Bài học đình Lương Xá: Đừng để văn hóa Hà Nội bị tổn thương

Bài 4: Hậu quả đau xót khi di sản văn hóa khó hồi phục

ANTD.VN - Ngày 16-8, một cuộc họp về khắc phục hậu quả vụ “bê tông hóa” đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội Trương Minh Tiến cùng sự tham gia của một số chuyên gia đến từ Viện Bảo tồn Di tích và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Đình Lương Xá trước và sau tu bổ kiểu “bê tông hóa” (Ảnh: Hoài Nam)

Chỉ là thiếu sót do vận hành?

Không đề cập đến kỷ luật hay tìm người chịu trách nhiệm chuyện đình bỗng dưng bị dỡ và thay vào đó là một công trình bê tông xa lạ với kiến trúc truyền thống, không tranh luận đúng - sai, bởi cái sai đã quá rõ ràng, cuộc họp tập trung vào việc cho ý kiến khắc phục như thế nào để cứu vãn tình thế. Và theo ông Trương Minh Tiến thì việc kỷ luật thế nào và ai phải chịu kỷ luật sẽ đề cập ở một cuộc họp khác của UBND huyện Ứng Hòa.

Phát biểu đầu tiên, ông Phạm Tự Khải, Trưởng thôn Lương Xá  trình bày khá dài lịch sử đình thế nào, đã từng xuống cấp ra sao và từng được tu bổ tôn tạo lại vào những năm nào... Ông Khải cũng kể về tình trạng xuống cấp của ngôi đình, việc các cụ cao niên trong thôn tổ chức họp và ra “nghị quyết” xây dựng cũng như thống nhất thu bổ đầu người như nào, bởi ban đầu dự định thu mỗi khẩu 200.000 đồng, sau tăng lên 800.000/người.

Cũng theo Trưởng thôn Lương Xá, do đình quá xuống cấp nên không thể tận dụng các cấu kiện gỗ vì vậy các cụ cao niên trong làng thống nhất xây lại bằng bê tông. Việc dỡ đình cũ xây đình mới 100% bê tông được ông Khải nhận định là “thiếu sót trong công tác vận hành”.

Trưởng thôn Lương Xá cũng đề đạt nguyện vọng đình được tiếp tục xây dựng bằng bê tông. Xây xong thì lấy các mảng chạm từ đình cũ gắn vào, còn mảng nào hay cột kèo không gắn được lên tường xi măng thì để trưng bày bảo quản.

Quan điểm khá giống với Trưởng thôn Lương Xá, Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Nguyễn Anh Tuấn cũng kể lại việc đình xuống cấp như thế nào, lịch sử 4 lần trùng tu đã làm kiến trúc nguyên bản đình thay đổi ra làm sao. Bên cạnh việc bày tỏ nguyện vọng được tiếp thu ý kiến của các chuyên gia để tìm ra phương án tối ưu trong phục dựng đình, ông Tuấn cũng nhấn mạnh phương án tiếp tục xây đại bái bằng bê tông, gỗ cũ dỡ xuống từ đại bái thì đem dựng hậu cung.

Khi được hỏi công trình đang xây dựng dở dang kia có thiết kế hay không, đại diện xã Liên Bạt cho biết, có đơn vị thiết kế, có khảo sát, có bản vẽ nhưng chưa làm đến nơi đến chốn.

Khắc phục thế nào cũng dở

Tại cuộc họp, 3 phương án khắc phục đình Lương Xá đã được đưa ra. Một là phá hết công trình hiện nay, phục dựng theo đúng công trình cũ, sử dụng lại toàn bộ cấu kiện có giá trị. Hai là, duy trì hiện trạng đang xây dựng, dùng cấu kiện gỗ có giá trị của đình cũ để sử dụng lại. Ba là, vẫn cho tồn tại, không dùng cấu kiện cũ, đưa cấu kiện cũ có giá trị giao cho Bảo tàng Hà Nội. Tuy nhiên theo các chuyên gia, phương án nào cũng có mặt được và chưa được.

