Tranh cãi quanh bìa cuốn "Truyện Thúy Kiều": Dung tục hay không?

ANTĐ - Cuốn “Truyện Thúy Kiều” do Công ty sách Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành vừa mới ra mắt đã vấp phải những phản ứng từ độc giả và giới chuyên môn: Bìa tác phẩm dung tục hay không dung tục?


Tranh cãi quanh bìa cuốn "Truyện Thúy Kiều": Dung tục hay không? ảnh 1Bìa cuốn “Truyện Thúy Kiều” do Công ty Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành năm 2015

Tranh Thúy Kiều có xuất xứ từ năm 1942

 Cuốn “Truyện Thúy Kiều” mới là một ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du do Công ty sách Nhã Nam và NXB Thế giới thực hiện. Tuy nhiên, ngay khi vừa ra mắt công chúng, bìa cuốn sách này đã gặp phải những phản ứng trái chiều trong dư luận. Không ít độc giả bày tỏ thất vọng với bìa ấn bản mới, khi cho rằng để một bức tranh Kiều khỏa thân trên bìa một kiệt tác văn học là dung tục và khó chấp nhận. 

Liên quan đến những tranh cãi xung quanh bìa cuốn “Truyện Thúy Kiều”, chiều 11-11, Công ty Nhã Nam đã có những phản hồi. Trong đó, theo Nhã Nam, ấn bản mới là tái bản nguyên vẹn tác phẩm “Truyện Thúy Kiều” do hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, được Vĩnh Hưng Long thư quán in lần đầu năm 1925 và tái bản năm 1927. Bìa cuốn sách chính là bức tranh của họa sỹ Lê Văn Đệ, thủ khoa khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (năm 1930), nằm trong “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” xuất bản năm 1942.

Đây là bức tranh được họa sỹ minh họa cho câu thơ: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” mô tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm. Theo lý giải của đơn vị xuất bản, bức tranh được họa sỹ “chọn vẽ theo lối tượng trưng, ước lệ, theo phong cách tranh khắc, tựu trung là một bức vẽ khá giản cách, không hề có một chút tả chân nào và dĩ nhiên càng không nhuốm điều gì có thể coi là dung tục”.

Tranh cãi quanh bìa cuốn "Truyện Thúy Kiều": Dung tục hay không? ảnh 2

Bìa “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” được phát hành năm 1942 (trái) và bức tranh gốc do họa sỹ Lê Văn Đệ chấp bút (Ảnh: Vũ Hà Tuệ)

Chấp nhận hay không chấp nhận?

Trao đổi với phóng viên, nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ, người đang có trong tay ấn phẩm “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” do Hội Quảng Tri - Huế xuất bản năm 1942 cho biết, bức tranh của họa sỹ Lê Văn Đệ là một trong 11 bức tranh được in trong tập này, gồm nhiều họa sỹ Việt Nam hàng đầu lúc bấy giờ như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung… chấp bút, được xuất bản để lấy tiền sửa mộ, dựng bia kỷ niệm nhà văn Nguyễn Du tại làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Khi so sánh 2 bức tranh thì đơn vị xuất bản đã cắt bỏ phần trên của bức tranh gốc trước khi đưa lên trang bìa. Điều này đã ít nhiều làm giảm đi tính thẩm mỹ của tác phẩm.

Cũng theo thông tin do nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ cung cấp, trong tập văn họa này, ngoài bức tranh của họa sỹ Lê Văn Đệ cũng xuất hiện bức tranh của họa sỹ Tô Ngọc Vân với nhân vật chính là Tú Bà, xung quanh là những cô gái trong trạng thái ở trần. Theo đánh giá của nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ, việc sáng tác và sử dụng những bức tranh dạng tương tự để minh họa là không hiếm. Không chỉ có họa sỹ Việt Nam mà các họa sỹ phương Tây cũng nhiều lần mô phỏng trong các bản dịch Kiều tiếng Đức, tiếng Ba Lan… Nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ nói: “Bức tranh của họa sỹ Lê Văn Đệ cũng đã được đăng trên trang nhất của tờ Bình Minh, số đặc biệt kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, năm 1965”. 

Tranh cãi quanh bìa cuốn "Truyện Thúy Kiều": Dung tục hay không? ảnh 3

Bức tranh xuất hiện trên trang nhất tờ Bình Minh ra mắt năm 1965 (Ảnh: Vũ Hà Tuệ) 

Cùng quan điểm ủng hộ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định, bức tranh Thúy Kiều “không gợi nhục dục hay vi phạm thuần phong mỹ tục”. Ông cho rằng, “cái “trắng ngà” của “tòa thiên nhiên” mà Nguyễn Du viết đã được họa sỹ thể hiện bằng bút pháp hiện thực trong nền ước lệ. Bút pháp tả thân thể Kiều là theo tiêu chuẩn vẽ người được đào tạo trong trường nhưng nét đưa lưu loát, thoát sự trần tục. Bức họa này được giới mỹ thuật và người xem thừa nhận xưa nay. Còn ai thấy nó nhục dục, hay làm hại hình ảnh nàng Kiều thì đó là quyền của họ. Sự khác biệt của cảm nhận là điều thường thấy”. 

Trái ngược với suy nghĩ này, họa sỹ Lý Trực Sơn, người từng thực hiện loạt tranh “Tố nữ dân ca” và từng nhiều lần vẽ tranh nude nhận định: “Tôi cho rằng không nên đưa bức tranh nàng Kiều khỏa thân lên bìa sách. Các họa sỹ tài ba thời kỳ trước vẽ Kiều để minh họa cho câu thơ hay một đoạn truyện. Tuy nhiên, việc đưa lên bìa sách là truyện khác. Vì toàn bộ nội dung của truyện Kiều không phản ánh truyện phòng the hay những cái gì dung tục mà nói về số phận một con người, ở đây là nàng Kiều. Khoan tính đến chuyện đẹp - xấu, việc đưa một bức tranh khỏa thân vào trong một cuốn sách khiến độc giả có thể hiểu lầm”.