Tranh chép thời Đông Dương có giá cả nghìn đô la và nỗi hoang mang của giới mỹ thuật

ANTD.VN -Tại các sàn đấu giá quốc tế đã xuất hiện các bức tranh chép của các họa sĩ Đông Dương, có ghi nguồn chép rõ ràng và được mua với giá cả nghìn đô la. Không ít họa sĩ đã bày tỏ sự lo ngại khi chất lượng các bức tranh này khá thấp, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tên tuổi của các danh họa Việt Nam.

Tại sàn đấu giá Remy Le Fur (Pháp) vào ngày 12-6 và ngày 19-6 đã xuất hiện 2 bức tranh sao chép của họa sỹ Nguyễn Phan Chánh và Nguyễn Thị Nhung. Đầu tiên, bức tranh “Hầu đồng” được ghi là “vẽ theo Nguyen Phan Cham”, có thể đã viết không đúng tên của cố họa sỹ Đông Dương Nguyễn Phan Chánh, tác giả của bức tranh “Hầu đồng” nổi tiếng. Bức sao chép này đã được bán với giá 1.875 euro.

Bức thứ hai chép lại “Thiếu nữ” của nữ họa sỹ Đông Dương Nguyễn Thị Nhung cũng được bán với giá khởi điểm 600 - 800 euro, trong khi bức tranh thật vẫn được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Cũng tại Pháp, tại Tuần lễ Á châu diễn ra từ ngày 6 đến ngày 17-6, một số nhà đấu giá đưa ra những bức tranh của danh họa Việt như: Nguyễn Phan Chánh, Đinh Cường, Tạ Tỵ được vẽ một cách vụng về và ghi chú là tác phẩm vẽ theo của họa sỹ A, họa sỹ B...

Bức tranh "Hầu đồng" của Nguyễn Phan Chánh

Trước hiện tượng này, nhà nghiên cứu mĩ thuật Phạm Long bày tỏ sự quan ngại. Ông cho rằng, tranh chép của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam và mang lên sàn đấu giá quốc tế đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới tên tuổi của các danh họa. Những nét vẽ chưa đạt tới độ nhuần nhuyễn sẽ làm sai lệch tinh thần của tác phẩm gốc, làm giảm sút lòng tin và gây hoang mang cho giới sưu tầm. Và hệ lụy của các bức tranh nhái dù ghi rõ nguồn chép sẽ kéo tụt giá tranh của các họa sĩ Đông Dương.

Trong khi đó, họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho rằng, nếu tranh ghi rõ xuất xứ, đề hẳn là tranh chép thì đó là vấn đề rất khác. Ở nước ngoài, người ta vẫn chép tranh của các danh họa và bày bán ở các khu du lịch. Nhưng các bức tranh ấy có giá rẻ. Tuy nhiên, khi nghe thông tin chép tranh rồi đưa lên sàn đấu giá quốc tế thì họa sĩ Ngô Xuân Khôi cũng bày tỏ sự băn khoăn vì “nghe rất lạ”.

Họa sĩ Phạm Hà Hải cũng cho rằng, nếu tranh chép ghi rõ nguồn sẽ không sao. Và khi đưa đi đấu giá, hoạt động này chủ yếu vẫn là thương mại và do vậy, nó chịu quy định của Luật thương mại.

Bức tranh chép "Hầu đồng" của Nguyễn Phan Chánh được bán với giá 1.875 euro tại Pháp

Trước ý kiến trái chiều của các họa sỹ, luật sư Tám Trần (Luật sư bản quyền của công ty IPCom Việt Nam) cho biết: Việc tranh chép có được phép mang ra giao dịch hay không phụ thuộc vào việc bức tranh được chép đó có thuộc trường hợp được phép sao chép hay không. Một bức tranh thuộc trường hợp được phép sao chép là bức tranh vẫn còn thời gian bảo hộ quyền tài sản, việc sao chép được phép của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, và phải đảm bảo quyền nhân thân cho tác giả của bức tranh gốc.

Ngoài ra, vì quyền sở hữu trí tuệ mang tính lãnh thổ nên việc bức tranh được giao dịch ở quốc gia nào phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó, tuân thủ quy định của nơi bức tranh được mang ra giao dịch.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Long, nếu luật của đất nước sở tại cho phép việc chép tranh và đưa lên sàn đấu giá thì phải tuân thủ. Gia đình họa sỹ khó kêu nếu họ không phạm luật. Ở đây chỉ là vấn đề ý thức. Những người tham gia vào sân chơi nghệ thuật - hoạ sĩ/nhà môi giới/gallery hay sàn đấu giá ... phải biết cân bằng giữa giá trị nghệ thuật và tiền bạc, phải có sự tự trọng và cần cả sự tử tế trong ứng xử với các tiền bối. Các sàn đấu giá nhỏ lẻ thường hay bỏ qua uy tín, chấp nhận bán các món hàng đáng ngờ, miễn là có lợi.