KTS Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích cho biết, ông có những bức ảnh chụp đình Lương Xá từ năm 2016. Khi đó cùng kết hợp với ngôi chùa bên cạnh, không gian rất đẹp. Ông Lê Thành Vinh lo sợ, việc khắc phục đình Lương Xá theo kiểu chữa cháy này nếu không khéo vô tình sẽ tạo thành tiền lệ cho các địa phương đua nhau “bê tông hóa” di tích kiến trúc gỗ truyền thống.

“Phải khẳng định việc làm này là sai, chẳng ai đồng ý với cách làm này cả, nhưng trong tình cảnh này đành phải chọn giải pháp phù hợp nhất có thể. Giải pháp nào cũng không phải giải pháp mong muốn. Mỗi giải pháp đều có cái hay cái dở”, ông Lê Thành Vinh nêu ý kiến.

KTS Hoàng Đạo Cương - Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích cũng nghiêng về phương án thứ ba với việc điều chỉnh phù hợp, các mảng chạm khắc bị dỡ xuống thì đưa vào trưng bày. KTS Hoàng Đạo Cương cũng cho biết, trong vài năm qua, Viện Bảo tồn di tích cũng đã tiến hành một dự án điều tra hiện trạng các di tích kiến trúc gỗ chưa được xếp hạng. Trong đó, đình Lương Xá có niên đại khoảng 1.741 và các mảng chạm của đình có từ cuối thế kỷ 17. Viện cũng lưu giữ một số bản vẽ của ngôi đình khi chưa bị tháo dỡ.

Còn theo KTS Nguyễn Trường Thành, để xảy ra sự việc kể trên quả là đau xót trong khi hệ thống luật pháp của chúng ta đã có rất nhiều điều khoản để bảo vệ di tích. Từ sự việc này cần có kiến nghị điều chỉnh luật hoặc bổ sung một số chế tài đủ sức răn đe trong việc tu bổ tôn tạo di tích, việc mà bao năm qua đụng đâu cũng thấy “nóng”.

Cuộc họp kết thúc nhưng cũng chưa đưa ra được phương án cuối cùng, bởi lãnh đạo Sở VH-TT cho rằng, chọn phương án nào để khắc phục sự cố thì phải bàn thêm, tính toán thêm trên cơ sở thực địa và báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ VH-TT&DL. 

Đau xót trước hiện trạng di sản văn hóa khó khắc phục và hồi phục được trở lại nguyên trạng là điều đương nhiên. Bài học đình Lương Xá tu bổ mà như phá, để lại những "dư chấn" cho công tác quản lý văn hóa ở Thủ đô nghìn năm văn vật. Đừng để văn hóa Thủ đô bị tổn thương thêm nữa!    

PGS.TS Phạm Mai Hùng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam): Tu bổ mà như Lương Xá, di tích Hà Nội chỉ còn là số 0

“Tôi theo dõi toàn bộ câu chuyện này và thấy rằng, việc dỡ đình xây mới bằng bê tông là một sự “hồn nhiên” đến thiếu trách nhiệm. Người có tâm và có tầm thì không thể làm như thế được. Tôi coi đây là bài học cho cả nước. Chúng ta đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, vậy tại sao ngay giữa Thủ đô lại vi phạm nghiêm trọng đến thế? Tôi cho rằng, việc này phải làm nghiêm túc để không thành tiền lệ cho sau này. Hà Nội có 1.853 ngôi đình mà đình nào cũng tu bổ như thế thì chả mấy mà nền nghệ thuật kiến trúc Hà Nội chỉ còn là con số 0.

Ngoài ra, xã, thôn đề xuất thu của mỗi người dân 800 nghìn đồng. 800.000 đồng/người mà cộng vào cả gia đình là con số không hề nhỏ so với thu nhập của người dân ở đây. Các vị đã cầm tiền công đức của người dân để tu sửa đình thì phải làm cho đúng, cho trúng, gắn tu bổ với giữ gìn di dản văn hóa, chứ không phải có tiền thích làm gì thì làm. Hơn nữa phải có ý kiến của các ngành chức năng chứ ai lại lặng lẽ dỡ đình đi xây mới”.