Tiếng gọi thì thầm trong giấc mộng hoa đào

ANTD.VN - Ông Cư tỉnh giấc lúc gần sáng bởi tiếng chuông đồng hồ Odo. Trong căn phòng nhỏ ở khu phố cổ, tiếng đồng hồ vang lên như tiếng chuông Nhà thờ lớn. 

Minh họa: Lê Thiết Cương

Nhưng từ trước đó, ông đã chập chờn nghe tiếng người thì thầm gọi. Ông nhìn ra ô cửa sổ mờ tối. Ai gọi mình vào giờ này nhỉ. Nghĩ vậy ông đến mở ô cửa sổ nhìn thẳng ra mảnh sân nhỏ. Khoảng sân im lìm trong bóng tối còn đọng đầy. Không có ai cả. Mọi người hầu như vẫn đang ngủ. Nhưng ông nhận ra mưa xuân của ngày cuối năm. Một cảm giác ấm áp và xôn xao tràn ngập lòng ông. 

Ông ngồi xuống chiếc ghế bên cửa sổ, ý nghĩ về tiếng người gọi vẫn luẩn quẩn trong đầu. Càng nghĩ, ông càng thấy tiếng gọi rõ hơn. Rồi trái tim ông như thắt lại khi trong ông vọng tiếng gọi hơn nửa thế kỷ trước. Tiếng gọi của Hạnh. Cũng trong ngôi nhà nhỏ trong khu phố cổ này, cứ vào ngày cuối năm, Hạnh thường đạp xe đến nhà ông và cất tiếng gọi.

Ông vội vàng mặc quần áo và có lúc quên cả chải tóc, lao ra cửa. Mưa xuân bay nồng nàn và ấm áp lạ thường. Hạnh đứng đó bên chiếc xe đạp. Chiếc áo len đỏ làm cô rực lên như một ngọn lửa giữa mùa đông. Đôi mắt Hạnh mở to như cuốn ông vào một chốn vô định. “Lạnh thế này, hoa đào năm nay đẹp lắm đấy” - Hạnh nói, gương mặt sáng lên rực rỡ.

Cứ hàng năm, đúng ngày 29 tháng Chạp cho dù năm thiếu hay đủ, Hạnh lại rủ ông đi chợ mua hoa đào. Ông không thể nghĩ rằng một cô gái trẻ như thế lại mê và hiểu hoa đào như một ông đồ già. Họ phóng xe như bay trong mưa xuân và gió lạnh, qua các dãy phố đến chợ hoa ở một khu phố cổ. Cả buổi sáng đó, hai người la cà trong chợ hoa. Cư dắt xe đạp đi sau Hạnh. Hạnh vừa đi vừa nói không dứt về hoa đào. Năm nào, Hạnh cũng chọn mua hai cành, một cho Cư và một cành cô mang về cắm ở nhà mình.

Sau khi đốt gốc cành đào và cắm vào bình trong phòng Cư, Hạnh lại đề nghị Cư pha một ấm trà sen. Hai người ngồi uống trà ngắm hoa đào đến trưa cho dù lúc đó mọi người đều bận rộn chuẩn bị Tết. Những lúc ấy, Hạnh ngồi trong lòng Cư như một con chim nhỏ thu mình trong tổ ấm. Người cô rực nóng và tiếng trái tim đập rộn ràng. Và lúc nào, Cư cũng nghe giọng nói Hạnh thì thầm như trong một giấc mộng: “Em muốn mình cưới nhau vào mùa hoa đào. Chỉ cắm hoa đào trong đám cưới thôi. Em sẽ cắm một trăm cành đào. Em muốn mình sống bên nhau một trăm năm và lúc nào cũng rực rỡ như hoa đào”. 

Nhưng vào cái năm họ định làm lễ cưới thì diễn ra cuộc di cư của những người miền Bắc vào Nam. Cư là một trong những người trong dòng di cư đó. Ông không kịp quay về Hà Nội để gặp Hạnh. Ông chỉ viết một lá thư cho Hạnh và nhờ tổ chức chuyển cho người yêu. Ông nói với Hạnh hai năm sau ông sẽ trở về để làm đám cưới. Nhưng ông đã không thực hiện được lời hứa ấy. Tổng tuyển cử cả nước không được thực hiện. Người Mỹ nhảy vào Việt Nam và chiến tranh nổ ra. Không thể liên lạc với Hạnh, lòng ông tan nát. 

Vào ngày 29 tháng Chạp những năm sau đó, người ta thấy một cô gái mặc áo len đỏ dừng xe đạp trước cửa ngôi nhà Cư trong khu phố cổ. Cô đứng đó rất lâu nhìn lên ô cửa sổ đóng kín. Mưa bụi bay ướt mặt cô. Rồi cô đạp xe một mình về phía chợ hoa. Cô đi lang thang trong chợ hoa cả buổi nhưng không nói gì như những lần đi chợ trước kia. Người bán hoa đào mà cô vẫn mua hàng năm tươi cười hỏi cô bao giờ thì cưới để bà chuẩn bị một trăm cành đào đẹp nhất Hà Nội cho cô.

