Tổ chức hội thảo, khẳng định lại về những tranh luận liên quan tới thời gian ra đời của thời đại Hùng Vương

ANTD.VN - Do Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, hội thảo khoa học quốc gia "Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam" sẽ diễn ra ngày 24/9 tại Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam. Tại đây, những phát hiện mới về thời đại Hùng Vương sẽ được công bố và mở ra các hướng nghiên cứu tiếp theo.

Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu nghiên cứu mới trong nửa thế kỷ qua về thời đại dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đồng thời rút kinh nghiệm và hướng tới các chương trình khoa học trong những thập kỷ tiếp theo của thế kỷ XX. Hiện nay, Ban tổ chức đã nhận được 69 báo cáo khoa học của 77 tác giả ở 12 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi tham dự hội thảo.

Hội thảo sẽ đặt ra và kiểm đếm hầu hết các vấn đề, từ những vấn đề cốt lõi cho đến những biến đổi lịch sử, nguồn gốc, thực trạng, đánh giá giá trị di sản thời đại Hùng Vương dựng nước; khẳng định những thành tựu to lớn và bước tiến căn bản trong nhận thức về thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đây cũng là dịp gợi ra những phương án, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời đại dựng nước đầu tiên.

GS Nguyễn Quang Ngọc thông tin về hội thảo "Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam" tại buổi gặp gỡ báo chí diễn ra vào sáng ngày 20-9 tại Hà Nội

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương Trần Ngọc Tăng, các vấn đề bàn luận xoay quanh 3 nội dung cơ bản: Thời đại Hùng Vương qua tư liệu lịch sử và văn hóa dân gian; Thời đại Hùng Vương qua tư liệu khảo cổ học, cổ nhân học và địa lý học; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương.

Đặc biệt, hội thảo sẽ khẳng định lại về những tranh cãi liên quan tới thời gian ra đời của thời đại Hùng Vương; xác nhận các nguồn thông tin, tư liệu, các câu chuyện về 18 đời vua Hùng; giá trị truyền thuyết và giá trị lịch sử của thời đại này.

Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, GS. Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, hiện nay, hầu hết các di tích nguyên gốc của thời đại Hùng Vương đều đã bị phá hủy. “Những điều đáng tiếc ấy cần được nhìn nhận rõ hơn để góp phần vào quá trình bảo tồn, phát huy các di tích của thời đại Hùng Vương trong thời gian tới”.