Những ngôi làng ven đô Hà Nội khó viết tiếp huyền thoại, nếu… (3)

Tinh hoa còn lại những gì?

ANTD.VN - Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu thổ nhưỡng, những ngôi làng ven Hà Nội không chỉ là những lá phổi xanh mà còn là nơi trực tiếp sản sinh, lưu giữ và viết nên biết bao những trang đẹp đẽ cho đất Thăng Long - Kẻ Chợ về cách ăn, thú chơi, về cả những hào hoa, những phong tục tập quán ngàn đời lưu truyền. Ấy vậy mà chỉ chưa đầy 30 năm khi cơn lũ đô thị hóa sầm sập lao tới, phố xá cuốn phăng cả lệ làng. Làng cổ, nghề cổ… nếu có được nhắc lại thì gần như đã trở thành cổ tích.

“Cốm Vòng gạo tám Mễ Trì 

Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn”

(Ca dao)

Tinh hoa còn lại những gì? ảnh 1Ông Ngô Văn Lộc bên những luống húng thơm cuối cùng sau vườn chùa Láng

Người trồng rau húng cuối cùng của làng Láng

Phải khó khăn lắm tôi mới tìm được địa chỉ của ông Ngô Văn Lộc - người trồng rau húng cuối cùng của làng Láng. Khi tôi tìm tới nhà ông - ngôi nhà nằm sâu trong một con ngõ trên phố Chùa Láng thì ông đang ở ngoài ruộng. Cô con gái út của ông nhiệt tình đưa tôi ra ruộng và giải thích: “Bố tôi chỉ về nhà ăn trưa rồi lại ra ngoài đó. Hôm nào mưa bão thì ông mới tạm nghỉ một ngày không ra đó mà thôi”.

Mảnh ruộng mà ông Lộc đang sớm hôm trồng hái và lưu giữ thứ rau thơm trứ danh của làng Láng là một thửa đất nằm phía sau chùa Láng. Gọi là ruộng cho oai thôi, chứ thực ra nó là sự kết hợp của những miếng đất vườn chùa nhỏ lẻ. Mấy hôm rồi mưa, ruộng ngập bùn. Tôi phải bước lên chông chênh những hàng gạch mà ông Lộc bắc mới ra được chỗ ông đang ngồi làm cỏ cho rau.

Ông Lộc gầy gò, người đen sắt lại, những nét lam lũ ruộng vườn của những người vốn nghề cấy hái “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” in hằn trên gương mặt ông, vóc người và cả dáng đi. Ông bắt đầu câu chuyện bằng một cảm thán: “Ruộng vườn thành phố, thành đường, thành bãi để xe hết cả, đến cái cổng chùa ngoài mặt đường Láng kia người ta cũng dỡ để mở đường rồi, làm gì còn đâu mà cô phải ra tận đây hỏi tôi chuyện nhà nông”.

Nói thế, nhưng ông vẫn dẫn tôi đi quanh khu vườn sau của chùa. Vừa đi vừa kể chuyện, toàn là những hồi ức quá khứ, khi làng Láng chưa thành phố như bây giờ và khi ruộng phần trăm của làng kéo dài mênh mông ra đến tận Thái Thịnh, chỗ lăng Hoàng Cao Khải. Rồi những thửa ruộng đã thành bệnh viện, trường học, đã thành đường thành chợ ra sao…

Vào khoảng những năm 2011-2012, Sở NN&PTNN Hà Nội đã đưa ra thống kê, diện tích sản xuất húng Láng hiện còn khoảng 2.000m2, gồm 48 hộ dân canh tác nhưng rất manh mún và gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng”, Sở NN&PTNT đề xuất chương trình bảo tồn nguồn gene húng Láng. Theo đó, Sở này đưa ra hai phương án bảo tồn: bố trí một số diện tích để trồng tại chính khu vực làng Láng (phố Chùa Láng); chuyển vị, bảo tồn gene tại ngân hàng gene của Bộ NN&PTNT. 

Hỏi ông Lộc về dự án bảo tồn cây húng, ông móm mém cười: “Ôi dào ôi, dăm bảy cơ quan tổ chức hứa hẹn, có đợt liên tục về đây hỏi han. Nhưng rồi, năm này qua năm khác, có thấy gì đâu”. Ở làng Láng có những người suốt cả đời chỉ biết duy nhất có một nghề là trồng rau gia vị như ông Lộc. Ruộng phần trăm bị thu hồi thành ra thất nghiệp. Cả làng chẳng còn mét đất nào thừa ra, chỉ có mỗi mảnh đất phía sau chùa trước từng được đưa vào hợp tác xã. Đất nhà chùa nên người ta không thể quy ra “cây” ra “chỉ” ra dự án tiền tỷ nọ kia nên nhờ thế mà những luống húng thơm cuối cùng vẫn còn. 

