Tôi sẽ cố sống khôn hơn!

(ANTĐ) - Đến giờ, không ngoa và cũng chẳng ai có thể phủ nhận ngày cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh, được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại là nhờ những đóng góp không hề nhỏ của anh. Anh có một niềm đam mê kỳ lạ đến mất ăn, mất ngủ và... mất cả vợ vì “cái nợ” với cồng chiêng, với núi rừng trong sâu thẳm con tim mình. Bùi Trọng Hiền đã làm được việc tưởng như không thể: đo thang âm và ghi tổng phổ các bài cồng chiêng. Nhắc lại anh chỉ cười, đôi mắt hiền lành trên khuôn mặt chai sạn - “Báo giới nói nhiều rồi, nhắc lại làm gì nữa, anh với chú mạn đàm chuyện đời đi?” - “Ừ thì chuyện đời, kể chuyện đời của anh thôi đấy!”...   

Tôi sẽ cố sống khôn hơn!

(ANTĐ) - Đến giờ, không ngoa và cũng chẳng ai có thể phủ nhận ngày cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh, được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại là nhờ những đóng góp không hề nhỏ của anh. Anh có một niềm đam mê kỳ lạ đến mất ăn, mất ngủ và... mất cả vợ vì “cái nợ” với cồng chiêng, với núi rừng trong sâu thẳm con tim mình. Bùi Trọng Hiền đã làm được việc tưởng như không thể: đo thang âm và ghi tổng phổ các bài cồng chiêng. Nhắc lại anh chỉ cười, đôi mắt hiền lành trên khuôn mặt chai sạn - “Báo giới nói nhiều rồi, nhắc lại làm gì nữa, anh với chú mạn đàm chuyện đời đi?” - “Ừ thì chuyện đời, kể chuyện đời của anh thôi đấy!”...   

- Dạo này có gì “mới” không anh?

- Nửa năm qua tôi lo phục dựng sinh hoạt Hát Cửa đình - hình thức được coi là cổ điển nhất của giáo phường Ca trù. Hát Cửa đình trình diễn nghệ thuật tổng hợp đủ các yếu tố ca - múa - nhạc, và cần phải có một dàn bát âm tấu nhạc lễ. Mượn được đình làng Cống Vị làm nơi sinh hoạt định kỳ, tôi đã giúp các đào nương trẻ của CLB Ca trù Thăng Long học nhạc bát âm với đầy đủ lệ bộ dàn nhạc cổ truyền. Đây là một dàn nhạc được xây dựng hoàn toàn theo phương pháp truyền dạy của các cụ. Bên cạnh đó, tôi cũng giúp Quan họ Đặng Xá thử nghiệm mô hình canh hát Quan họ cổ để lấy nguồn du lịch nuôi Quan họ...

- Đôi lời tự bạch giới thiệu bản thân với bạn đọc?

- Tôi là một nhà nghiên cứu ngành Âm nhạc dân tộc học, may mắn được rất nhiều nghệ nhân bậc thầy thương yêu và trao truyền cả một kho tàng tinh hoa cổ nhạc Việt Nam. Nhiều cụ hiện đã về với thiên thu. Tôi mang “nợ” các nghệ nhân và dành cả đời mình để nghiên cứu, bảo vệ các di sản đó. ít ai biết được, tôi khám phá cổ nhạc trước nhất chỉ để thỏa mãn nhu cầu ham muốn cá nhân chứ không phải sự nghiệp gì ghê gớm. Triết lý sống của tôi đơn giản lắm, chả ham hố gì nhiều.

- Anh sinh năm 1966?

- Đúng thế! Tôi cầm tuổi Bính Ngọ, tháng Thìn, giờ Dần. Giờ đấy ngựa thường chuẩn bị lên đường sau cả đêm ngủ đứng, số phận cũng na ná như thế. (Cười)

- Cái tuổi ít nhiều ảnh hưởng đến cái máu lăn lộn điền dã trong anh?

- Máu phiêu lưu giang hồ với cổ nhạc có lẽ là trời sinh ra thế! Thực ra, khi nghe tôi kể chuyện đi điền dã, làm việc gì và làm như thế nào thì hầu như ai cũng muốn lên đường đi cùng, hay lắm!

- Niềm đam mê cồng chiêng Tây Nguyên đến với anh là một mối nhân duyên hay định mệnh sắp đặt?

- Trước đây, tôi không có ý định mở rộng hướng nghiên cứu sang các dân tộc thiểu số, bởi các đề tài nghiên cứu âm nhạc người Kinh làm cả đời cũng không xuể. Nhưng rồi mùa hạ năm 2004, việc xây dựng hồ sơ cồng chiêng Tây Nguyên đệ trình UNESCO được cơ quan giao phó như một nhiệm vụ bắt buộc, thế là phải đi thôi, dù không thật thoải mái vì mẹ tôi lúc đó đang ốm, vợ thì ở cữ tháng cuối cùng. Nhưng rồi bản năng nghề nghiệp đã cuốn tôi vào rừng âm thiêng cồng chiêng, như bị bỏ bùa mê vậy. Hẳn đó là định mệnh sắp đặt!

