Tranh giả chữ ký của hoạ sĩ Vũ Giáng Hương và màn đối thoại "nóng" của Chọn

ANTD.VN - Chiều ngày 5-9, Nhà đấu giá Chọn đã tổ chức buổi đối thoại 3 bên giữa nhà sưu tầm Phạm Việt Phương, họa sỹ Nguyễn Đông và ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc nhà đấu giá Chọn cùng sự có mặt của rất đông các cơ quan báo chí đưa tin về sự kiện. 

Theo thông tin mà Nhà đấu giá Chọn đã công bố thì có mời gia đình cố họa sỹ Vũ Giáng Hương, gia đình nguyên mẫu trong bức tranh và người đã chuyển thể bức tranh sơn dầu sang lụa, nhưng vì một lý do nào đó họ đã không tham dự.

Cuộc gặp gỡ mà nói theo cách của Nhà đấu giá Chọn là "đối thoại" đã “nóng” ngay từ phút đầu tiên khi ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc nhà đấu giá Chọn đã có màn hỏi đáp với họa sỹ Nguyễn Đông, một họa sỹ trẻ mới tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Ông Hùng nói: “Với những thông tin mà Chọn nắm trong tay, thì không thể nói 100% bức tranh này không phải là của họa sỹ Vũ Giáng Hương. Hôm nay, cũng dựa trên phát ngôn của bạn Nguyễn Văn Đông mấy ngày vừa qua trên facebook cá nhân, Chọn muốn hỏi họa sỹ, bức ảnh chụp nguyên mẫu có phải do bạn chụp không?” Họa sỹ Nguyễn Văn Đông không một giây suy nghĩ đã trả lời ngay:  “Đây là bức ảnh do mẹ cô bé chụp và đặt hàng cho Đông vẽ, không phải ảnh do Đông chụp. Nhưng vì đơn đặt hàng nên Đông phải vẽ giống như ảnh, đó là điều khách hàng mong muốn”.

Ông Trần Quốc Hùng (cầm micro) hỏi họa sỹ Nguyễn Đông

“Điều thứ hai, Chọn muốn hỏi bạn là trong phát ngôn, bạn có nói tới một người cùng quê khác tên là Hằng đã chuyển thể từ bức sơn dầu sang lụa. Theo bạn, với nghề bạn biết, bức tranh lụa đã được vẽ ra từ ảnh hay từ bức tranh sơn dầu của bạn?” - Ông Trần Quốc Hùng hỏi.

“Ai nhìn hai bức tranh sơn dầu và lụa này đều nhận thấy giống hệt nhau. Nhưng Đông nói đây là chép từ tranh chứ không phải ảnh”- họa sỹ Nguyễn Văn Đông trả lời ngay.

Chưa hết, ông Trần Quốc Hùng tiếp tục hỏi, “Đã gọi là tác phẩm, có nghĩa là phải sáng tạo. Vậy sáng tạo tức là chép từ ảnh ra đúng không ạ? Họa sỹ Nguyễn Văn Đông vẫn kiên nhẫn trả lời: “Đã là vẽ theo đơn đặt hàng thì phải giống, nhưng phần phía sau, Đông có xử lý hậu cảnh. Như vậy là đã có cái tôi của người họa sỹ rồi”.

Dường như chưa cảm thấy thỏa mãn, ông Trần Quốc Hùng lại tiếp: “Hai bức tranh giống nhau, chỉ khác nhau về chất liệu, thế theo bạn Đông, bức tranh lụa thuộc quyền sở hữu của ai?” Họa sỹ Nguyễn Văn Đông trả lời: “Đông không quan tâm bức tranh lụa thuộc quyền sở hữu của ai. Đông có đầy đủ căn cứ để chứng minh bức tranh sơn dầu là của Đông, và một người bạn cùng quê đã chuyển thể sang chất liệu lụa, còn bức tranh vừa đấu giá vì sao bị làm giả chữ ký của họa sỹ Vũ Giáng Hương thì Đông cũng đang muốn tìm hiểu”.

