Tôi thích bình yên
(ANTĐ) - Âm thầm, cần mẫn ghi chép, khái quát nên nhiều vấn đề lý luận sâu sắc đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam, người phụ nữ nền nã, thích giấu mình, tránh tiếp xúc với báo chí, hôm nay khá cởi mở. Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Trưởng phòng Nghệ thuật Cục Điện ảnh, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Điện ảnh đối thoại với ANTĐ Cuối tuần.
- Trong giới nghệ thuật, phần nhiều các nghệ sỹ, diễn viên đều chông chênh, đổ vỡ trong cuộc sống riêng tư. Với chị, thì khác. Sinh ra trong một gia đình danh tiếng, cha mẹ là NSND Ngô Mạnh Lân, NSƯT Ngọc Lan, bản thân chị là Tiến sỹ nghệ thuật, chồng là nhà báo có uy tín… Nhiều người cho rằng gia đình chị là điển hình của sự thủy chung, bền vững. Cảm nhận của chị?
- Tôi không phải người ưa bề nổi, hay ra trước công chúng. Trong cuộc sống lẫn sự nghiệp, tôi thích và chọn cho mình cách đứng phía sau, làm công việc hậu trường. Tôi luôn mong sự yên ổn, có thể nói hơi cầu an. Có lẽ vì chấp nhận cách sống thế nên tôi cũng được nhiều… may mắn, có một mái ấm, không phải vất vả, lo lắng về cơm áo. Nhiều người cũng nói tôi giống bố, sống chân thật, không bon chen và thích tìm riêng cho mình một khoảng tĩnh lặng, trong lành… Bố mẹ tôi không bao giờ ép buộc hay áp đặt con cái trong học tập cũng như định hướng nghề nghiệp, để đến bây giờ thế hệ chúng tôi dạy con, cũng muốn con cái tự phát triển, chỉ hỗ trợ, khuyến khích niềm say mê của chúng mà thôi.
Từ bé tôi đã được rèn luyện tự lập, sống nền nếp theo phong cách gia đình á đông truyền thống. Thú thực, tôi yêu phim ảnh vì được sống trong không khí điện ảnh từ nhỏ, nhưng không phải tôi thích làm phê bình điện ảnh đâu. Mãi khi sang Nga học, cọ xát với cuộc sống, sự tiếp cận nền văn hóa khác, tôi mới thấy yêu thích cái nghề đã chọn. Nó cũng hợp tôi, cần một sự bình yên, để lắng, để hiểu sâu hơn về nghệ thuật, kiên nhẫn làm nhiệm vụ bắc cầu nối tác phẩm nghệ thuật và những người làm điện ảnh với công chúng.
- Chị hiểu về điện ảnh nước nhà. Chị cũng được mệnh danh là người xem nhiều phim nhất Việt Nam, người dự rất nhiều LHP và diễn đàn điện ảnh quốc tế... Nhìn ra thế giới, nhìn ra khu vực, chị có thấy tủi, thấy tẻ nhạt khi bản thân mình vẫn đi chậm rãi, đôi lúc cảm thấy chị không muốn bứt phá, cứ cặm cụi đọc, xem kịch bản, duyệt phim…
- Tôi tự thấy mình không có khả năng làm công việc sáng tác, để có thể làm biên kịch, hay đạo diễn. Nên ngay từ khi sang VGIK (trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô), tôi đã chọn khoa Điện ảnh học. Có thể đó cũng là thói quen, có thể là sự bảo thủ. Bởi khi đã lựa chọn rồi thì tôi quyết đi theo và không thấy hối tiếc. Công việc suốt 20 năm qua, cũng ổn. Đôi lúc tôi cũng cảm thấy, nếu không làm nghề này thì chẳng biết làm nghề gì khác…
Thêm nữa, công việc ở Cục Điện ảnh khiến tôi cảm thấy yên tâm, mọi thứ đều… hài hòa. Từ hồi sinh viên tôi đã thế, không thích thái quá. Bản thân việc nghiên cứu cũng giúp tôi nhận ra một điều, các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng ở châu á, Việt Nam, cuối cùng cũng tìm tới sự hài hòa trong mọi mối quan hệ xã hội, tình cảm con người… Không phải ở sự phá phách. Tôi nhớ có người bạn bảo rằng, không thể hình dung công việc của tôi nhiều, vất vả và đơn điệu đến thế, trong khi thu nhập lại không cao. Nhưng tôi đã “trót” gắn bó với nghề, và thấy mình cũng làm được gì đó có ích cho công việc chung. Vì thế mươi năm trước, đôi lúc phải ngồi với hàng cha chú làm giám khảo để bình, và phê điện ảnh, có nhiều ánh mắt không hài lòng, cũng ngại. Song đành, vì đó là công việc mình đã chọn lựa, mình đã yêu thích, kệ.