- Kể về những tháng ngày quăng mình theo âm thiêng của anh đi?

- Cồng chiêng là nhạc cụ đa âm có cường độ lớn, thậm chí cực lớn. Mỗi dàn cồng chiêng là một núi âm thanh có quan hệ rất phức tạp trong một quy luật chung nhất của bồi âm tự nhiên.

Sau một tháng đi điền dã, trở về Hà Nội, tôi phải bóc tách khoảng hơn 10 giờ băng âm thanh để phân tích, so sánh đối chiếu và giải mã các quy luật nội tại nhằm chứng minh bằng các thông số khoa học từ toàn bộ đến từng phần, rằng nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên phong phú, đa dạng và độc đáo như thế nào.

Mỗi ngày làm việc liên tục khoảng 10-12 tiếng. Đêm về là thời gian tập trung cao nhất, tôi lại tiếp tục ôm máy đo. Khi gỡ băng ký âm các bản tổng phổ cồng chiêng, buộc phải nghe head phone quá nhiều dẫn đến hậu quả tai hại về sức khỏe, đến giờ vẫn chưa hoàn toàn bình phục.

- Anh có nói quá lên về sự xuống cấp sức khỏe?

- Tôi đã từng giam mình trong phòng kín. 5 tháng ròng không thứ bảy, chủ nhật chỉ để mở máy, nghe, ghi chép, lúc nào cũng nghe, đêm, ngày, bất kể lúc nào có thể được, tổng cộng gần 100 cái cồng, chiêng. Ngày đó tôi hầu như chỉ toàn ăn cơm với mù tạt, mạch máu nổi rần rật như hai cái đũa bên thái dương. Từ 70kg “ngót” mất 9kg sau “cuộc đánh vật” đó! Đen đúa và hốc hác. Tôi bị thông tai, loét dạ dày, đi ngoài ra máu... Cồng chiêng đã ăn thịt tôi!

- Cảm xúc của anh khi nghe tin thắng lợi của cồng chiêng được loan báo?

- Tôi đã bật khóc. Sau gọi điện báo tin cho các thầy Trần Văn Khê, Tô Ngọc Thanh cùng đồng nghiệp, bạn bè, tôi vẫn không cầm lòng được. Không phải vì mừng rỡ hạnh phúc, thực sự đó là một sự vỡ òa của cả một năm dồn nén. Sự thành công của công trình này gắn với quá nhiều tủi cực, cay đắng và mất mát.

- Thế còn giọt nước mắt trả giá được anh nuốt vào lòng?

- Tháng cuối vợ sắp sinh thì tôi đi Tây Nguyên tròn 1 tháng ròng. Vừa từ Tây Nguyên về hôm trước thì hôm sau con trai đầu lòng chào đời. Vài tháng sau đó, với những gì dành cho cồng chiêng, tôi buộc phải chấp nhận như một người cha không tròn vai. ở thời điểm đó thì không thể làm khác được, và gia đình nhỏ tan vỡ. Cay đắng! Không thể trách cô ấy được; mình là phụ nữ, chồng “hâm” theo kiểu “mẹ ốm, vợ “vượt cạn” một mình, chồng đi theo cồng chiêng” như vậy chắc mình cũng sẽ làm như cô ấy...

- Anh có oán số phận, hay tự trách mình?

- Số phận đưa đẩy có thế nào, miễn sao chúng ta luôn đứng dậy bước tiếp, đừng gục ngã là được. Còn đã quan niệm là số phận thì oán trách làm chi, có chăng chỉ nên sống thận trọng hơn và đừng bao giờ hy sinh tuyệt đối cho công việc như một con thiêu thân. Không tự trách mình nhưng từ nay, tôi sẽ cố sống khôn hơn!

- Kiến thức cả bồ, công trình công bố cũng kha khá; trước đã phải lĩnh “cái án” kỷ luật lửng lơ với cái lý “không chịu làm”... Tiến sỹ, giờ thì sao?

- Mài đũng quần mấy năm làm Tiến sỹ nhỡ mấy nghệ nhân kia toi cả thì lấy gì nghiên cứu? Vả lại mục đích làm khoa học của tôi hơi khác, để thỏa “dục vọng” của tôi, để tìm hiểu ngọn ngành, để biết, để chơi vậy thôi. Tôi làm khoa học không vì bằng cấp. Tôi làm việc để tận hưởng hạnh phúc. Công trình làm đôi khi chán hay không có ai công nhận thì... tôi đốt tôi sưởi ấm, vậy thôi!

- Tôi vẫn nhớ và theo dõi trên báo chí về nỗi đau của anh bị những kẻ đố kỵ “bóp” nghẹt, theo thời gian, nỗi đau đã được xoa dịu?

- Hồi đó tưởng là đau, nhưng giờ nhìn lại thấy khác nhiều lắm. Bởi kẻ đố kỵ đâu có nhân cách để làm ta đau. (Cười)

- Cuộc sống của anh giờ bình yên chứ?