Buổi đối thoại có sự tham dự của đông đảo các nhà báo

Vì động tới chủ sở hữu nên nhà sưu tầm Phạm Việt Phương đã lên tiếng và cắt ngang cuộc đối thoại giữa họa sỹ Nguyễn Đông và ông Trần Quốc Hùng.

Ông Phạm Việt Phương khẳng định, tác phẩm này thuộc sở hữu của ông và đã được ông lưu giữ nhiều năm. Ông Việt Phương cũng cho biết, ông là người chơi đồ cổ lâu năm nhưng chơi tranh mới chỉ 6-7 năm. Chuyện bức tranh của ông bị nghi giả mạo chữ ký của họa sỹ Vũ Giáng Hương, ông Việt Phương mới nghe cách đây 2 hôm khi được nhà đấu giá Chọn thông tin. “Khi xem 2 bức tranh ấy, tôi ngạc nhiên vì có sự trùng hợp, không giống 100% nhưng rõ ràng 2 tác phẩm có nhiều nét tương đồng. Chuyện Đông nói ai đặt, vẽ như thế nào tôi không quan tâm vì tôi yêu tranh”-ông Phương chia sẻ.

Ông Trần Quốc Hùng lại chủ động hỏi họa sỹ Nguyễn Đông một câu hỏi khá riêng tư và không liên quan đến việc Chọn đưa tranh giả mạo chữ ký của cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương lên sàn đấu giá: “Quan hệ của bạn và người bạn cùng quê đã chuyển thể bức tranh lụa ấy như thế nào”.

Họa sỹ Nguyễn Đông bình tĩnh và chủ động trả lời: “Mối quan hệ giữa Đông và bạn hay câu chuyện Đông đã đồng ý cho bạn chuyển thể từ sơn dầu sang lụa không nằm trong sự quan tâm của cuộc đối thoại hôm nay. Mà vấn đề là tại sao bức tranh lại có chữ ký của cố họa sỹ Vũ Giáng Hương. Tôi có trong tay đầy đủ tin nhắn, hình ảnh khách hàng đã đặt tôi vẽ bức sơn dầu đó cũng như bạn của Đông đã vẽ bức lụa ra sao. Còn nhà sưu tầm nói bức tranh được sở hữu trong 3 năm hay 5 năm, tôi không quan tâm”.

Ông Trần Quốc Hùng lại hỏi họa sỹ Nguyễn Đông: “Thông tin về sự việc này từ bạn mà ra, phát ngôn cũng của bạn. Bạn đang nói thông tin về một người khác, không phải chính bạn. Mình muốn hỏi đó là ai và ở đâu. Người bạn cùng quê đó ở đâu? Họa sỹ Nguyễn Đông trả lời: “Cô bé Hằng đó là người cùng quê với Đông. Khi xin chuyển thể bức tranh sang lụa, cô bé nói không ký tên bởi vì đó là bức tranh chép lại. Còn tại sao sau này, bức tranh lại có chữ ký thì đó là câu hỏi đặt ra và tất cả mọi người đang tò mò. Anh nên hỏi nhà sưu tầm vì khi mua, tranh đã có chữ ký”.

Nhà sưu tầm Phạm Việt Phương (bên phải)

Trước cuộc đối chất giữa Chọn và họa sỹ Nguyễn Đông, một số người tham dự đã có ý kiến nên dừng lại và để cho các nhà báo được đặt câu hỏi thay vì ông Trần Quốc Hùng trực tiếp hỏi họa sỹ Nguyễn Đông. Nhưng ông Trần Quốc Hùng không cho là như thế và nói “Chúng tôi đang ở đây, tại sao chúng tôi không được đặt câu hỏi? Chúng tôi cũng đang đi tìm sự thật. Nhà sưu tập đã bỏ ra một số tiền để mua tác phẩm và anh ý tin rằng, đó là tác phẩm thật. Và anh ý đang ở đây”.  Cả khán phòng cùng đồng thanh đề nghị: “Thế thì cho anh ấy nói đi”.

