"Tôi đã phần nào thực hiện được ý nguyện của mình"

(ANTĐ) - Ngày 15.5, tại Nhà hát Lớn HN sẽ diễn ra chương trình Hoà nhạc mang tên "Bài ca Tháng Năm" với sự góp mặt lần đầu tiên của thể loại độc tấu (concerto) nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam với dàn nhạc giao hưởng Châu Âu. Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với NSUT- Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa, Chủ nhiệm Khoa Lý-Sáng-Chỉ Nhạc viện HN.

Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa

"Tôi đã phần nào thực hiện được ý nguyện của mình"

(ANTĐ) - Ngày 15.5, tại Nhà hát Lớn HN sẽ diễn ra chương trình Hoà nhạc mang tên "Bài ca Tháng Năm" với sự góp mặt lần đầu tiên của thể loại độc tấu (concerto) nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam với dàn nhạc giao hưởng Châu Âu. Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với NSUT- Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa, Chủ nhiệm Khoa Lý-Sáng-Chỉ Nhạc viện HN.

- Với thời lượng hơn 2 tiếng đồng hồ, chương trình sẽ  biểu diễn những tác phẩm nào, thưa ông?

- Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa: Chương trình gồm có tác phẩm của nhạc sĩ Trần Kiết Tường “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, một số tác phẩm của nhạc sĩ Trọng Bằng và hai tác phẩm của tôi viết cho đàn nhị và sáo trúc độc tấu (concerto) cùng dàn nhạc giao hưởng.

- Ông có thể nói rõ hơn về các tác phẩm?

Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa.
Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa.

- Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa: Nhạc sĩ Trọng Bằng giới thiệu các tác phẩm khí nhạc, hợp xướng của ông, còn tôi giới thiệu hai bản concerto (độc tấu) viết cho đàn nhị và sáo trúc cùng dàn nhạc giao hưởng do Hội nhạc sĩ Việt Nam đầu tư. ý tưởng của tôi là muốn viết một số tác phẩm kinh điển, chuyên nghiệp nhằm tôn vinh những giá trị âm nhạc dân tộc Việt Nam và những nhạc cụ truyền thống độc đáo của Việt Nam hoà tấu cùng với dàn nhạc giao hưởng châu Âu. Trong hai tác phẩm này tôi có sử dụng chất liệu của một số bài dân ca đặc sắc của Việt Nam như “Tứ quý”, “Lý ngựa ô”, “Bà Rí”, trình bày và thể hiện trong hình thức của các tác phẩm nhạc cổ điển, cụ thể là hình thức Sonat.

- Rõ ràng, với sự kết hợp của nhạc cụ dân tộc Việt Nam với Dàn nhạc giao hưởng Châu Âu là một sự mới lạ và độc đáo. Vậy, hiệu quả của ăng xăm (hòa tấu) như thế nào?

- Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa: Tôi cho rằng, sự độc đáo và mới lạ được thể hiện trong sự kết hợp âm sắc của nhị và sáo Việt Nam với các nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng châu Âu, tạo nên một hiệu quả âm thanh mới trong ăng xăm dàn nhạc và tăng thêm sức hấp dẫn đối với thính giả. Có những đoạn tôi muốn tập trung sự chú ý của người nghe vào song tấu của âm sắc nhị và violin, khả năng thể hiện kỹ thuật trình tấu của hai nhạc cụ này. Trong bản Concerto cho Sáo Trúc có những đoạn đối thoại giữa Flute (sáo tây) và sáo Trúc Việt Nam, những đoạn đua tài thể hiện kỹ thuật giữa hai nhạc cụ này.

- Với nỗ lực đưa nhạc cụ dân tộc vào dàn nhạc giao hưởng, qua chương trình này, ông cho rằng mình đã thành công?

- Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa: Đánh giá là ý kiến của công chúng và các nhà chuyên môn. Riêng tôi, với mong muốn viết nên một tác phẩm với ý tưởng “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”, đã vận dụng tất cả những gì tích luỹ được trong thời gian dài học tập ở Nhạc viện Tchaikovsky thành phố Matxcơva (Liên Xô trước đây) và hoạt động âm nhạc ở nước nhà, thông qua kết quả của những buổi tập với dàn nhạc trong chương trình này, tôi cảm thấy đã phần nào thực hiện được ý đồ của mình.

- Cơ duyên nào khiến ông chọn nghề chỉ huy dàn nhạc giao hưởng?

- Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa:  Quả là số phận tình cờ đấy (cười). Năm 1962 tôi được tuyển vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội), sau đó năm 1970 được chọn đi Liên Xô học tập tại Nhạc viện Tchaikovsky và tốt nghiệp chuyên ngành chỉ huy giao hưởng và opera (nhạc kịch). Năm nay, tôi được nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, như vậy trong gia đình tôi cùng với bố tôi (cụ đã mất năm 1992), có tất cả 4 người được nhận danh hiệu này.

Thủy Linh  (Thực hiện)