Làm điện ảnh ở Việt Nam, vẫn còn nhiều gian nan, vất vả |
- Chị kể một chút về gia đình chị đi, về anh Tuấn chồng chị, về tình yêu của chị?
- Nhiều báo viết rồi, kể lại, cũng thấy thế nào... Năm cuối cấp III, tôi là 1 trong 7 người tham dự đội tuyển của Hà Nội dự thi học sinh giỏi văn toàn quốc, nên khi tốt nghiệp, tôi được xét tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm, khoa Văn. Một, hai bạn trong đội tuyển cũng đi theo đường này, song tôi lại chọn thi Tổng hợp Văn. Tôi gặp anh Tuấn ở đó (anh Đinh Trọng Tuấn, hiện là TBT một tạp chí chuyên ngành điện ảnh). Sau khi học xong năm thứ nhất, các sinh viên xuất sắc được chọn sang Liên Xô học, và tôi chọn điện ảnh. Suốt 6 năm, tôi chỉ học, và học... Rồi khi về nước làm việc, được sống trong một môi trường mình yêu thích, tôi và anh Tuấn cũng khá hiểu nhau nên chúng tôi dễ tìm ra tiếng nói chung, chưa bao giờ có cuộc tranh luận… nảy lửa về nghề. Cũng có thể thế, cuộc sống của tôi hơi… một chiều. Tôi ngại sự va chạm, xáo trộn, không bao giờ muốn đưa cuộc đời mình vào một sự “khám phá mạo hiểm”.
- Sang chuyện nghề của chị. Có người, như anh Đoàn Minh Tuấn nói, phim Việt Nam đầu không thấy gì và càng về sau lại không có gì để thấy… Anh Tô Hoàng thì, phim Việt Nam không có nhân vật, không có các vai diễn để đời, trong khi các giải thưởng luôn được chia đều… Tóm lại điện ảnh Việt Nam hôm nay chưa có gì nhiều để phê, và bình. Chị nghĩ thế nào?
- Tất nhiên có không ít những bộ phim Việt Nam đạt “tiêu chuẩn” như các anh ấy nhận xét. Nhưng nếu nói tất cả các phim đều thế thì không chính xác. Nhiều phim Việt Nam ra đời cách đây 10 năm, 20 năm, thậm chí là gần nửa thế kỷ vẫn còn làm người ta nhớ, đến nay xem lại vẫn “thấy” trong đó nhiều điều. Mới đây “Bao giờ cho đến tháng Mười” được CNN xếp vào Top các tác phẩm điện ảnh châu á hay nhất, chứng tỏ trong đó có nhân vật đáng nhớ, câu chuyện ấn tượng. Một số phim gần đây như “Mùa len trâu”, Thời xa vắng”, “Sống trong sợ hãi”, hay phim sắp ra mắt “Trăng nơi đáy giếng”, hay đấy chứ.
Tuy nhiên, trong điện ảnh, không phải lúc nào một phim được cho là hay, ra rạp sẽ được khán giả đón nhận… Còn với tôi, từ kịch bản giàu chất văn học, qua bàn tay tài năng của đạo diễn để tạo nên một tác phẩm điện ảnh hấp dẫn và đạt hiệu quả mong muốn, vẫn còn một khoảng cách khá xa. ở Việt Nam, nhiều khi làm phim còn có sự dễ dãi, một số đạo diễn bị rơi vào tình trạng thiếu nền văn học, khả năng tư duy bằng hình ảnh yếu, đôi khi thiếu cả tài năng, vốn sống... nên chưa tạo ra tác phẩm để đời. Vẫn còn bài ca muôn thuở, nếu phim dở thì bảo bị ép, bị kiểm duyệt, thiếu tiền, còn khi phim được hồ hởi đón nhận, thì vơ vào… Nhiều nhà quản lý chưa biết làm thế nào để khán giả và tác phẩm nghệ thuật xích lại gần nhau, khán giả cũng chưa có sự phân loại… Rồi đôi khi báo chí cũng hay cắt khúc, chỉ nhìn hiện tượng, cứ thích… “mổ xẻ”. Đây cũng là phần lỗi của những người làm phê bình như chúng tôi, không nhiều điều kiện, cơ hội, đôi khi không dũng cảm để nói ra tất cả sự thật, để phân tích sự việc cho đúng bản chất. Bên cạnh đó, ngay thế giới, những phim nghệ thuật, triết lý cũng rất khó chiếu vì không dành cho số đông. Nên khi dòng phim thương mại giải trí còn khá mới, chưa rõ nét khi tiếp cận thị trường, ắt sẽ có nhiều điều khiến một bộ phận khán giả không thỏa mãn...