Những lúc như thế, cô đứng lặng người. Gần trưa, cô mang hai cành đào từ chợ về nhà Cư. Cô cắm cành đào vào chiếc bình gốm mộc quen thuộc và ngồi một mình im lặng. Nước mắt chảy trên gương mặt. Rồi cô xuống bếp giúp mẹ Cư gói bánh chưng và dọn dẹp ngôi nhà chuẩn bị đón Tết. Vào một ngày giáp Tết mười năm sau, người ta thấy Hạnh mặc một chiếc áo vest tối màu và mang một cành đào lên phòng Cư. Cô lặng lẽ cắm cành đào. Cô mệt mỏi ngồi xuống và bưng mặt khóc. Đó là năm Hạnh đi lấy chồng, đám cưới không có một cành đào nào. 

Năm 1975, chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất. Và hơn mười năm sau đó, vào một ngày giáp Tết, có một người đàn ông trở về đứng trước ngôi nhà trong khu phố cổ. Cư từ Mỹ trở về và đi tìm Hạnh. Nhưng gia đình Hạnh đã không còn ở đó nữa. Sau khi lấy chồng, Hạnh đã theo chồng lên một tỉnh miền núi vì công việc của chồng. Cả ngày 29 tháng Chạp năm đó, Cư đi lang thang trong chợ hoa cho đến khi những người bán hoa cuối cùng về hết.

Từ đó, hàng năm cứ đến giáp Tết, Cư lại từ Mỹ trở về và lang thang trong những chợ hoa đào ở Hà Nội. Khu chợ cũ bán hoa Tết đã chuyển đi nơi khác và cũng nhiều chợ bán hoa Tết được mở ra. Có thể Hạnh cùng gia đình đã trở về Hà Nội. Chính vì suy nghĩ thế mà thi thoảng ông vẫn ghé qua ngôi nhà của bố mẹ Hạnh trước kia với hy vọng sẽ có tin tức về Hạnh. Nhưng người chủ nhà mới chỉ lắc đầu. 

Có những năm, ông ngồi ở một điểm bán hoa đào đẹp nhất Hà Nội và chờ đợi. Ông nghĩ, cho dù thế nào Hạnh cũng không thể bỏ hoa đào. Ông ngồi hút thuốc và tưởng tượng Hạnh sẽ hiện ra với chiếc áo len đỏ, gương mặt rực rỡ trong mưa ấm cuối năm. Có một lần, người bán hoa đào hỏi ông vì sao ông cứ ngồi bên những cành hoa đào cả buổi như thế. Ông đã kể lại câu chuyện của họ cho người bán đào nghe. Người bán đào nhìn ông lạ lùng và cảm thông rồi nói: “Nếu bà ấy còn sống thì có ngày sẽ đến đây vì bà ấy mê đào đến thế kia mà”.

Chính câu nói của người bán đào lại làm cho ông hy vọng. Ông không ân hận về những gì ông đã làm cho Tổ quốc, nhưng ông đau đớn vì biệt ly trong tình yêu. Khi ông đã cao tuổi và sức khỏe giảm sút đi rất nhiều, con cái ông không muốn năm nào ông cũng về nước. Nhưng ông vẫn trở về cho dù có năm về nước, ông không bước ra khỏi nhà cả tuần vì bệnh tật. Nhưng cứ đến ngày 29 tháng Chạp, ông lại gọi một chiếc taxi đưa đến những khu chợ bán hoa đào Tết ở nội ngoại thành Hà Nội.

Và cho đến một năm, ông quyết định trở về nước lần cuối cùng vì sức khỏe đã khác đi quá nhiều. Thực ra ông muốn được sống những năm cuối cùng trên mảnh đất cố hương. Nhưng con cái ông đều ở nước ngoài. Ông không thể sống một mình khi tuổi già sức yếu được. Đấy là một năm hoa đào được mùa. Từ khi ra đi, chưa năm nào ông thấy hoa đào đẹp như năm đó. Trời ấm áp và mưa xuân về sớm cùng với nắng hửng lên làm hoa đào nở đẹp lạ thường. Buổi sáng hôm đó, ông dậy sớm.

Người đạp xích lô được hẹn trước đã đợi ông trước cửa. Điểm cuối cùng trong ngày ông tìm đến là khu bán hoa đào đẹp nhất trong chợ mà ông vẫn thường đến hàng năm. Người bán hoa đào thấy ông vui vẻ: “Năm nay ông ra chợ muộn, nhưng cháu biết ông sẽ ra”. Nói xong, người bán hoa đào lấy một chiếc ghế nhựa màu đỏ mời ông ngồi và rót một chén trà nóng mời ông. “Trà sen à?”, ông hỏi. “Ơ, sao ông biết?”, người bán đào ngạc nhiên.