Nhọc nhằn giữ lại tinh hoa

 “Tôi sinh năm 1935, cô tính đi xem tôi bao tuổi rồi” - ông Lộc móm mém hỏi tôi, rồi tiếp: “Nhà tôi có 3 đời làm nghề trồng rau, tôi vào hợp tác xã từ năm 15 tuổi, sống chết đều gắn mình với hợp tác xã với những luống rau. Đất tiêu chuẩn không còn, cái khó ló cái khôn, cứ bới nhặt chỗ nào còn ít đất thì giữ lấy mấy ngọn rau, bà nhà tôi ốm, có mang đi bán được đâu, mà cũng làm gì có nhiều để mà bán”.

Ông Lộc chỉ tay về phía trước, cạnh vườn tháp: “Kia kìa, người ta bảo tôi là trồng thêm phía bên kia nữa, nhưng cô thấy đấy, tôi “gần đất xa trời” rồi, sức đâu mà kham nổi. 3 luống để trồng húng, một vạt trũng ngập nước để trồng rau ngổ, vài bụi tía tô, 2 luống kinh giới, chút ít mùi tàu, thêm luống hành hoa… Còn lại thì kệ cho rau lang mọc đầy, thêm ít dọc mùng cho đỡ phải chăm sóc”. 

“Bao nhiêu đất tốt xưa kia đều đã hết sạch rồi, còn chỗ này đất xấu lắm”, ông thở dài rồi nhìn về phía những tòa chung cư cao ngất chỉ cách ruộng ông đang gieo trồng có mấy chục bước chân nói thêm: “Cô không thể tưởng tượng được, tôi đã khai hoang chỗ này mất công như thế nào đâu? Cỏ dại cao tới ngực, tôi phải cắt từng cành cây, nhổ từng bụi cỏ, đào bóc tận gốc cây dại, rồi thì phơi khô, đốt, lấy tro cải tạo đất, nhưng đất giờ cũng thoái hóa rồi, húng không còn thơm như xưa. Cũng phải thôi, vì “bờ xôi ruộng mật” đã hết rồi”! 

Ở mảnh vườn này trước kia cùng trồng hái với ông Lộc còn có nhà bà Định, bà Định kém ông Lộc vài tuổi, bà vừa mới mất. Kế bên ruộng nhà bà Định là ruộng nhà ông Nho, ông Nho cũng mất rồi. Giờ con cái không ai làm, ruộng bỏ hoang đó. “Cô thấy không. Họ đi cả rồi, bao giờ đến lượt tôi, chắc cái vườn này cũng bỏ hoang cô nhỉ?”, ông vừa nói vừa cười.

Suốt cả cuộc chuyện trò giữa tôi và ông, ông cứ nhắc đi nhắc lại rằng cái số ông “trót đa thì phải đèo bòng” và “nếu tôi không lao động cho qua ngày, cứ ngồi không ở nhà xem tivi chắc là toi cô ạ”.

Ai còn kiên nhẫn giữ lại nghề cũ?

Làng Láng xưa có 3 thôn: Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ, nổi tiếng là vùng đất rau gia vị đệ nhất đất Kinh kỳ. Trước giải phóng Thủ đô, dãy ven sông từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở là mướt mát rau xanh.

Cũng là một sự lạ, có 3 loại húng là húng thơm (húng Láng), húng dổi (húng chó) và húng bạc hà nhưng chỉ có húng thơm, trồng ở đất Láng cho mùi thơm điển hình nhất. Theo đó, húng thơm trồng ở Láng đem phân tích có 36 tố chất hợp thành một loại tinh dầu đặc biệt, còn trồng trên đất khác chỉ được 20-25 tố chất. Các rau khác, trồng ở đất ngoài làng Láng, hương vị chỉ giảm đi chút ít. 

Bây giờ, khi không có được rau húng chuẩn Láng, thì người ta buộc lòng phải quen với những thứ hao hao húng Láng trồng ở những vựa rau ven Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh…. Ăn mãi những thứ hao hao rồi thì làm sao mà nhận ra hương vị chuẩn rau tiến vua thủa nào?

Câu chuyện của làng Láng là một ví dụ điển hình cho sự biến đổi của rất nhiều làng ven đô, nơi lưu giữ những đặc sản trứ danh Hà thành. Mễ Trì bây giờ làm gì còn ruộng để mà lưu giữ giống gạo Tám dẻo thơm. Làng Vòng cũng lâm vào cảnh tương tự, không còn đất nông nghiệp để trồng lúa. Tất cả các quỹ đất đều nằm trong quy hoạch của thành phố để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh. Nhiều nhà làm cốm phải mua lúa non ở các tỉnh, thành khác. 