- Về tác phẩm lý luận “Tính dân tộc và hiện đại trong điện ảnh Việt Nam”, một công trình nghiên cứu sâu, đầy đặn, có thể nói đã có nhiều ảnh hưởng trong giới điện ảnh châu lục. ở Việt Nam, công trình của chị đoạt Cánh diều Vàng 2006, nhưng hiếm khi thấy chị đề cập đến tác phẩm. Tôi nhớ trước đó, chị cũng có “Đồng hành cùng điện ảnh” rất hữu ích với sinh viên. Ghi nhận của chị về phê bình điện ảnh Việt Nam hiện nay?
- Ngành điện ảnh khác với các ngành văn học - nghệ thuật khác, nó đòi hỏi một sự nhập cuộc, phải thực sự làm việc với trái tim nhiệt thành, gắn bó, có thẩm mỹ tinh tế và phải sống trong bầu không khí điện ảnh thì mới cảm nhận, và có cách nhìn khái quát, từ đó có thể đánh giá chính xác, khách quan.
Tôi may mắn được làm việc ở nơi được xem là trung tâm của các sự kiện điện ảnh, và cũng có cơ hội tiếp xúc nhiều nền điện ảnh khác, nên thấy, muốn làm phê bình, mình buộc phải tự hoàn thiện, không ngừng trau dồi kiến thức xã hội, kiến thức nghề nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, một thực tế đáng buồn là bản thân nghề phê bình điện ảnh thuần túy không đủ nuôi sống nhà phê bình. Và cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa có môi trường cho ngành phê bình điện ảnh. Bản thân tôi học ngành này, được coi là nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp nhưng nói cho đúng nghĩa thì tôi hành nghề phê bình điện ảnh như một nghề “tay trái”.
Trong khi đó, điện ảnh Việt Nam còn nhiều tréo ngoe. Đơn vị có thể tổ chức các hoạt động nghiên cứu thì lại ít những cuộc hội thảo, công trình nghiên cứu; sinh viên trường SKĐA đào tạo thì chưa bài bản, chưa nhiều thực tế… Tất nhiên do không có môi trường nên chưa có mấy người làm nghiên cứu lý luận chuyên nghiệp, lại càng khó có những tên tuổi. Bản thân các bạn trẻ hôm nay cũng có nhiều sự lựa chọn, nhiều thứ thú vị hơn nên ít người quan tâm, hào hứng đối với công việc lý luận, phê bình điện ảnh… Nhưng tôi nghĩ, âu cũng là đam mê, đã theo nghề thì phải vậy, và tôi sẽ không từ bỏ viết. Thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu tiếp về điện ảnh trong 20 năm từ đổi mới đến nay, cũng là khoảng thời gian tôi được tiếp xúc, cọ xát với điện ảnh và thậm chí là “nhân chứng” trước những chìm nổi của điện ảnh Việt Nam.
- Chị mong ước gì nếu một ngày chị nhận ra, mình thoát khỏi cái “vỏ” bình yên của mình?
- Tôi là người sống quy củ, nên nếu có thoát khỏi cái “vỏ” bình yên cũng là mong thoát trong hoàn cảnh “nước nổi bèo nổi”. Có nghĩa là mong mỏi có những làn sóng, đợt sóng mạnh và đẹp đưa điện ảnh Việt Nam đi lên, giống như những làn sóng trong điện ảnh Hàn Quốc khoảng 15 năm qua vậy! Muốn thế, từ các nhà quản lý, đến các nhà sáng tác, các nhà kinh doanh điện ảnh và cả khán giả nữa đều phải có sự cố gắng, mỗi người giữ đúng cương vị của mình và làm việc gì đó cho điện ảnh cũng với tinh thần chia sẻ và đồng lòng. Tôi nghĩ mọi thứ đều bắt đầu từ con người, từ kiếm tìm sự hài hòa, để tạo nên cuộc sống bình yên, đầy ắp tình yêu và hy vọng.
- Cảm ơn chị về cuộc trao đổi cởi mở này!
Đông Hải (Thực hiện)