Tranh giả và chuyện đi kiện: "Được vạ thì má đã sưng"

ANTD.VN - Tháng 7-2016, “Những bức tranh trở về từ châu Âu” ầm ĩ ra mắt tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Thành Chương tình cờ đến xem thì bàng hoàng nhận ra, bức tranh ông vẽ một người bạn, thời điểm 1971-1972 được đổi thành bức “Trừu tượng” của họa sĩ Tạ Tỵ. Bất bình và “sốc”, họa sĩ Thành Chương khi đó quyết làm cho ra ngọn nguồn... Nói chung, sự việc được đẩy lên rất “căng” và những trò nhập-nhèm-đi-đêm trong giới mỹ thuật tưởng từ đó mà không còn đất sống kiêng nể vài phần. Thế mà, chuyện hóa ra không phải…

“Dư âm phố cổ” - tranh gốc của họa sĩ Phạm An Hải

“Chủ mưu” + “Thủ phạm” = Đều là người quen

Mấy ngày trở lại đây, giới mỹ thuật lại được phen xôn xao khi họa sĩ Phạm An Hải tiếp tục trở thành nạn nhân của nạn sao chép tranh giả. Sự việc được phát giác cũng rất tình cờ. Một nhà sưu tập tranh, mua được 5 bức tranh với giá 285 triệu đồng, khi mang tranh đi làm khung ai ngờ chủ cửa hàng làm khung tranh lại là chỗ quen thân với Phạm An Hải.

Ngờ ngợ tranh quen, nghi hoặc điểm lạ liền gọi điện hỏi, hóa ra bức “Dư âm phố cổ” họa sĩ Phạm An Hải chưa từng bán đi đâu, vẫn còn để ở nhà. 2 bức còn lại kia, vốn là của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng, thì nay xóa tên Rô Hùng ký trong tranh đi, giả chữ ký của Phạm An Hải vào.

Thế rồi chẳng mấy khó khăn, họa sĩ Phạm An Hải đã tìm được nơi phát tán những bức tranh nói trên. Thôi thì buồn tranh giả đã đành, nỗi buồn còn được nhân lên khi người “chủ mưu” lẫn kẻ trực tiếp sao chép tranh, nói theo lời Phạm An Hải là “chỗ quen thân lâu năm, anh em trong nghề cả”.

Đây cũng không phải lần đầu, tranh của Phạm An Hải bị làm giả, cách đây 7-8 năm, một gallery “đi cửa sau”, thuê người chép giả tranh của anh, bán cho một du khách người Mỹ. Mấy năm sau, vị khách mua tranh nói trên tình cờ gặp Phạm An Hải, rồi chuyện đi, chuyện lạ với họa sĩ, khách mua tranh phát hiện mình mua phải đồ giả. Chuyện lại có cái cớ để ầm ĩ lên một hồi, cuối cùng cũng thôi. 

Phạm An Hải bảo, làm nghề phải có tự trọng nghề, phàm đã là họa sĩ chân chính thì chết đói cũng không làm cái điều mất tự trọng ấy, đằng này...

Bức tranh của họa sĩ Thành Chương được ký tên họa sĩ Tạ Tỵ

Có làm sạch được những thứ làm hoen ố nền mỹ thuật Việt?

Hỏi họa sĩ Phạm An Hải rằng anh có kiện đến cùng vụ này không, chần chừ vài giây, anh trả lời tôi bằng một câu hỏi: “Tận cùng thì mình được cái gì?”. Nếu là người xa lạ thì còn phải tìm cho bằng được, đằng này hai năm rõ mười rồi, toàn chỗ anh em với nhau, kiện thì được gì? Nỗi lòng của Phạm An Hải, thực ra cũng giống như nhiều họa sĩ khác ở Việt Nam.

Mỗi khi ai đó xâm hại đến bản quyền tác giả, giận lắm, thậm chí còn tổn hại uy tín, danh dự và kinh tế (vì nói theo lời Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, trình độ làm tranh giả ở Việt Nam là kém nhất thế giới), nhưng khi “thủ phạm” đứng ra xin lỗi thì họa sĩ lại rộng đường tha thứ. Lại cũng có khi, họa sĩ ngại làm đơn từ này nọ, rồi ngại cả các quy trình khiếu nại nên... cho qua.

