Tranh lụa - tiếc nuối và hoài niệm

(ANTĐ) -Cũng được xếp vào hàng “quốc họa” của Việt Nam, nhưng tranh lụa lại không có lực lượng các họa sĩ kế cận đông đảo và tâm huyết như những người làm tranh sơn mài, hoặc tranh sơn dầu. Sự thờ ơ của đội ngũ những người sáng tác đã đẩy tranh lụa vào tình trạng “chợ chiều” khi giá trị của bức tranh lụa chỉ đáng giá bằng một bức tranh souvenir và xuất hiện ngày càng thưa thớt trên đời sống mỹ thuật nước nhà.

Tranh lụa - tiếc nuối và hoài niệm

(ANTĐ) -Cũng được xếp vào hàng “quốc họa” của Việt Nam, nhưng tranh lụa lại không có lực lượng các họa sĩ kế cận đông đảo và tâm huyết như những người làm tranh sơn mài, hoặc tranh sơn dầu. Sự thờ ơ của đội ngũ những người sáng tác đã đẩy tranh lụa vào tình trạng “chợ chiều” khi giá trị của bức tranh lụa chỉ đáng giá bằng một bức tranh souvenir và xuất hiện ngày càng thưa thớt trên đời sống mỹ thuật nước nhà.

“Lực bất tòng tâm”…

Lật giở lại từng trang lịch sử của nền hội họa Việt Nam, không ai có thể phủ nhận các lớp họa sĩ vẽ tranh lụa đi trước đã làm nên sự vẻ vang cho nền mỹ thuật nước nhà bởi chính chất liệu mang đậm tính á đông này với phong cách hiện thực, giàu chất thơ với các gam màu trầm ấm, nhuần nhị mang tâm hồn Việt sâu lắng.

Điển hình là các bức tranh lụa của cụ Nguyễn Phan Chánh khi đem tranh triển lãm tại Paris, công chúng Pháp biết đến nền hội họa của nước ta với bản sắc riêng, không giống Tây cũng chẳng giống Tàu. Thế nhưng, từ sau thời kỳ đổi mới, những gam màu dịu dàng và có phần hiền hòa của tranh lụa đã phải chịu sự lấn át dữ dội, nóng bỏng, mạnh mẽ của tranh sơn dầu và sơn mài.

“Em bé và đàn bò” - Phạm Xuân Diệu
   “Em bé và đàn bò” - Phạm Xuân Diệu

Những cuộc triển lãm mỹ thuật cũng được mở ra rầm rộ nhưng ở đó, công chúng yêu nghệ thuật thấy quá ít những tác phẩm lụa, họa hoằn lắm mới thấy vài bức được xuất hiện ở một vị trí thật khiêm tốn trong  phòng trưng bày.

Vậy là, từ vị trí đầu bảng và mang đậm tâm hồn sâu thẳm của người Việt, tranh lụa dần dần lui về ở ẩn trong cái thế “Lực bất tòng tâm”. Những lão họa sĩ vẫn tiếp tục con đường mà mình đã lựa chọn nhưng các họa sĩ trẻ, mấy ai có thể theo được dòng tranh này. Sự rực rỡ trong sắc vàng, sắc bạc của sơn mài, hay những gam màu chói lọi của sơn dầu giúp họ thả sức tung hoành trong những ý tưởng nghệ thuật của mình.

Còn tranh lụa với những gam màu trầm đến hiền hòa, chậm chạp lại khó cuốn hút được các họa sĩ. Không những thế đây còn là dòng tranh kén người vẽ vì nó đòi hỏi sự tỉ mẩn, kỳ công, không thể nóng vội. Họa sĩ sau khi vẽ xong một lớp màu phải rửa bức tranh, để cho màu bề mặt trôi đi. Rồi lại vẽ tiếp, lại rửa, cho đến khi màu sắc đạt sắc độ ưng ý, cho màu thấm hẳn vào thớ lụa, để sao cho khi sờ trên bề mặt lụa gần như không có màu mà chỉ trông như “nhuộm lụa”.

