Tranh giả "Chân dung nhà sư" được rao bán công khai trên mạng với giá 5 triệu đồng

ANTD.VN - Mới đây, gia đình cố họa sỹ Nam Sơn rất bức xúc và cho biết, bức tranh “Chân dung nhà sư” của ông đã bị làm giả chữ ký và nét vẽ. Nhưng điều phẫn nộ hơn là bức tranh đã được một tài khoản trên facebook rao bán công khai với giá 5 triệu đồng.

Ông Ngô Kim Khôi, cháu ngoại cố họa sỹ Nam Sơn từ Paris cho biết, vài ngày trước, một người bạn của ông ở Việt Nam đã gửi cho ông đường link dẫn vào trang mạng xã hội đang rao bán bức tranh kể trên.

Quá bất ngờ trước việc rao bán công khai tranh giả của họa sĩ bậc thầy trên mạng xã hội, ông Khôi đã nhờ bạn bè trong nước gọi điện thoại tới số được người bán đưa lên facebook, vờ hỏi mua bức tranh giá thì được một người đàn ông ra giá 5 triệu đồng trên điện thoại.

Bức xúc và chưa có hướng xử lý, ông Ngô Kim Khôi chỉ biết bày tỏ trên facebook cá nhân  với dòng chữ “Cơ quan chức năng vào cuộc hay không?” và kèm hình ảnh bức tranh giả mạo. Bài viết đã nhận được sự quan tâm hầu hết của những người làm trong giới mỹ thuật.

Bức tranh "Chân dung nhà sư" của cố họa sĩ Nam Sơn đang nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm ở TP.HCM

Trong đó, không ít ý kiến khuyên họa sỹ nên đưa vụ việc ra trước pháp luật, bằng việc thuê luật sư. Tuy nhiên, trong đó cũng xuất hiện các ý kiến cho rằng, dù có thuê luật sư đi chăng nữa cũng không có tác dụng mà chỉ rước phiền phức vào người. Bởi đây là thực trạng chung của nền mỹ thuật Việt và từ trước tới nay, có không ít các vụ làm tranh giả bị phát hiện nhưng rồi mọi việc lại nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Điều đáng nói, dù gia đình cố họa sỹ đã lên tiếng nhưng cho tới thời điểm hiện tại (ngày 6-11-2018), tài khoản facebook này vẫn chưa xóa nội dung rao bán 5 bức tranh, trong đó có một bức giả mạo tranh của cố họa sỹ Nam Sơn.

Bức tranh giả được rao bán công khai trên mạng với giá 5 triệu đồng

Chia sẻ thêm về việc này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết: "Với mức giá thấp như vậy, nhiều người nghĩ đây là một bức tranh chép đúng luật. Nhưng tôi lại nghĩ, tranh chép thì giả chữ ký làm gì, chưa kể những người này còn cố gắng giả chữ ký cho thật giống! Tranh chép phải có ghi rõ ràng là chép, chứ không thể lập lờ đánh lận con đen như thế này.

Ở Pháp, vi phạm quyền này có thể bị kết án tù từ 2 đến 3 năm, phạt 150.000 euro đến 300.000 euro (tương đương 3,9 tỉ đồng đến 7,9 tỉ đồng). Còn ở trang facebook này, họ hiên ngang đưa giá 5 triệu đồng sau đó thấy có nhiều người hỏi, bèn lên giá 8 triệu đồng”.

Hiện nay, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi đang chưa biết phải xử lý vụ việc ra sao. Trong khi đó, đây không phải lần đầu tiên một vụ việc về tranh giả được phát giác. Trước đó, vụ tranh giả từ triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” bị bại lộ đã được ví như một scandal chấn động giới mỹ thuật năm 2016 cuối cùng cũng “hòa cả làng”. Người “buôn hàng giả” vẫn yên vị với số tranh bị nhiều họa sỹ tố giác.

Sự khác nhau "Một trời một vực" giữa bức tranh thật (bên trái) và tranh giả

 Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã liên hệ với chủ tài khoản facebook rao bán tranh giả cố họa sỹ Nam Sơn nhưng chỉ nhận được sự im lặng.

Bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” của cố họa sỹ Nam Sơn vừa lập kỷ lục đấu giá tại Paris (Pháp) với mức giá gần 12 tỷ đồng do nhà đấu giá Aguttes tổ chức vào những ngày cuối tháng 10/2018. Cố họa sỹ Nam Sơn, tên thật là Nguyễn Vạn Thọ. Ông là người đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.