Ổi Quảng An nức tiếng xa gần, giờ Quảng An chỉ toàn là biệt thự, nhà hàng, khách sạn. Hoa sen hồ Tây chẳng đủ cho vài nhà trên phố duy trì nghề ướp trà, thứ trà xa xỉ bậc nhất trong những thức quà biếu ở Hà Nội. Người làm trà mang giống sen Bách diệp đi xa thành phố, thuê đầm gieo giống. Sen lên vẫn trăm cánh đấy thôi, nhưng hương thì kém lắm. Nhưng biết làm sao được, nghề trăm năm vẫn phải nhọc nhằn mà giữ.  

Cũng chỉ khoảng hơn 20 năm trước đây, ở làng Xuân Đỉnh vườn nhà nào cũng có ít nhất dăm bảy gốc hồng xiêm. Vườn cây của hợp tác xã Xuân Đỉnh rộng bao la với cả nghìn gốc hồng xiêm, gốc vải thiều… Thời gian biến đổi bây giờ số gốc hồng xiêm còn lại tỷ lệ nghịch với giá cả đất đai. Mảnh vườn với chục gốc hồng xiêm, mỗi dịp thu hoạch được vài triệu đồng. Nhưng một mét vuông đất ở mảnh vườn đó quy ra tiền quãng độ trăm triệu/m. Đặc sản nào mà hấp dẫn cho bằng?

Cũng giống như húng Láng, khi được trồng trên đất Xuân Đỉnh, hồng xiêm cho quả ngọt, thơm mà không cát. Cũng chính giống hồng đó, nếu được chiết và mang qua cách đó một con đê - sang đất Phú Thượng, hay mang qua một bờ thửa - sang đất Cổ Nhuế thôi là đã đổi vị rồi. 

Có những năm tháng xưa, người làng Xuân Đỉnh ngoài hai vụ lúa chiêm, lúa mùa còn có thêm thu nhập bởi hai vụ hồng xiêm, hồng chiêm và hồng mùa. Hồng mùa, bắt đầu vào sau Tết. Hồng chiêm ngon ngọt bắt đầu vào đầu tháng 7 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 10 âm. Chuyện đi trèo hồng, bẻ hồng, dấm và bán, trước đây được coi là công việc chẳng mấy nặng nhọc đối với người làng. Sáng sớm, những thúng hồng thơm tho được các bà, các mẹ tảo tần chở ra bán ở những chợ lớn ngoài phố như Đồng Xuân, Bắc Qua…

Xóm Thượng xưa, nay là Tổ dân phố Trung 6 bây giờ chỉ còn duy nhất bà Đỗ Thị Thoa còn giữ nghề bẻ hồng và dấm hồng bán dù năm nay bà cũng đã ngoài 50. Bà bảo, bà trèo hồng từ năm 23 tuổi, nay bảo bỏ thì bỏ làm sao, bỏ thì làm nghề gì để mưu sinh. 

“Hồng xiêm bây giờ ở Xuân Đỉnh bắt đầu trở nên khan hiếm. Cả xóm nhà chị xưa nhà nào nhà nấy mênh mông ao vườn. Giờ toàn nhà cao tầng lừng lững bê tông. Hiếm lắm mới còn một mảnh vườn, mỗi mảnh vườn cùng lắm chỉ còn 1-2 cây”, bà Thoa kể. 

Trước kia, nhà bà Thoa có đến hơn 2 mẫu ruộng ở các cánh đồng như đồng Eo, Ba Cửa, Cầu Ngói hay Mã Đái. Bây giờ, toàn bộ các cánh đồng đó đã thành khu đô thị Ciputra và Khu đô thị Tây hồ Tây. Cái hồi Nhà nước đền bù ruộng, bà cũng tích cóp được chút ít, nhưng miệng ăn thì sơn băng núi lở. “Cô bảo, không chịu khó thì lấy gì mà sống”, bà Thoa hỏi lại tôi như vậy khi tôi thắc mắc nhiều về những vất vả và cả nguy hiểm khi cứ đu người lên cây cao để bẻ từng quả hồng. 

Mà bây giờ, hồng đúng của Xuân Đỉnh chẳng có đủ mà bán, bà Thoa phải đi xa hơn, lên tận Đông Ngạc, Thượng Cát mỗi ngày mới bẻ được quãng dăm bảy cân hồng. Mà ở đó thì hồng kém thơm hơn so với Xuân Đỉnh, nhưng biết làm sao được….

(Còn tiếp)