“Tôi như que diêm”

(ANTĐ) - Trước khi gặp Nguyễn Bảo Toàn, tôi cũng nghe phong thanh về sự “chảnh” của ông. Nếu thích thì nói tuôn trào như dòng thác lũ, nhưng đã không thích thì trả lời cứ cụt lủn khiến cho người được hỏi chưng hửng chán phải bỏ về. Và thế rồi, tôi cũng được gặp ông trong triển lãm đánh dấu chặng đường 30 năm làm nghệ thuật “Chuyển động” vừa kết thúc ngày hôm qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sỹ Nguyễn  Bảo Toàn:

“Tôi như que diêm”

(ANTĐ) - Trước khi gặp Nguyễn Bảo Toàn, tôi cũng nghe phong thanh về sự “chảnh” của ông. Nếu thích thì nói tuôn trào như dòng thác lũ, nhưng đã không thích thì trả lời cứ cụt lủn khiến cho người được hỏi chưng hửng chán phải bỏ về. Và thế rồi, tôi cũng được gặp ông trong triển lãm đánh dấu chặng đường 30 năm làm nghệ thuật “Chuyển động” vừa kết thúc ngày hôm qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Mọi thứ xô lệch theo chiều chuyển động của người họa sỹ
Mọi thứ xô lệch theo chiều chuyển động của người họa sỹ

Tay đua tốc độ… 60 tuổi

Vừa tròn 60 tuổi, nhưng nhìn ông, không ai có thể đoán được tuổi thật. Ngày khai mạc triển lãm, ông vận bộ quần áo màu ghi chẳng giống ai, tay và cổ đeo trĩu những nanh hổ, vòng bạc, miệng cười khà khà. Cả chặng đường làm nghệ thuật, Nguyễn Bảo Toàn đã có nhiều triển lãm cá nhân. Nhưng với cuộc triển lãm “mốc” 30 năm này vẫn thấy ông hồi hộp và lóng ngóng. Nhìn cái dáng Bảo Toàn tất tả chạy đi chạy lại, lo từng chỗ ngồi cho khách, rồi dừng chỗ này một tí, chỗ kia một tí khiến nhiều người có cảm giác, ông đang vui như một đứa trẻ vậy.

Nét trẻ trung và dân dã ấy của Nguyễn Bảo Toàn bộc lộ ở trong rất nhiều sáng tác của ông. Những bức tranh lụa, sơn dầu của ông dường như cũng ngả nghiêng, xô lệch theo từng chuyển động thăng hoa trong những nét vẽ “lên đồng”. Nếu không biết tác giả của cuộc triển lãm này đã bước vào độ tuổi lục tuần thì chắc hẳn người xem sẽ nghĩ rằng, tác giả hẳn là một chàng trai rất ham mê tốc độ. Nhưng Nguyễn Bảo Toàn lại dùng sắc độ đen trắng diễn tả chuyển động, nên những bức tranh của ông có gam màu trầm hoài niệm. Và trong sự trầm tư ấy làm sáng bừng cả bức tranh là những điểm xuyết nhỏ nhắn đỏ tươi.

Theo quan điểm sáng tác của Nguyễn Bảo Toàn, dù mình làm gì thì những tác phẩm cũng cần bộc lộ cho người khác biết xuất xứ và bản sắc văn hoá của đất nước mình. Mà nhìn kỹ vào tranh của ông mới thấy hình ảnh đặc trưng của Hà Nội - tháp Rùa và hồ Hoàn Kiếm đã được Nguyễn Bảo Toàn sử dụng với mật độ dày đặc. Đó chính là nơi mà ông đã gắn bó quãng thời gian thơ ấu và ngay trong thời điểm hiện tại. “Tôi sinh ra ở Hàng Bè, lớn lên ở Hàng Gai, biết kiếm sống ở Hàng Đào, Hàng Ngang”. Có điều, Hà Nội trong con mắt của Nguyễn Bảo Toàn có phần “quê quê, mà lại không quê quê”. Ông cho biết: “Hà Nội thực ra vẫn là làng. Bạn cứ thử đi ra ngoài Hà Nội mà xem. Những ngôi nhà ở đấy đều phảng phất phố cổ của Hà Nội. Mà bản thân tôi là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên con người tôi cũng thế, “quê quê mà lại không quê quê”.

Chỉ chờ can cớ để bùng cháy

30 năm làm công việc phục chế tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Bảo Toàn học hỏi được rất nhiều điều từ vốn cổ của cha ông. Từ những hòn đất vô tri vô giác, ông đã nhào nặn thành những đồ vật mang tâm hồn cha ông và tâm hồn người nghệ sỹ thời đại mới. Chất hiện đại đan xen trong những vốn cổ dân tộc. Và có một điều thú vị, hình ảnh những chú cá thuôn dài bơi lội tung tăng đã được Nguyễn Bảo Toàn đặc biệt thích thú và cách điệu trên hầu hết những tác phẩm gốm. Ngoài niềm thích thú với chuyển động của cá, ông còn bật mí: “Khi làm về cá, tôi thấy mình được nhiều lộc nên khi về hưu, tôi hy vọng những tác phẩm sáng tác về cá sẽ mang lại cho tôi sự may mắn”.

Là người tiên phong trong nghệ thuật sắp đặt ở Việt Nam, nên trong triển lãm lần này, Nguyễn Bảo Toàn đã một lần nữa đưa nghệ thuật sắp đặt đến với công chúng một cách nhẹ nhàng. Mỗi một tác phẩm đều được ông trưng bày theo một không gian nhất định. Và nhìn tổng hoà cuộc triển lãm là những không gian đơn lẻ hợp lại với nhau để tạo thành một không gian chung. Từng chiếc đèn gốm được ông cẩn thận treo lên tường bằng những chiếc quang treo. Thứ ánh sáng lờ mờ từ chiếc đèn tỏa ra gợi người xem đến những buổi tối không có điện ở nông thôn Việt Nam cách đấy nhiều thập kỷ. Yên ắng và tĩnh mịch.

Nguyễn Bảo Toàn cứ cảm ơn mãi nhờ có quyết định nghỉ hưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã giúp ông có can cớ để “hùng hục” làm việc trong vòng 6 tháng trời. Và ông đã cho ra đời triển lãm “Chuyển động” gồm những tác phẩm hội hoạ và gốm. Ông cho biết: “Trong tôi luôn đầy ắp những ý tưởng sáng tạo. Tôi giống như que diêm chỉ chờ có mồi lửa là bùng cháy dữ dội”. Và triển lãm tiếp theo của ông sẽ mang tên “Làng trong phố”. Nhưng để ra mắt công chúng lại cần một cái cớ để thổi bùng lên ngọn lửa niềm đam mê nghệ thuật của nghệ sỹ Nguyễn Bảo Toàn. Mà điều này, ông vẫn đang chờ đợi.

Phạm Thu Hương