Tìm thấy tác phẩm lưu lạc của họa sĩ bậc thầy Việt Nam

ANTĐ -  Là người Việt Nam đầu tiên vẽ tranh sơn dầu nhưng tác phẩm của họa sỹ Lê Văn Miến còn lại đến ngày nay chỉ còn 7 bức nằm rải rác ở các nơi. 2 bức được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ hơn 40 năm qua, 3 bức được dòng họ lưu giữ từ hơn 10 năm nay và 2 bức mới nhất được tìm thấy trong một tình huống tình cờ…

Tìm thấy tác phẩm lưu lạc của họa sĩ bậc thầy Việt Nam ảnh 1Họa sỹ Lê Văn Miến (1874-1943)

“Nổi gai ốc” khi nhìn… tranh

Trong chuyến công tác để phục chế các tác phẩm hội họa tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM), các cán bộ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được tiếp ông Phan Đăng Thanh, trưởng tộc họ Phan đến nhờ phục chế giúp 2 bức chân dung cụ ông Phan Văn Du và cụ bà Phạm Thị Thợi đã bị ố và hỏng theo thời gian. Khi trực tiếp cầm 2 bức chân dung lên ngắm nghía, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Ánh Nguyệt, một chuyên gia trong lĩnh vực phục chế tranh đã giật mình vì ngỡ đây là hai bức ảnh chụp. Nhìn kỹ hơn, chị khẳng định 2 bức chân dung này hoàn toàn được vẽ bằng tay nhưng mức độ chi tiết và kỹ lưỡng đến từng sợi tóc, từng gân tay trong một diện tích nhỏ hẹp chắc hẳn phải do một họa sỹ đỉnh cao nào đó thực hiện. Không có thời gian và điều kiện để phục chế tại TP.HCM, 2 bức chân dung này đã được chuyển ra Hà Nội để tiến hành công việc tu sửa. 

Khi bóc tách và soi kỹ lưỡng từng centimet tranh, nhà phục chế Nguyễn Ánh Nguyệt có linh cảm, 2 bức chân dung này có sự tương đồng trong bút pháp và phong cách vẽ của họa sỹ Lê Văn Miến, người đang có 2 bức tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chị đã gọi điện cho ông Phan Đăng Thanh và hỏi về nguồn gốc bức tranh. Một vài thông tin ban đầu đã giúp nhà phục chế này xác định được 2 bức chân dung trên là của họa sỹ Lê Văn Miến. Tuy vậy, chỉ khi chuyến công tác của đoàn nghiên cứu Viện Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến tận nhà thờ dòng họ Phan tại TP.HCM vào tháng 6-2014 thì những điều nghi ngờ mới chính thức được xác nhận.

Cũng như các bức họa khác của Lê Văn Miến, chân dung cụ Phan Văn Du và cụ bà Phạm Thị Thợi được vẽ bằng màu nước trên giấy, có cùng kích thước 60x45 cm. 2 cụ ngồi trên ghế tựa lớn bằng gỗ có chạm khắc, cụ ông râu trắng, đầu đội khăn xếp, cụ bà vấn khăn. Tranh vẽ tả thực rất kỹ, đặc biệt là tả nét mặt, da bàn tay và hoa văn trên áo 2 cụ, đây là đặc điểm nổi bật trong phong cách vẽ của họa sỹ Lê Văn Miến. Khi 2 bức tranh này được công bố, nhiều nhà nghiên cứu, các họa sỹ đã “nổi gai ốc” khi được tận mắt nhìn ngắm tác phẩm của bậc thầy chân dung Việt Nam. Từng chi tiết, từ những ngọn rêu bám trên nền gạch, đôi mắt đã chuyển mờ đục của tuổi già, mặt nhân vật chỉ nhỏ bằng bao diêm nhưng cấu tạo về xương rất đầy đủ và vờn khối rất điệu nghệ. Điều này rất ít họa sỹ vẽ chân dung Việt Nam làm được bởi sự kỹ càng, tỉ mỉ và kiên trì. Vì thế, Lê Văn Miến xứng đáng là họa sỹ vẽ chân dung bậc thầy Việt Nam. 

Tìm thấy tác phẩm lưu lạc của họa sĩ bậc thầy Việt Nam ảnh 2Bức chân dung cụ ông Phan Văn Du được tìm thấy

Tỉ mỉ đến từng chi tiết

Không chỉ 2 bức chân dung này, các tác phẩm còn lưu giữ đến ngày nay của họa sỹ Lê Văn Miến đều thống nhất trong bút pháp tả thực. Sự chi tiết trong tranh ông rõ ràng đến mức tại bức chân dung “cụ ông Nguyễn Khoa Luận”, cuốn sách của nhân vật rõ từng con chữ, đó là một trang trong cuốn kinh mà khi đưa một sư thầy tại Huế đọc, vị sư này cho biết ông vẫn đọc rất rõ nội dung của trang sách đó. Tài năng là vậy nhưng sự nghiệp hội họa của họa sỹ Lê Văn Miến theo các nhà nghiên cứu thống kê chỉ có hơn chục bức nhưng do hoàn cảnh lịch sử số tranh đó hiện không còn lưu giữ đầy đủ. Vì vậy, việc phát hiện ra 2 bức tranh của họa sỹ Lê Văn Miến do các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật đã bổ sung các thông tin liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông. 

Lê Văn Miến, sinh năm 1874 tại tỉnh Nghệ An, trong một dòng họ khoa bảng, một gia đình Nho học yêu nước. Ông là người Việt Nam đầu tiên có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu châu Âu nhất là Thủ đô Paris (Pháp) nhưng trong sự nghiệp hội họa, ông chỉ vẽ một số chân dung để tặng và rất ít tranh diễn tả sinh hoạt cuộc sống theo khuynh hướng tả thực. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu: “Cuộc đời của ông là cuộc đời của một nhà nho yêu nước khẳng khái, quan trọng hơn là cuộc đời của một họa sỹ. Ông xứng đáng là người họa sỹ đầu tiên đưa nền mỹ thuật Việt Nam từ thế kỷ trước còn mang đậm chất mỹ nghệ, dân gian sang giai đoạn mới với sự hội nhập văn hóa Đông Tây, nền tảng mạnh mẽ cho sự phát triển sau này”.