Ông không trả lời và tủm tỉm cười. “À, ông này, có một người phụ nữ nghe cháu nói chuyện về ông, chị ấy bảo khi nào ông đến đây thì báo cho chị ấy biết”. “Cô ấy già hay trẻ?”, ông vội vã hỏi và thấy tim đập dội lên. “Cũng sường sượng rồi”. “Sường sượng là thế nào?”. “Là không trẻ mà cũng chưa già ấy mà. Ông uống trà đi, cháu gọi cho chị ấy đến”. 

Một người phụ nữ đứng tuổi ngồi “xe ôm” đến. Người bán hoa chỉ ông Cư và nói: “Đây là bác Cư mà em kể với chị đấy. Có phải người quen của chị không?”. Người phụ nữ bước đến trước ông, chào ông rồi hỏi: “Bác là bác Cư ở Hàng Mành trước kia phải không?”. “Đúng, đúng”. Người phụ nữ cầm tay ông xúc động: “Cháu là cháu của bà Hạnh”. Mắt ông nhòe đi, người ông rung lên: “Hạnh à, Hạnh đâu?”. Người phụ nữ im lặng một lát, nước mắt giàn giụa: “Dì Hạnh cháu mất rồi ông ạ”. Ông Cư ôm lấy cánh tay người phụ nữ. 

Sau ngày đất nước thống nhất, thi thoảng Hạnh vẫn trở về Hà Nội và lại tìm đến chợ hoa đào. Chị tin rằng nếu Cư còn sống trở về sẽ đi tìm mình. Gia đình Hạnh đã chuyển đi nơi khác vì thế Hạnh tin Cư sẽ đến chợ bán đào để tìm Hạnh. Khi mắc bạo bệnh, biết không thể sống lâu được nữa, Hạnh đã viết thư cho Cư và nhờ đứa cháu gái hàng năm vào ngày 29 tháng Chạp ra chợ hoa, nếu thấy một người đàn ông hình dáng như thế, trạc tuổi như thế lang thang trong chợ hoa đào thì hỏi xem có phải Cư không.

Người cháu gái thấy câu chuyện như một giấc mộng nhưng vẫn thực hiện lời dặn của người dì quá cố. Chị cứ đi và hỏi trong nhiều năm. Đến một ngày, chị mua đào của chính người bán đào mà ông Cư đã kể cho nghe câu chuyện. Chị cho người bán đào số điện thoại và dặn nếu thấy ông Cư trở lại thì báo cho chị. 

Người phụ nữ đưa ông Cư về nhà mình và mở tủ lấy ra một bức thư. Bức thư được giữ rất cẩn thận nhưng đã ngả màu vì thời gian. Cầm bức thư, ông Cư nhận ra nét chữ của Hạnh. Những ngón tay của ông run rẩy. Hạnh đã viết lá thư này cho ông khi biết mình sẽ không còn sống lâu nữa: “Anh thương yêu, em không trách anh cho dù lòng em đau đớn đến nhường nào khi phải xa anh. Chúng ta đã không cùng nhau đi đến ngày hôn lễ của mình. Trái tim em lúc nào cũng đau đớn đập vì anh và đợi anh về để gặp lại anh một lần nữa, để đi chợ mua đào với anh một lần nữa. Hà Nội mỗi khi xuân về hoa đào vẫn nở rực rỡ. Chỉ lòng em giá lạnh thiếu anh. Không hiểu vì sao em luôn tin anh sẽ trở lại tìm em. Vì thế mà em vẫn mơ và tin đến một ngày của kiếp sau, chúng mình bước vào phòng cưới với 100 cành hoa đào như em vẫn hằng mong ước. Em yêu anh mãi mãi. Vĩnh biệt anh”. 

Rời ngôi nhà người cháu gái của Hạnh, ông Cư bắt taxi đến chợ hoa. Đã cuối chiều nhưng chợ hoa vẫn đông người. Hoa đào từ các vườn đào ngoại thành vẫn chở về lũ lượt. Thế là cuối cùng ông đã gặp được Hạnh dù chỉ trong tâm tưởng. Nếu không có hoa đào thì ông không bao giờ biết được Hạnh đã đau khổ và chờ đợi ông như thế nào. Chỉ đến lúc đó, nỗi đau đớn của ly biệt mới nguôi đi trong lòng ông.

Ông chầm chậm bước đi giữa một rừng hoa đào trong chợ. Và lúc đó, giấc mơ về đám cưới của Hạnh và ông trong ngập tràn sắc đào hiện ra rõ ràng như đám cưới ấy đang hiện hữu. Một tiếng gọi từ mờ xa lại vang lên. Và Hạnh hiện ra rực rỡ trong mùa đông của một ngày cuối năm. Cũng chính lúc đó, một quyết định vô cùng thiêng liêng đến với ông: ông sẽ ở lại Hà Nội để sống với những mùa đào cho tới khi giã biệt cuộc đời.