"Thương nhớ thời bao cấp"- tinh thần lạc quan của người Việt

ANTD.VN -Tập hợp những câu cửa miệng, cùng thành ngữ, tục ngữ, những câu ca vần vè cho tới những cửa hiệu bán hàng, những khúc đồng dao... trong thời bao cấp, cuốn sách “Thương nhớ thời bao cấp” (NXB Hội Nhà văn) do hai họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa minh họa như một chuyến viễn du đưa độc giả trở lại một thời kỳ có một không hai trong xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 20.

Tem đường, phiếu vải, phiếu mua chất đốt... là những "chứng nhân" hùng hồn thời bao cấp

Đó là một xã hội mà tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống, với những đặc trưng không thể nào trộn lẫn. Dẫu hiển hiện trong những sáng tác dân gian ấy là một xã hội vô cùng khó khăn, với những nỗi lo lắng nhọc nhằn về những thứ nhu yếu phẩm không thể căn bản hơn của cuộc sống thường nhật: cái khăn mặt, túi cá khô, cái quần đùi hoa, cuốn sổ gạo, cục gạch xếp hàng... ta vẫn thấy vượt hẳn lên trên là cái nhìn quan sát sâu sắc, điềm tĩnh đến kinh ngạc, cùng thái độ phản biện hài hước và đôi khi còn vui tươi đến lạ kỳ.

"Thương nhớ thời bao cấp"- tinh thần lạc quan của người Việt ảnh 2

Bìa cuốn sách “Thương nhớ thời bao cấp” (NXB Hội Nhà văn) do họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa minh họa

Nhìn thời vất vả gian khó  theo cách đơn giản và vui vẻ              

“Thương nhớ thời bao cấp” dường như đã “quy về một mối” những câu cửa miệng cùng tục ngữ, thành ngữ, câu ca vần vè lồng vào tranh minh họa như "Đẹp trai thì mặc đẹp trai. Cơ quan không tiếp tóc dài quần loe". Hay, bức tranh phác họa khung cảnh thời bao cấp, đàn ông được phân phối vải, giày dép và đôi khi cả áo may ô. Từ đó, dân gian có câu than rằng: “Bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô”.

“Bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô” là một trong những câu nói quen thuộc thời bao cấp

Nhờ cuốn sách hóm hỉnh này, những độc giả cuối thế hệ 8X, 9X mới biết được tiêu chí để các cô gái xưa “say nắng” là “Làm trai cho đáng nên trai, có Pha-vơ-rít có đài giắt lưng”. Thật hóm hỉnh khi trong mắt cô gái xưa, chàng trai lý tưởng “đáng mặt” đàn ông phải có đài (radio) mang theo mình và "pha-vơ-rít" (Favorite - loại xe của Tiệp Khắc cũ), "Pha-vơ-rít" cũng được ví như đồ “hàng hiệu” của dân chơi thời bao cấp.

Bức tranh minh họa “thần tượng đi tây thời bao cấp” với câu "Đầu đội áp suất, chân đi bàn là. Trông xa cứ tưởng là ma, lại gần thì hóa đi Nga mới về" chỉ những người sang nước ngoài học tập và làm việc khi trở về đất nước. Rõ ràng lúc đi, họ chỉ mang vật dụng gọn nhẹ, đơn giản. Khi về, họ xách đủ vật dụng lỉnh kỉnh – hàng “hot” thời bao cấp như: bàn là, nồi áp suất…

"Thương nhớ thời bao cấp"- tinh thần lạc quan của người Việt ảnh 4

Đàn ông phải có đài (radio) mang theo mình và "pha-vơ-rít" (Favorite - loại xe của Tiệp Khắc cũ) dễ lọt vào "mặt xanh" của các cô gái

Với những minh họa sinh động của hai họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa, "Thương nhớ thời bao cấp" như một cuốn “từ điển bằng tranh” dành riêng cho những độc giả còn lạ lẫm với các khái niệm, đồ vật "thời bao cấp".