Hơn nữa, chất liệu lụa cũng rất khó bảo quản đặc biệt trong thời tiết nóng ẩm như ở nước ta, có những bức tranh lụa vừa mới hoàn thành, chỉ trong thời gian rất ngắn đã đổi màu và rêu mốc bám trên tranh. Vậy là bao nhiêu công sức để vẽ một bức tranh sẽ trở thành con số 0. Đã có rất nhiều họa sĩ khi bước vào làm nghệ thuật chuyên nghiệp có qua bước vẽ tranh lụa nhưng dần dà, họ đều từ bỏ để đến với các chất liệu... dễ vẽ hơn.

Một trong những lý do nữa khiến cho tranh lụa không còn trở nên hấp dẫn đối với họa sĩ trẻ, chính bởi nhu cầu của thị trường mỹ thuật. Các gallery không còn thích nhận bán tranh lụa bởi lụa dễ hỏng và thị hiếu mỹ thuật của người thưởng thức cũng đã thay đổi.

Những ngôi nhà sang trọng mọc lên và trong không gian rộng rãi đó, những bức tranh lụa được vẽ ở khổ nhỏ dường như lọt thỏm và tan biến đi. Điều đó làm cho thị trường tranh lụa trong nước rơi vào tình trạng ế ẩm hoặc có bán được thì giá trị của bức tranh lụa cũng rất thấp.

Sự cách tân trong tranh lụa

Thời gian gần đây, chúng ta đang chứng kiến sự “nhập cuộc” rất mạnh mẽ của tranh sơn dầu và sơn mài với sự thay đổi về kỹ thuật và chất liệu, kích thích sự thể nghiệm, sáng tạo ở các họa sĩ. Vậy mà, các nghệ sĩ vẽ tranh lụa của chúng ta dường như vẫn sa vào các đề tài quen thuộc như tranh thiếu nữ, khung cảnh làng quê Việt,… dẫn đến sự nhàm chán.

Tuy thế, cũng đã xuất hiện những họa sĩ trẻ vì nôn nóng muốn phá cách, muốn thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về lụa đã bỏ hẳn khâu “nhuộm lụa” truyền thống mà vẽ bằng màu keo (vẽ tempera) kết hợp với chất làm mờ và tạo góc trong sơn dầu hoặc là dán vàng, bạc quỳ lên lụa. Tuy nhiên, sự “pha tạp” giữa tranh sơn dầu, sơn mài và lụa đã tạo ra một đứa con tinh thần thật kỳ dị, và rất khó để được công chúng đón nhận.

Theo nhà phê bình Lê Quốc Bảo, “Lụa cũng giống như bao chất liệu khác để các họa sĩ mặc sức sáng tạo, các đề tài là không hạn chế, tuy nhiên dù trong lối vẽ và chủ đề của các họa sĩ bây giờ có khác các cụ ngày xưa vẽ thì tranh lụa vẫn phải giữ được sự óng ả và mượt mà thể hiện được đặc trưng của tranh lụa khác với các thể loại tranh khác”.

Vậy là, tranh lụa hiện giờ đang đứng trước sự đổi mình để thức tỉnh một thể loại tranh truyền thống của Việt Nam dẫu biết rằng, mọi sự thể nghiệm thường phải trải qua nhiều giai đoạn để tìm ra được con đường đi riêng. Nhưng sẽ là đáng tiếc nếu các họa sĩ trẻ tiếp tục bỏ qua thể loại tranh lụa và coi đó là một thể loại tranh đã xưa cũ.

Như vậy, cũng giống tranh Hàng Trống hay tranh Đông Hồ - những thể loại tranh mang đậm hồn dân tộc, tranh lụa cũng sẽ dần đi vào quên lãng, còn đọng lại chỉ là sự tiếc nuối và hoài niệm.

Phạm Thu Hương