- Chẳng thể nào bình yên được, trong tình cảnh mấy năm qua, tôi phải xoay đủ việc để tồn tại. Tôi ở với mẹ già năm nay 86 tuổi, cũng may được các chị ruột đỡ đần. Hạnh phúc lớn nhất là tình yêu - cuộc hôn nhân mới ở phía trước, như một cơ may mà số phận thử thách. Tôi tiếp tục yêu và phải sống để đi tiếp.

- Quan điểm của anh về công tác bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống?

- Rất ngắn gọn, không được đánh mất di sản của tổ tiên mình dày công gây dựng hàng nghìn năm. Chúng ta quá quen với việc hô hào rất to song làm chẳng được bao nhiêu. Nhưng so với cách đây 10 năm thì mọi chuyện có sáng lạn hơn. Vai trò quảng bá của truyền thông, đặc biệt là báo chí luôn bảo trợ hữu dụng cho cổ nhạc.

- Theo anh, việc giảng dạy âm nhạc truyền thống tại các trường nhạc hiện nay đã hợp lý chưa?

- Còn nhiều bất cập lắm! Đó là hệ quả của phân nửa thế kỷ đào tạo theo mô hình Tây phương hóa âm nhạc dân tộc. Giờ quay lại với phương pháp truyền thống thì cần có thời gian và nhân lực. Hiện tượng vừa thừa vừa thiếu trong giáo dục đào tạo ở trường nhạc đã được nhận thức rõ.

- Hồ sơ Ca trù chính thức được đệ trình lên UNESCO, vậy thực tế Ca trù Việt Nam đang “sống” ra sao?

- Có thể khẳng định ngay là tự phát và lay lắt. Nếu không có sự bảo trợ chính thức của Nhà nước hay các chủ doanh nghiệp có tâm có lực, chắc chắn phong trào sẽ suy thoái khi các đào, kép không thể kiếm sống bằng nghề.

- “Đỡ đầu” cho CLB Ca trù Thăng Long, anh nhìn thấy một hướng đi mới trong đó?

- Dưới sự dạy dỗ của 2 nghệ nhân lão thành Nguyễn Phú Đẹ và Nguyễn Thị Chúc, chị Phạm Thị Huệ đã nhanh chóng xây dựng được một lực lượng đào, kép kế cận khá vững vàng. Sau 60 năm vắng bóng, sự phục hưng từng bước như vậy là rất đáng khích lệ. Không có lớp trẻ nối nghề thì không thể hy vọng ở ngày mai.

- Vậy chúng ta cần làm gì để duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này?

- Nên làm trên nguyên tắc đơn giản, hãy trao quyền và tiền cho các nhà chuyên môn.

- Ngắn gọn một câu về bản thân, anh sẽ nói...

- “Ta khát khao tiếng hú gọi bầy!”

... Lúc nào cũng vậy, anh luôn xướng tên tôi thật to ngay khi điện thoại được kết nối; dẫu rất bận nhưng anh chẳng chối từ khi tôi thèm một ly café với anh bao giờ. Gặp để trò chuyện về cuộc đời, về âm nhạc và về những điều mới mẻ trong anh. “Sao không khoe về bộ phim tài liệu “Người giải mã cồng chiêng” đoạt giải Cánh diều Bạc Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2008” - Anh chỉ cười - Ngông là vậy nhưng kể lại chuyện đời, chuyện xưa tự dưng trong hố mắt có nước. Anh nén lại, rít sâu điếu thuốc và uống vội ngụm café như thêm một lần nuốt đắng vào lòng – “Tự nhiên em thèm nghe cồng chiêng quá!” - Anh và tôi về cái nơi anh gọi là “đại ngàn” và bật máy vi tính. Những âm thiêng của đại ngàn cổ xưa vang xa, tràn ngập.

Đâu đây, sự chuyển rung của giông bão, những thành ý nguyện cầu, từng lời thề thốt, những huyền tích trầm sâu trong hơi thở của màn đêm rừng già, tiếng than khóc trong lễ bỏ mả, tiếng ì ầm xa xa của thác cao và đá núi, tiếng hò reo, tiếng rú trong lễ đâm trâu, niềm hân hoan mừng mùa cơm mới, rượu cần nghiêng ngả... Âm thanh chảy lãng đãng, rồi thang âm dồn dập, cả giọng nói của anh quyện hòa trong một không gian hùng vĩ, cao vời vợi của trời xanh, sâu hút của vực thác, rộng rãi của đất đai và xa xôi, dài lâu của nghìn năm cao nguyên đang ùa đến không ngừng trong không gian của gian phòng bé nhỏ...

Tôi muốn chia sẽ cùng bạn đọc qua trang viết này về một chặng đường đời đã qua của một con người rất đặc biệt. Tôi viết về anh bằng một sự trân trọng thật lòng. Trọng từ sự đam mê, trọng từ nhân cách khoa học và một tinh thần làm việc hết mình của một con người có cái tên Bùi Trọng Hiền. 

Quân.Trần

(Thực hiện)