Trần Đăng Khoa và những chuyện mới toanh

ANTĐ - Mấy tháng trước, cả báo chí lẫn mạng xã hội đều rộ lên phong trào detox, thanh lọc cơ thể bằng cách nhịn ăn. Bàn ra tán vào công dụng - tác hại, đủ cả chẳng thiếu góc cạnh nào. Rồi đám đông bàn tán xôn xao ấy bỗng lặng đi khi Trần Đăng Khoa lên tiếng. Chính lão chứ chẳng ai khác quyết lấy thân mình làm “chuột bạch” và rồi “may sao” lại thành công rực rỡ. Cái cơ thể “chum vại” theo cách nói của lão sau hơn chục ngày nhịn ăn bỗng thanh thoát lạ thường, thiên hạ đồn rằng, sau đận thanh lọc này, lão đẹp trai hơn siêu mẫu Bình Minh.

Trần Đăng Khoa và những chuyện mới toanh ảnh 1Bài viết về giảm cân bằng detox trên blog của Trần Đăng Khoa

Nhịn ăn giảm béo

Thực hư chuyện thanh lọc cơ thể bằng cách uống nước mía trộn với nước ớt chuông xay và chanh của nhà thơ Trần Đăng Khoa thế nào, bạn đọc có thể tìm trên Google là rõ. Có cả nghìn đường dẫn đến bài viết của lão. Lão miêu tả tỉ mỉ và chi tiết nguồn cơn, kết quả, kèm thêm dòng kiểu “đọc kỹ hướng dẫn trước khi  sử dụng” và “chống chỉ định”. Chuyện lão giảm béo khiến tôi cực kỳ tò mò. Lại thêm nhà thơ Bùi Hoàng Tám kể rằng, lão chuyển sang nghề bắt mạch kê đơn bốc thuốc khiến người được nghe là tôi rợn cả tóc gáy. Chết dở, sao đang làm báo, làm thơ, viết văn ngon ơ, tiếng tăm nổi như cồn, tự dưng “động mả” thế nào lại đi bắt mạch, bốc thuốc… không khéo thành lang băm, chết người như bỡn. Gọi điện, hẹn hò cũng phải hơn nửa tháng mới gặp được lão. Chẳng phải lão kiêu căng gì hay ngại lên báo, mà là lão bận. Rất bận! Họp hành suốt ngày chẳng có lúc nào mà ngơi nghỉ.

Lão vẫn tất tưởi như ngày nào. Vẫn cái dáng xù xì như một con gấu. Duy chỉ có giọng lão là mê hoặc người nghe, rủ rỉ chuyện trò, thi thoảng cười bẽn lẽn. “Chuyện thanh lọc cơ thể của anh thế nào?”. Vừa mới hỏi mà như gãi đúng chỗ ngứa: “Ối tốt lắm thím ạ, thím cứ mua nước mía tươi trộn với ớt chuông, loại ớt ngọt Đà Lạt quả to rồi xay ra lọc nước uống mà xem, cái nước đó ngon lắm! Mà cơ thể thon gọn. Đặc biệt mỡ máu, bay biến”. “Thế sao nom anh vẫn béo?”. Lão cười: “Sụt chục cân rồi, nhưng khi ăn trở lại thì lại lên cân. Mà lên nhanh lắm. Lên 4kg rồi!” Lão thủ thỉ, trông cái mặt đến là hài hước. Có vẻ như giai thoại rằng lão vừa nhịn ăn thanh lọc, vừa lén uống thêm sữa Ensure để… đỡ đói là thật. “Vậy còn chuyện bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc thì sao?”. Lão cười, làm gì có, chỉ là đi nhiều, gặp nhiều, biết nhiều, dân gian có nhiều bài thuốc quý từ cây cỏ vườn nhà, lão chỉ làm có mỗi một việc sưu tầm để hầu chuyện bạn đọc. Thuốc Nam rất hay. Nhiều khi thuốc ở trong cây lá quanh mình. Do không biết, người ta có thể chết ngay trên đống thuốc quý. 