Cách đây vài tháng, có lần đi qua Nhà triển lãm mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội (thuộc sự quản lý của Hội Mỹ thuật Việt Nam) nhà điêu khắc Đinh Công Đạt bàng hoàng thấy ở đó thản nhiên trưng bày và bán con kiến, vốn gắn liền với tên tuổi Đinh Công Đạt, cái tên Đạt “kiến” cũng từ đó mà ra. Lần đó, Đinh Công Đạt cũng định theo kiện, xong nghĩ đến đoạn phải viết đơn khiếu kiện gửi lên Hội Mỹ thuật cùng trăm thứ thủ tục lằng nhằng nữa, anh phẩy tay cho qua với lý do: “Tôi bận lắm, theo kiện thì dang dở bao nhiêu việc quan trọng của mình à!”. 

Cơ hội để đấu tranh với tranh giả được cho là đầy đủ nhân chứng vật chứng, bắt tận tay, day tận mặt ấy rốt cuộc cũng chỉ là người trong cuộc phát hiện, dư luận dậy sóng, rồi thì lại... thôi. Bao nhiêu đầu mối đường dây làm tranh giả và tiêu thụ tranh giả, rửa tranh thông qua các triển lãm chính thống và đấu giá... đã không được tận dụng và làm tới cùng.

Cơ hội để lôi những thứ làm hoen ố nền mỹ thuật Việt ra ánh sáng để điểm mặt chỉ tên đã không được tận dụng bởi chính những người trong cuộc và cả cơ quan chức năng. Tiếng nói của Hội nghề nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi hội viên, mà cụ thể ở đây là Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng rất yếu ớt.

Chính vì thế, phe chép tranh lại càng được thể, nhơn nhơn, chả coi ai ra thể thống gì, bởi họ đủ khôn ngoan và lọc lõi để hiểu rằng “được vạ thì má đã sưng”, cứ theo đi, còn lâu mới kiện được. Chính vì thế, xưa chuyện làm giả tranh chỉ dừng lại ở tên tuổi của các họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương vì người đã khuất không thể đứng ra làm chứng, giờ thì cứ hễ họa sĩ nào đắt khách là bị làm giả, dù cho họa sĩ ấy vẫn đang ở thời kỳ trí lực sung mãn.

Họa sĩ thông minh mới chống được tranh giả

“Tôi biết có nhiều vụ phát hiện tranh mình bị làm giả, họa sĩ khá ngại khi đứng ra kiện tụng. Thứ nhất là sợ mình không rành luật pháp. Thứ hai là sợ mệt mỏi vì theo kiện, sợ không vẽ được... Người làm tranh giả đôi khi là người quen, càng ngại. Theo tôi, khi vụ việc xảy ra, họa sĩ phải có nhiệm vụ tố cáo, khiếu kiện và nên thuê luật sư - đó chính là cách tự cứu lấy mình cũng như giúp các họa sĩ khác vững tin hơn.

Thứ nữa, đó chính là người mua tác phẩm. Trước khi chơi tranh thì nên là người hiểu biết, có kiến thức. Phải biết các trường phái, dòng tranh và các họa sĩ đương đại, phong cách của họ cũng như những điểm đặc biệt nổi trội ở bút pháp. Ngoài các kênh mua tranh truyền thống là qua nhà buôn, nhà sưu tập, gallery thì có thể đặt quan hệ và mua tranh trực tiếp của họa sĩ.

Không phải tôi nói thế để người mua tranh chỉ mua tranh từ họa sĩ, vì thực tế nhiều gallery làm việc rất chuyên nghiệp, họa sĩ có thể ký hợp đồng độc quyền, mà đôi khi chỉ cần họa sĩ đó thẩm định hộ tranh thôi, đó là cách chắn chắn nhất. Nếu chỉ căn cứ vào cái chứng nhận thì chưa chắc, vì đã xảy ra tình huống “tranh giả, chứng nhận thật”. Vậy trong tương lai phải có thêm một khái niệm mới “họa sĩ thông minh” thì mới có hy vọng giảm tình trạng tranh giả”.

Họa sĩ Phạm Bình Chương