Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu trên miền đất Tổ

ANTD.VN - 600 người dân địa phương sẽ tham gia màn rước Mẫu Âu Cơ, Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa trong hoạt động trình diễn văn hóa dân gian đường phố “Cội nguồn và khát vọng”. Đây là một hoạt động điểm nhấn của chương trình “Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ" diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17-11 tại khu du lịch đảo Ngọc Xanh, Thanh Thủy, Phú Thọ.

Là một sự kiện do tỉnh Phú Thọ tổ chức, chương trình “Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ” nhằm quảng bá các tiềm năng văn hóa độc đáo của tỉnh Phú Thọ nói chung, huyện Thanh Thủy nói riêng, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, từ đó quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch và sản phẩm làng nghề của địa phương. 

Chương trình gồm 4 hoạt động chính: Trưng bày Tín ngưỡng thờ Mẫu, hội làng Việt cổ, liên hoan "Âm sắc nguồn cội" và trình diễn văn hóa dân gian đường phố.

Lễ hội đền mẫu Âu Cơ – Phú Thọ

Theo đó, hoạt động trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu với nhiều hình ảnh và tư liệu sẽ giúp du khách hiểu về ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Ra đời và tồn tại trên vùng đất Tổ, tín ngưỡng này gắn liền và phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng, là một sáng tạo văn hóa độc đáo nhằm ghi nhớ, khẳng định và tôn vinh lịch sử nòi giống tiên rồng của dân tộc Việt Nam, mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

Bên cạnh đó, Hội làng Việt cổ sẽ tái hiện không gian sinh hoạt của người dân đồng bằng Bắc Bộ với các hoạt động diễn xướng dân gian (hát, múa, trò chơi), ẩm thực…  Thông qua các hoạt động này, Hội làng Việt cổ giới thiệu thế mạnh của tỉnh Phú Thọ, tạo cơ hội kết nối, liên kết hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh.

Tại Hội làng, hầu hết các nhóm mặt hàng đặc sản của tỉnh Phú Thọ sẽ được giới thiệu gồm: chè xanh, chè đen, nấm, thịt chua, thịt muối, bánh cổ truyền, gà chín cựa, cá sông, cam, bưởi, cây cảnh, mây tre đan…

Liên hoan “Âm sắc nguồn cội” sẽ trình bày các tiết mục có giá trị từ di sản hát Văn, hát Xoan, Xẩm, Ca trù từ Phú Thọ và các tỉnh lân cận.

Chương trình sẽ có những tiết mục trình diễn các loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận như Hát Xoan

Đặc biệt, hoạt động trình diễn văn hóa dân gian đường phố “Khát vọng và nguồn cội” sẽ có sự tham gia của 600 diễn viên và người dân địa phương. Đoàn diễu hành sẽ biểu diễn rước Mẫu Âu Cơ, Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Mẫu Đệ Tam), Mẫu Địa (Mẫu Đệ Tứ)… 

Là cố vấn của chương trình, ông Nguyễn Duy Hiền, nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, chuỗi hoạt động sẽ nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là mảnh đất Tổ Phú Thọ. Với hoạt động Hội làng Việt cổ, những hoạt động tái hiện được dựa trên hình ảnh sinh hoạt văn hóa ở trên hoa văn Trống Đồng. Điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của chương trình là sẽ khai thác và sử dụng tối đa lực lượng không chuyên tại địa phương, để giới thiệu và tôn vinh bản sắc của quê hương một cách sống động nhất.