Đính chính… giai thoại

Có dạo lão đi gỡ rối tơ lòng cho độc giả trẻ trong mục “Hầu chuyện thượng đế” của tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, chuyên mục này ban đầu mở ra mục đích giúp học sinh hiểu rõ hơn tác giả, tác phẩm văn học trong và ngoài nhà trường, sau có thể là vì lão hài hước, dí dỏm, được độc giả yêu quá mà thành ra hỏi cả những chuyện ngoài văn học, kiểu như “Chú Khoa ơi, chú có ân hận về chuyện gì đấy không?”. “Chú Khoa ơi, chú tiêu tiền nhuận bút vào việc gì?”…

Nhưng rồi hỏi thế nào lão cũng trả lời một cách chân thành chứ không phải “hỏi xoáy đáp xoay”. Có người hỏi về giai thoại lão đi buôn. Buôn gì không buôn lại buôn khăn quàng đỏ. Lão Khoa cười lớn khẳng định bịa 100%, nếu có đi buôn kiếm tiền làm giàu thì phải kiếm hàng hiếm, hàng đắt, chứ ai lại tìm khăn quàng đỏ, là thứ không phải mặt hàng để kinh doanh. Rồi cũng có giai thoại rằng, lão mê nước mắm hơn mê phụ nữ đẹp. Đi đâu trong túi cũng có sẵn một chai nước mắm. Có lần đi công tác nước ngoài, khi về việc đầu tiên là vào bếp, tu hết nửa chai nước mắm xong rồi đầu óc mới tỉnh táo để gặp vợ con. Tất nhiên là bịa. Đúng là làm người nổi tiếng cũng chẳng sướng gì.

Quyến luyến với Trường Sa

Hôm tôi gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng là lúc cuốn sách mới tinh mang tên “Trường Sa” của lão vừa ở NXB về. Lão lục tục lấy sách rồi cẩn thận ghi “Quý tặng tiểu thư công nương Vân cách cách” rồi trao không quên kèm câu “Tặng thím”. Chả hiểu ra làm sao khi tiểu thư và thím trộn lẫn với nhau. Đấy là lão quen gọi thế, cứ đàn bà con gái không còn trẻ mà thân quen là lão gọi thím tuốt tuột. Mà thôi, lão gọi thế nào không quan trọng, cũng như lão, ai bịa tạc, dựng giai thoại về lão thế nào lão cũng chỉ cười cười, chả ra chiều đúng, cũng chả ra chiều sai. Khi nào bị đẩy vào tình thế buộc phải giải thích nghiêm túc, đó mới là lúc lão phủ nhận và biến mọi chuyện thành trò cười.

Lại nói về tập sách mới vừa ra lò “Trường Sa”, nóng hôi hổi, in giấy đẹp, sách hơn 250 trang cầm nhẹ bẫng. Một phần cuốn sách in lại tiểu thuyết mini Đảo Chìm - tiểu thuyết mà lão từng viết cách đây hơn chục năm, tái bản kỷ lục đến hơn 30 lần. Phần còn lại mới toanh, những chuyện lão ấp ủ từ lâu dần dà có thời gian mới viết lại được. Khoan hãy nói về những phần mới mẻ ấy, chỉ nói nguyên chuyện cũ, đọc lại những gì Trần Đăng Khoa viết về Trường Sa những năm 70 - 80 của thế kỷ trước mới thêm ngấm, thêm yêu, thêm rưng rưng về một phần máu thịt của Tổ quốc. Khi đó, lão là lính biển. Chuyện của lính cũng là chuyện của lão. Đó là chuyện về một “cô tiên” có cái tên rất trần thế Trần Thị Tương, con của Chính trị viên Đảo, một nàng tiên trong cõi tưởng tượng của đám lính trẻ. Thực chất, nàng tiên ấy mới chỉ biết đánh vần và đi ngủ thi thoảng vẫn đái dầm… Đó còn là sự cưng nựng của lính đảo đối với nàng An ta ra mê na - công dân của đảo chìm - một nàng lợn ỉ xinh đẹp. Bao chuyện hài hước về nàng được cánh lính đảo nâng niu, yêu quý, họ nhường cả phần nước ngọt của mình cho lợn. Cảm động hơn cả là tình đồng đội trên đảo, về sự hy sinh của Thiêm, của Hai… 

Chỉ bằng những chi tiết nhỏ lẻ, bé tí tẹo như một mũi chỉ thêu, nhưng Trần Đăng Khoa, lão thi sĩ luôn tự nhận mình quê mùa ấy đã dệt nên cả một bức tranh dặm dài hy sinh gian khổ của những người lính Việt Nam đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thật cảm động khi anh lính trẻ vừa hì hụi bẩy, vác những tảng san hồ chìm sâu dưới mấy mét nước lên đắp quanh chân đảo chìm cho cát khỏi bay, vừa trả lời câu hỏi của Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương “ Dạ, báo cáo bố, đấy là con mở mang bờ cõi… Mà đúng ra là con chỉ buông neo cho Tổ quốc khỏi bị trôi giạt thôi.” Câu nói tếu táo tưởng như đùa ấy lại chính là sứ mệnh của những người lính biển, giữ gìn để con thuyền đất nước vững chãi, bình yên, trường tồn...