Tiếng chim trong phố
(ANTĐ) - Những cây cổ thụ trong làng đã chặt hết từ bao giờ. Có phóng viên truyền hình phải đi dã ngoại hàng giờ đồng hồ, ở một làng tít xa mới tìm được có một cây đa bên bến nước, mà đò ngang thời xưa thì không có!
Vắng cây cao bóng cả, tre pheo chặt hết, nhà vườn chia nhỏ ra, thì chim lấy đâu chỗ mà làm tổ!
Ngày trước, trên ngọn cau, ngay trong cả đầu hồi mái nhà, chim sẻ con tha rơm đến làm tổ. Những sợi rơm vàng lõng thõng trên ngọn cau, và tiếng chim non kêu chiêm chiếp trong tổ là những hình ảnh thân thiết ở làng quê.
Sáng ra đã nghe chích chòe báo sáng. Chích chòe kêu từ lúc mờ đất. Rồi chào mào, sáo sậu, sáo nâu, sáo đen, bồ các, khi những người thợ cày đánh trâu ra đồng, thì, chim hót trên cây, chim nhảy phía trước, phía sau, rất dạn người. Chưa kể đến các loại chim vàng anh, chim cu gáy, chim khách đuôi dài, chim liếu điếu kêu rộn ràng ngoài lũy tre, hay con chim giẻ quạt, vừa nhảy vừa xòe đuôi ra múa.
Có cả đám chèo bẻo bé người mà đuổi đánh đàn quạ lẫn diều hâu...
Làng bây giờ xem ra chỉ còn ít chim sẻ, chim sâu. Và ở trong vườn quả may ra mới thấy một đàn chào mào từ rừng kéo về.
Vậy mà chim trong phố dạo này lại khá đông. Nhiều nhà trong phố chơi chim. Những khu nhà có vườn ở ngoại ô không nói làm gì, chính những nhà chung cư, ở ban công sân thượng, ngay từ sáng sớm đã thấy chích chòe (trong lồng) hót. Rồi thì tiếng chim cu gáy, chim khướu, chim yểng, lại có cả giọng trong trẻo của chim họa mi.
Chim cu gáy được nuôi nhiều hơn cả. Nhu cầu mà cần, thì sẽ có cung. Có người đi tận huyện vùng cao, xách về; có người thì mua ngay ở chợ Bắc Qua, chợ Mơ, có người thì lên Khoang Xanh, Ba Vì; không những kiếm được những chàng cu gáy cườm đẹp, tiếng hót hay, còn được cả một chiếc lồng tre khá đẹp. Và trưa mùa hè, trưa mùa thu, bỗng cách nhà mình không xa, vọng đến tiếng chim cu gáy rất da diết.
Cúc cù cu... Cúc cù cu... Cúc cù cu...
Những lúc ấy, những ai yêu làng đều phải dừng tay, lắng nghe để nhớ những cánh đồng xanh thẳng cánh cò bay, những hàng tre mượt mà soi bóng trên dòng sông nước trong xanh; và tiếng chim cu gáy làm dịu bớt cả cái nắng hè oi ả, hay tăng thêm cái vẻ êm đềm lặng lẽ của mùa thu.
Người Hà Nội cũng hay chơi chim vành khuyên. Chim vành khuyên nhỉnh hơn chim sâu ở quê (thường cũng gọi là chim chích) một chút, lông màu xanh pha vàng, có chiếc tai trắng, thân chim nhỏ, mỏ nhỏ. Nhưng cũng có những con chim đực có giọng hót rất hay, nếu như nó nghe thấy tiếng hót của một con vành khuyên khác có tính thách đố. Những người chơi chim vành khuyên về mùa xuân thường họp nhau để mở hội thi chim vành khuyên hót, và con chim danh cầm thắng giải năm ấy làm cho chủ vui đến tận năm sau.
Nhiều người lại thích chơi chim yến. Yến bây giờ cũng dễ tìm chứ không hiếm như trước. Yến có hồng yến, bạch yến và hoàng yến. Chơi thông dụng là hoàng yến. Hoàng yến hình như dễ nuôi hơn và giọng hót cũng hay lắm. Chơi chim hoàng yến nên có một khu vườn bon-sai, treo vài ba lồng yến ở đó, ban mai, non trưa ra ngắm cây cảnh, lại được nghe tiếng chim hót thì cũng là một thú vui. Sinh thời, cha tôi cũng thích nuôi hoàng yến. Ngoài loại thức ăn gạo trắng tẩm lòng đỏ trứng gà, cha tôi còn kiếm hạt kê cho chúng ăn. Mỗi khi đi làm về, trong lúc chờ cơm, người thường pha trà ngồi ở gian phòng gần kề hàng hiên có treo lồng yến và chờ nghe chim hót.
Hồi vào Trường Sơn, năm Mậu Thân (1968), tôi đến chỗ Bộ tư lệnh, có gặp một cán bộ ở binh trạm lên biếu Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên một lồng những năm con chim thanh yến, nghe đâu đám chiến sĩ thông tin bắt được hay bẫy được. Tư lệnh thích lắm, nhưng lại nghĩ, thứ chim hay, chim cảnh này nên giành cho những người ở tuyến sau, nên ông đã gửi tặng một vị tướng mà ông rất yêu quý.
Còn tôi, cứ vào non trưa, tôi lại thích được nghe tiếng chim cu gáy ở khu nhà chung cư bên cạnh cúc cù cu... cúc cù cu... mỗi khi thấy nắng bừng lên.
Ngô Văn Phú