi còn vẽ một cách thô kệch.

Sau Nhật Bản, có thể nói truyện tranh Hàn Quốc tràn ngập vào nước ta từ tình cảm đến bạo lực không kém gì truyện Nhật Bản. Tại các cửa hàng sách, truyện tranh Hàn Quốc cũng được đón nhận chẳng kém gì so với thế giới truyện tranh Nhật Bản. Cùng với “Ragnarok”, "Cậu chủ" của Hàn Quốc còn có cả những truyện võ hiệp của Trung Quốc.

Đứa em tôi hiện là học sinh lớp 8 trường THCS Tân Trào sau khi đọc truyện tranh đã phát biểu: "Truyện tranh của lứa tuổi bọn em bây giờ không võ này chưởng nọ thì toàn yêu đương.  Mà nếu như trước đây, đoạn nào có cảnh nóng, người ta còn làm mờ, hoặc xoá cảnh đó đi, giờ thì vẫn để nguyên, chẳng thèm quan tâm đến việc xoá hay không nữa. Nhiều khi bắt gặp những cảnh đó, bọn em cũng phải đỏ mặt...".

Hãy để trẻ được tiếp cận với những quyển truyện tranh đặc sắc, đầy tính giáo dục (Ảnh minh họa)
Hãy để trẻ được tiếp cận với những quyển
truyện tranh đặc sắc, đầy tính giáo dục (Ảnh minh họa)

Những câu chuyện bị biến dạng

Chưa bao giờ, thị trường truyện tranh thiếu nhi lại đa dạng và phong phú như hiện nay. Có đến hàng chục NXB cùng tham gia sản xuất truyện thiếu nhi, đặc biệt là truyện cổ tích. Tuy nhiên, đúng như bạn đọc phản ánh, đã xuất hiện tình trạng các câu chuyện cổ tích đang mất dần ý nghĩa đích thực khi được chuyển thể qua những trang vẽ đầy màu sắc.

Giờ đây, quá dễ để chọn một quyển truyện tranh cho con em mình. Chỉ cần ra các hiệu sách hay vào các nhà sách, bạn sẽ thấy vô vàn những quyển truyện tranh trên giá bán. Có đủ các chủng loại, từ những quyển truyện tập giá 3.500đ - 10.000đ, đến những bộ truyện giá 45.000đ/ 10 quyển, truyện bìa cứng thì đắt hơn, khoảng 25.000đ-30.000đ/ 1 quyển....

Vô vàn chủng loại truyện như thế, nhưng nếu muốn chọn ra một quyển truyện thật hay, chất lượng tương đối cao thì lại không đơn giản chút nào. Cầm một quyển truyện tranh “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, tôi chợt bàng hoàng nhận thấy, lời kể trong truyện thật quá sơ sài, thay vào đó chỉ là những hình ảnh màu mè minh họa. Sơ sài như vậy nên những chi tiết trong truyện cũng phần nào bị cắt xén.

Đọc truyện "Tấm Cám", các em sẽ không thấy được những câu như: "Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người" hay "Thị ơi thị rơi bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn"...

Chị Phan Mai Hoa, nhà ở quận Thanh Xuân hay mua truyện cho con nhưng vì thấy thiếu truyện tranh cho thiếu nhi giờ đây in và bày bán đại trà quá, nhiều chi tiết bị cắt xén hết nên chị hay thêm vào để con mình được nghe một câu chuyện đầy đủ hơn.

Chị cho biết: “Nhìn thì nhiều truyện tranh, giá không đắt, mỗi quyển chỉ có vài nghìn thế này thôi, tưởng dễ chọn, nhưng lật đi lật lại mới thấy chất lượng không đáng giá tiền chút nào. Truyện tranh cho thiếu nhi giờ đây bị cắt đi nhiều câu thơ hay. Tôi vẫn thích những câu chuyện truyền miệng, có nhiều câu thơ, dễ đi vào lòng bọn trẻ và mang tính dân gian hơn. Chứ truyện tranh bây giờ "tiết kiệm lời" hơn, dường như chỉ quan tâm đến số lượng thôi chứ chất lượng thì...”.

Từ lâu, công tác giáo dục về vật chất và tinh thần cho những chủ nhân tương lai của đất nước luôn được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển con người. Nhu cầu đọc là thiết yếu đối với trẻ nhỏ.

Vì vậy, để cho ra đời một sản phẩm phục vụ các độc giả nhí vừa mang tính giáo dục vừa thu hút độc giả trẻ là điều không hề đơn giản. Thiết nghĩ, các nhà xuất bản không nên quá vì món lợi kinh tế trước mắt mà xuất bản tràn lan, “thiêu rụi” đi tâm hồn trẻ.

Hà Anh