Tìm thấy 2 "báu vật" thời Đông Dương còn nguyên vẹn đến ngày nay

ANTD.VN - Từ hàng chục năm nay, trong giới mỹ thuật cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng vẫn lan truyền câu chuyện rằng có hai bức phù điêu khổng lồ nằm trên bức tường phía sau nhà dạy hình họa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cũng chính là ngôi nhà còn sót lại của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nhưng cho tới nay, 2 bức phù điêu ấy còn tồn tại hay không và hiện trạng ra sao vẫn chưa có lời giải đáp.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long và các cộng sự đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi bấy lâu nay. Lần tìm qua các cứ liệu lịch sử và các nhân chứng, ông đã tìm thấy 2 bức phù điêu được sinh viên của trường Mỹ thuật Đông Dương thực hiện, có tuổi đời ngót trăm năm…

Trước đây, mặt hai bức phù điêu hướng ra phía ngoài, đoạn cuối con đường Trần Quốc Toản nối từ phố Yết Kiêu đến đường Lê Duẩn. Nhưng do quá trình làm đường và xây dựng nhà cửa, đến nay, đoạn phố chạy bên hông Trường Mỹ thuật Việt Nam – nơi có bức tường gắn hai bức phù điêu, đã bị che khuất. Vì vậy, chỉ những ai đi qua đoạn đường này trước những năm 1960 mới có cơ hội nhìn thấy rõ hai bức phù điêu này.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long, những tác phẩm để lại của giai đoạn hình thành và phát triển Trường Mỹ thuật Đông Dương hầu như không đáng kể. Vì thế, việc phát hiện, sưu tầm và bảo tồn các tác phẩm điêu khắc trong giai đoạn này là cực kỳ khó khăn nhưng vì thế càng có ý nghĩa. Điều đó càng thôi thúc ông bằng nhiều cách tìm thấy bức tường di sản thời mỹ thuật Đông Dương.

Bức phù điêu "Ngư nghiệp" do 3 mảnh ghép lại được miêu tả trong cuốn sách “Trois école d’art de l’indochine: Hanoi, Phnom-Penh, Bien Hoa” 

Vậy 2 bức phù điêu diễn tả nội dụng gì và có điểm gì đặc biệt mà tới thời điểm hiện tại, các thế hệ hậu sinh đều mong muốn được biết và tận mắt chiêm ngưỡng? Để trả lời câu hỏi này, nhà nghiên cứu Phạm Long đã liên hệ với họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, năm nay đã ngoài 60 tuổi, người có thời gian dài sống trong khu tập thể của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội để tìm hiểu.

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa bồi hồi nhớ lại, ông có thấy thấp thoáng vài lần 2 bức phù điêu từ hồi bao cấp, song cũng không có bức ảnh nào. Khi nhà nghiên cứu Phạm Long có nhã ý muốn nhờ ông vẽ lại 2 bức phù điêu ấy thì ông lắc đầu và rằng “ký ức xa xăm, mà thời đó, chúng tôi còn trẻ quá, đâu có nghĩ 2 bức phù điêu này rồi sẽ là di sản mỹ thuật Đông Dương”.

Rồi nhà nghiên cứu Phạm Long còn liên hệ với họa sĩ Thành Chương, cựu học sinh Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam để làm rõ nội dung 2 bức phù điêu. Họa sĩ Thành Chương rất sẵn lòng chia sẻ. Ông cho biết, ngày con bé, Thành Chương đã được tận mắt nhìn thấy 2 bức phù điêu quý giá ấy. Ngày đó, 2 bức phù điêu nằm trong khu triển lãm của Trường Mỹ thuật Hà Nội.

Ảnh về bức phù điêu "Ngư nghiệp" do một người bạn của Phạm Long cung cấp

Rồi đợt hỏa hoạn 1960-1961, nhà triển lãm bị cháy, ông đã chạy từ phố Hà Hồi (nhà của Thành Chương) tới trường mỹ thuật để xem. Thật may, 2 bức phù điêu không bị ảnh hưởng trong vụ hỏa hoạn. Nhưng sau đó, ông còn được nhìn thấy bức tường di sản ấy nữa do sự thay đổi của cảnh quan xung quanh.

Cũng giống như họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, Thành Chương cũng không có ảnh chụp và việc ký họa cũng trở nên khó khăn do thời gian quá lâu.