Chia sẻ với PV Báo An ninh Thủ đô, họa sĩ Thành Phong cho biết, họa sĩ Hữu Khoa sinh năm 1973 nên đã có những trải nghiệm về tuổi thơ thời bao cấp đi xếp hàng, có những gắn kết với các đồ vật thời ấy, còn anh sinh năm 1986 nên thời bao cấp đối với anh “vừa gần vừa xa”, gần bởi bố mẹ, người thân anh trải qua, họ vẫn gợi nhắc trong những kỷ niệm, xa bởi anh không có những trải nghiệm trực tiếp thời ấy. Do đó, khi vẽ cuốn sách, họa sĩ Thành Phong đã đọc rất nhiều các tư liệu để có thể đưa ra những hình ảnh kiến giải của mình về thời kỳ này.

Họa sĩ Thành Phong bật mí, để đưa độc giả về gần thời bao cấp hơn, anh và họa sĩ Hữu Khoa đã bàn bạc và thống nhất lựa chọn phong cách tranh cổ động, tranh minh họa sách ngày xưa xuyên suốt tác phẩm. Do đó, phần lớn tranh trong “Thương nhớ thời bao cấp” chỉ có hai màu trắng và đen, thêm màu vàng đất, chỉ khi cần “nhấn” vào một nội dung nào đó đặc biệt, họa sĩ Thành Phong mới chọn dùng thêm một màu nữa.

Đặc biệt, khác với tranh của họa sĩ Thành Phong đơn giản, nhiều mảng khối khiến độc giả dễ nhớ, tranh của họa sĩ Hữu Khoa chi tiết, tạo hình rõ, mọi thứ được cường điệu, rất sinh động.

"Mặt nghệt như mất sổ gạo" được cho là câu thành ngữ có lẽ nổi tiếng nhất thời bao cấp. "Sổ gạo" tên chính thức là "Sổ mua lương thực", là một quyển sổ được Nhà nước phát, có ghi chi tiêu lương thực mỗi hộ gia đình được mua một tháng. Mất sổ gạo đồng nghĩa với việc cả nhà sẽ đói, cho đến khi vượt qua các nhiêu khê hành chính nhiều ngày để được cấp lại sổ mới

Lát cắt của lịch sử

Được biết, “Thương nhớ thời bao cấp” được họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa thực hiện từ cuối năm 2011, mặc dù tư liệu về những câu thành ngữ, tục ngữ, những câu ca vần vè về thời bao cấp tương đối nhiều, nhưng các họa sĩ đều “toát mồ hôi” khi chọn lọc. Bởi có những câu khó truyền tải bằng tranh, có những câu mang tính chất công kích cá nhân thì phải loại bỏ, không đưa vào trong sách.

Họa sĩ Thành Phong kể, cùng diễn đạt một nội dung, nhưng mỗi địa phương lại có cách thức khác nhau, ví như có nơi nói “Phở không người lái” nhưng có nơi lại ghi “Mì không người lái”, thành ra anh phải lựa chọn câu nào có tính đại chúng, bình dân quen thuộc hơn cả.

"Thương nhớ thời bao cấp"- tinh thần lạc quan của người Việt ảnh 6

Đây là thành ngữ nói về thực tế đi nhờ xe trên đường cái rất phổ biến thời bao cấp. Các cô gái có "chiêu" dùng nón để vẫy rất hiệu nghiệm. Giơ nón ra vẫy là cái xe tức khắc phanh khựng lại

Nói về những tác phẩm xếp vào hàng “con cưng” của mình, họa sĩ Thành Phong có chút “thiên vị” dành cho “Thương nhớ thời bao cấp”, không phải quá trình nghiên cứu, vẽ cuốn sách này kỳ công mà theo anh cuốn sách có những giá trị nhất định về văn hóa, lịch sử. Anh không chỉ học được rất nhiều kiến thức thú vị khi làm sách mà cuốn sách còn như một sợi dây vô hình kết nối anh với gia đình, những người xung quanh.

“Trong quá trình làm sách, tôi đã nói chuyện nhiều hơn với bố mình. Bố kể tôi nghe những kỷ niệm, những câu nói tiêu biểu thời ấy” – họa sĩ Thành Phong chia sẻ. Đồng thời, khi hiểu hơn về quá khứ và lịch sử, dường như mỗi người sẽ lý giải được nhiều vấn đề, quan điểm trong đời sống hiện đại.

Đáng chú ý, nhờ tính tự trào lớn, sau khi gấp lại cuốn sách “Thương nhớ thời bao cấp”, đọng lại trong lòng độc giả đó là một tinh thần lạc quan của người Việt, chính tinh thần lạc quan này sẽ là “chất xúc tác” để mỗi người tích cực hướng tới tương lai.