Ông Trần Quốc Hùng chuyển micro cho nhà sưu tầm Phạm Việt Phương. Ông Phương cho biết, cách đây 3 năm có người muốn bán bức tranh lụa đó. Khi nhìn tranh ông thích ngay bởi tác phẩm đẹp và tình cảm. Hơn thế, giá mua cũng khá rẻ. Việc mua bán hoàn toàn thỏa thuận miệng giữa hai bên mà không có giấy tờ. Ông Phương tin đó là tác phẩm đẹp, của đúng tác giả Vũ Giáng Hương. Còn bây giờ có đúng hay không thì nhà sưu tầm này cũng cho rằng, cần phải thẩm định.

Cuộc đối thoại không có sự tham dự của cố gia đình họa sỹ Vũ Giáng Hương

Trước chia sẻ này của ông Việt Phương, ông Trần Quốc Hùng khẳng định, Chọn đã tiến hành các bước cần thiết trước khi đưa tác phẩm lên sàn như trưng bày 7 ngày trước phiên đấu giá, in thông tin tác phẩm lên tờ rơi và đã được thẩm định kỹ càng bởi một hội đồng có chuyên môn. Tuy nhiên, khi được yêu cầu cung cấp danh tính của các thành viên hội đồng thẩm định, ông Hùng đã từ chối vì sợ ảnh hưởng tới uy tín cá nhân.

Ông Trần Quốc Hùng còn cho rằng, quá trình thẩm định có sai sót là chuyện rất bình thường. Con người chứ không phải cái máy. Hơn thế, việc thẩm định hiện nay đều bằng mắt. “Các chuyên gia thẩm định nghệ thuật trên thế giới cũng bằng mắt cả!” - ông Hùng nói.

Khi các nhà báo muốn biết lý do gia đình cố họa sỹ Vũ Giáng Hương và gia đình nguyên mẫu em bé trong bức tranh, bạn Hằng cùng quê với họa sỹ Nguyễn Đông không tới, ông Hùng nhắc lại “Chúng tôi đang ở đây”. Cả khán phòng lại xôn xao.

Ông Hùng lại nói: “Chọn không phải cơ quan điều tra, chúng tôi sẽ lần theo logic. Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng để kết nối với gia đình họa sỹ Vũ Giáng Hương và sẽ cố gắng giúp nhà sưu tầm xác định đây có phải tranh của họa sỹ Hương hay không. Chúng tôi có trách nhiệm với nhà sưu tầm và sẽ tập hợp thông tin Đông cung cấp để tìm hiểu xem bạn Hằng là ai, vẽ có ký tên hay không, chúng tôi sẽ hỗ trợ tìm hiểu….”

Buổi đối thoại 3 bên đã kết thúc trong sự bức xúc của nhiều người tham dự vì thông tin mà Nhà đấu giá Chọn đưa ra còn non và thiếu. Trong khi đó lại quá dư thừa những câu hỏi mang tính áp chế.

Điều mọi người quan tâm là bức tranh đã được điền chữ ký giả từ khi nào, ai là người giả mạo chữ ký của hoạ sĩ Vũ Giáng Hương vẫn chưa có câu trả  lời thoả đáng.

Ngày 4-9, PV Báo An ninh Thủ đô đã liên lạc với gia đình cố họa sỹ Vũ Giáng Hương, chị Phương Nga, con gái của họa sỹ cho biết, chị rất bức xúc khi đón nhận thông tin này. Ngay khi bức tranh lên sàn đấu giá, một họa sỹ thân thiết với gia đình và có thời gian làm việc lâu năm với họa sỹ Vũ Giáng Hương đã gọi điện cho chị và thông tin về việc một bức tranh đã làm giả chữ ký của mẹ chị. Nhìn cách vẽ và chữ ký đề trên bức tranh, chị dám khẳng định đây là bức tranh giả và đã cố tình nhái tranh của mẹ chị để nâng giá.