Tranh giả và tư cách của những kẻ chỉ thích đi ăn cắp

ANTD.VN - Mới đây, trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô, họa sỹ Thành Chương đau khổ cho biết, có khi phải tính chuyện đi làm tranh giả. Bởi lẽ, nếu làm nước mắm giả, làm phân bón giả bị phát hiện thì còn bị đi tù, chứ còn làm tranh giả nếu có bị "bắt tận tay day tận mặt” cũng chả sao, mà lãi suất lại cực cao. Thế thì tại sao, không đi làm tranh giả?

100% chìm xuồng

Họa sỹ Thành Chương cho biết, tranh giả là chuyện có từ mấy chục năm nay. Đến vụ tranh ông bị giả mạo tại triển lãm “Các bức tranh trở về từ châu Âu” từng gây chấn động dư luận vào năm 2016 rồi cũng…hoà cả làng. Hội đồng thẩm định được lập nên từ trong Nam đến ngoài Bắc, họa sỹ Thành Chương có tang chứng vật chứng và đã ký biên bản chứng thực bức tranh đề tên họa sỹ Tạ Tỵ là giả mạo.

Thậm chí, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã cho đóng cửa triển lãm, cất bức tranh giả đó đi để chờ cơ quan chức năng vào cuộc. Thế rồi, vụ việc lại nhanh chóng chìm xuồng! 

Họa sỹ Thành Chương

Thành Chương khẳng định, bàn biện pháp đối phó với nạn tranh giả cũng chỉ để mà bàn, vụ tranh giả nào bị phát hiện rồi cũng… im bặt. Vì thế, Thành Chương cay đắng nói đùa rằng, đang tính đổi hướng từ sáng tác sang làm tranh giả, bỏ ra 1.000 USD thu về cả 100.000 USD như chơi. Làm thế, chứ làm nữa cũng chả sao, nếu bị phát hiện cũng chỉ cười xòa với nhau là xong…

Tranh giả hoạt động hơn "thổ phỉ"

Là nạn nhân của các vụ sao chép tác phẩm, Đinh Công Đạt chia sẻ, ai chép tác phẩm của anh rồi bán công khai ở ngay tầng 1 Nhà triển lãm Ngô Quyền anh đều biế, ai là người cầm đầu đường đây chép tranh ở Hà Nội anh cũng biết rất rõ. Nhưng đến giờ, việc làm tranh giả và sao chép tranh trắng trợn đến mức:  “Tao làm tranh giả đấy, mày làm gì tao?” thì thật là một sự xúc phạm đến giới họa sỹ.

Một vài người đã lên tiếng khi phát hiện ra đứa con tinh thần bị người ta ăn cướp nhưng họ đều là nghệ sỹ, cũng ngại va chạm. Hơn thế, những người làm tranh giả cũng đều là con, là em, là cháu của một vài văn sỹ, nghệ sỹ lâu nay được giới nghề kính trọng. Nói chung là biết nhau cả, đâm ra cũng ngại làm lớn chuyện.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

Cũng theo NĐK Đinh Công Đạt, về mặt cảm xúc con người mà nói, khi một họa sỹ nhìn thấy tác phẩm bị sao chép chẳng khác nào nhìn thấy con cái mình bị người ta xâm hại, cảm giác uất ức muốn gào thét, cắn xé nhưng lại đành phải im vì… nể.

Đinh Công Đạt khẳng định, giới họa sỹ đã hết cách, từ rỉ tai nhau cho đến tận nơi nói chuyện với người làm tranh giả rồi nhờ sự vào cuộc của các cơ quan báo chí. Còn nếu như hiện nay, anh cho rằng, nạn tranh giả được phép lộng hành chẳng khác nào thổ phỉ. Họa sỹ bị cướp mất “đứa con” bởi người làm tranh giả một cách ngang nhiên, trắng trợn giữa ban ngày, rồi khi sự việc xảy ra, không có ai đứng ra phân định đúng sai, tốt-xấu, xử lý… và cuối cùng vẫn là thái độ đầy thách thức “tao làm tranh giả đấy, mày làm gì tao?”.

Họa sỹ Phạm An Hải chọn cách buông xuôi

Ồn ào một thời gian với bức tranh “Dư âm phố cổ” chưa từng bán đi đâu, vẫn còn để ở nhà, thế mà tranh lại có ở ngoài cửa hàng đóng khung, chuẩn bị mang đi bày, họa sỹ Phạm An Hải giờ không còn muốn nhắc lại chuyện cũ. Anh bảo, không còn cần thiết phải thực hiện thêm các bước cần thiết dù anh có đủ tang chứng, vật chứng.

Nếu có đi đến tận cùng của sự việc cũng không giải quyết được việc gì. Mục đích của anh khi xới sự việc lên trước dư luận là để nâng cao nhận thức của người chơi tranh. Tranh giả cứ làm nhưng không có người mua sẽ tự chết.

Do vậy, họa sỹ Phạm An Hải cho rằng, điều quan trọng không phải là xử lý kẻ gian lận mà là đánh động với những người chơi tranh. Tranh giả chỉ sống được khi đánh vào lòng tham và sự nhận thức hạn chế của người mua tranh. Anh tin, sau sự việc của anh, người được cho là chủ mưu vụ làm tranh giả vừa qua sẽ không còn được các sàn đấu giá, các nhà sưu tầm tìm tới.

Họa sỹ Phạm An Hải

Phạm An Hải chia sẻ, “nhiều người nói với tôi, không nên tung tranh lên mạng xã hội nhưng tôi không nghĩ thế. Các họa sỹ phải tung lên để nhiều người biết tranh thật được vẽ như thế, chữ ký của họa sỹ như thế thì khi mua tranh họ mới biết phân biệt, tranh giả, tranh thật”.

Khi hỏi họa sỹ, cứ tiếp tục tung tranh lên mạng xã hội như thế rồi bị chép lại, bị làm nhái và lại phát hiện thêm các vụ làm tranh giả khác, anh sẽ đối phó thế nào? Họa sỹ đã thẳng thắn cho biết, “Thôi thì kệ xác chúng, chán lắm rồi! Đừng đòi hỏi tư cách hay nhân cách ở những kẻ chuyên đi ăn cắp!”

Còn với các cơ quan chức năng, họa sỹ An Hải thẳng thắn bộc bạch, đáng lý khi sự việc được phát giác, họa sỹ có trong tay tang chứng, vật chứng thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Nhưng đến nay, anh chưa thấy một đơn vị nào lên tiếng, phản hồi về vụ việc.