Để làm rõ hơn về 2 bức phù điêu, nhà nghiên cứu Phạm Long đã tìm tới nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng như sự cứu cánh. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng không giúp ích được nhiều cho quá trình tìm kiến của TS.Phạm Long.

Tưởng chừng như mọi việc rơi vào bế tắc nhưng một may mắn khác đã đến với nhà nghiên cứu này khi ông tìm thấy một bức ảnh đen trắng miêu tả bức phù điêu thứ nhất trong cuốn “Trois école d’art de l’indochine: Hanoi, Phnom-Penh, Bien Hoa”, do Nha học chính Đông Dương chủ biên, ấn hành năm 1931. Hình ảnh chài lưới, đánh cá, chèo thuyền… được khắc họa trên bức phù điêu cho thấy, chủ đề là ngư nghiệp. Từ bức ảnh này, nhà nghiên cứu Phạm Long và các đồng nghiệp phỏng đoán, bức phù điêu thứ 2 sẽ có chủ đề là nông nghiệp. Bởi nông nghiệp và ngư nghiệp là hai nghề chính của người nông dân Việt Nam thời Pháp thuộc.

Chỉ ít lâu sau đó, một người bạn của nhà nghiên cứu Phạm Long cho biết, có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm lại ảnh chụp màu về hai bức phù điêu, đang gắn trên bức tường của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Từ những bức ảnh, hình ảnh chài lưới thân quen hiện ra đã khẳng định bức phù điêu “ngư nghiệp” trong cuốn sách “Trois école d’art de l’indochine: Hanoi, Phnom-Penh, Bien Hoa”  là một trong hai tác phẩm điêu khắc kinh điển. Tuyệt vời hơn nữa, trước mắt các nhà nghiên cứu đã hiện ra ảnh chụp bức thứ hai với những hình tượng thôn nữ gánh gồng thóc lúa, các anh nông phu vác cày, nhổ mạ được khắc họa rất đẹp.  Tuy không được chụp ở những góc chính diện hay toàn cảnh, nhưng bức ảnh màu này đã khẳng định dự đoán chính xác của các nhà nghiên cứu về bức phù điêu thứ hai sẽ có chủ đề “nông nghiệp”.

Ảnh về bức phù điêu "Nông nghiệp" do một người bạn cung cấp

Và càng thú vị hơn, khi so sánh các bức ảnh màu mới chụp với một số bức ảnh đen trắng mà nhà nghiên cứu Phạm Long đã sưu tầm về Vũ Cao Đàm, Georges Khánh, Lê Tiến Phúc - các cựu sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1 và khóa 2, các nhà nghiên cứu nhận thấy, đúng là bức phù điêu “Ngư nghiệp” đã được các thầy trò và sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương thể hiện năm 1930.

Ngoài ra, so sánh kích thước phù điêu với khổ người của các sinh viên điêu khắc, các nhà nghiên cứu ước tính, 2 bức phù điêu này rộng chừng 7 đến 8m và cao khoảng 2m.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Long, việc tìm thấy hình ảnh chân thực về 2 bức phù điêu quả là một cuộc trùng phùng “song hỷ lâm môn”. Cuộc truy tìm hình ảnh hai bức phù điêu khổng lồ trên “bức tường di sản” của Trường Mỹ thuật Đông Dương  giờ đây có thể tạm coi là có kết quả mỹ mãn. Điều quan trọng hơn, 2 bức phù điêu hiện nay vẫn đang tồn tại trên bức tường của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam trong tình trạng khá tốt.

“Để bảo vệ và tôn vinh các giá trị di sản nghệ thuật và di tích lịch sử văn hóa, Bộ VH-TT&DL, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam cần thành lập hội đồng thẩm định, đánh giá tổng quát tình trạng vật lý và giá trị nghệ thuật, giá trị lịch của hai bức phù điêu”, nhà nghiên cứu Phạm Long kiến nghị.

Theo họa sỹ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 2 bức phù điêu này xét về tính lịch sử rõ ràng là một di sản còn sót lại của thời mỹ thuật Đông Dương. Xét về tính nghệ thuật, đó thực sự là một báu vật bởi trình độ tay nghề và thẩm mỹ của những người thực hiện rất đáng nể.