Thực hư "Độ ta không độ nàng" được xúc tiền mua bản quyền trước khi "hot"? ​

ANTD.VN - Gần 1 tháng sau khi hàng loạt bản “cover” ca khúc “Độ ta không độ nàng” (lời Việt nhạc Hoa) gây “sốt” khắp mạng xã hội và khuynh đảo các bảng xếp hạng âm nhạc Việt Nam, một đơn vị trong nước tuyên bố giữ bản quyền ca khúc này, đồng thời đề nghị chủ nhân của các bản “cover” này đóng 5 triệu đồng tiền tác quyền và chia sẻ 33% doanh thu.

Tuy nhiên, đề nghị này vấp phải sự phản ứng từ nhiều nghệ sĩ. Thay vì đồng ý với phương án thu tác quyền mà Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam đưa ra, nhiều người chấp nhận gỡ video clip, MV, bản thu của mình khỏi các kênh mạng xã hội, trong đó có ca sĩ Phương Thanh. Lý do của sự phản ứng này là bởi nhiều người cho rằng, việc đơn vị trên tiến hành đàm phán để được tác giả Trung Quốc ủy quyền quản lý bản quyền âm nhạc ca khúc “Độ ta không độ nàng” diễn ra sau khi bài hát này được phổ biến và trở nên “hot” tại Việt Nam. Nói cách khác, do thấy ca khúc có hiệu ứng tốt, nhiều người “cover” và các bản “cover” đều có số lượng người xem đạt mốc “triệu view” nên đơn vị này mới xúc tiến việc mua tác quyền với phía tác giả người Hoa để sở hữu bản quyền sáng tác này, từ đó tiến hành thu tác quyền và chia doanh thu.

Bản quyền mà Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam sở hữu đối với “Độ ta không độ nàng” bao gồm bản quyền tác giả của tác phẩm và bản quyền đối với bản ghi âm gốc của một số ca sĩ người Hoa.

Ca sĩ Phương Thanh thẳng thắn bày tỏ quan điểm trước đề nghị thu tác quyền của phía đơn vị tuyên bố nắm bản quyền ca khúc "Độ ta không độ nàng" 

Khác với một số nghệ sĩ, cá nhân “cover” ca khúc “Độ ta không độ nàng” lẳng lặng chấp nhận việc bị gỡ bản thu trên Internet, ca sĩ Phương Thanh thẳng thắn chia sẻ quan điểm không đồng tình đối với đơn vị tuyên bố nắm bản quyền ca khúc này tại Việt Nam và phản ứng này của cô bị cho là không chuyên nghiệp trong vấn đề thực thi tác quyền.

Đáp lại, Phương Thanh nêu thắc mắc, bản “cover” được cô tung ra 17 ngày trước khi Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam tuyên bố nắm bản quyền ca khúc “Độ ta không độ nàng”. Phương Thanh cho rằng, nếu như đơn vị này có tác quyền trước và cô hát không xin phép thì mới gọi là vi phạm tác quyền. Giọng ca “Giã từ dĩ vãng” cũng nhìn thẳng vào vấn đề và phân tích, sau khi rộ lên thì độ “hot” của bài hát này đã giảm dần, cái gì “hot” nhiều cũng mau nhàm, thậm chí có nhiều người còn than thở chán vì nghe quá nhiều phiên bản “cover”.

Liên quan đến việc này, trả lời trên một trang tin điện tử, phía Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam giải thích, đơn vị này đã tiến hành bàn bạc với tác giả Cô Độc Thi Nhân (tác giả ca khúc được chuyển thể thành lời Việt “Độ ta không độ nàng” – PV) từ tháng 3-2019, tức là trước khi ca khúc này rộ lên thành trào lưu và gây “sốt” khắp thị trường nhạc Việt. Chia sẻ này của phía Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam đồng nghĩa với việc phủ nhận nghi ngờ của dư luận về việc do thấy ca khúc “hot”, có khả năng thu về lợi nhuận cao nên mới tìm mọi cách đàm phán và mua bản quyền từ tác giả người Hoa. Tuy nhiên, do không đưa ra căn cứ về việc đã tiến hành đàm phán với tác giả Cô Độc Thi Nhân từ tháng 3-2019 nên chia sẻ của phía Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam vẫn chưa đủ sức thuyết phục dư luận lẫn người trong cuộc.

Cũng theo giải thích từ phía đơn vị đang giữ bản quyền ca khúc gốc “Độ ta không độ nàng”, mặc dù được tác giả Cô Độc Thi Nhân đồng ý ủy quyền từ tháng 3-2019 toàn bộ vấn đề bản quyền đối với ca khúc này tại Việt Nam, song do trong quá trình xử lý vấn đề bản quyền, đơn vị này phải kiểm tra và tính toán kỹ càng nên đến đầu tháng 7 vừa qua mới chính thức gửi văn bản đến các ca sĩ và đơn vị để thông báo rõ ràng. Đặc biệt, phía này khẳng định, họ được quyền thay mặt chủ sở hữu ca khúc đưa ra quyền quyết định cấp phép hoặc không cho bên thứ 3 sử dụng ca khúc, cũng như yêu cầu các bên vi phạm thanh toán khoản phí bản quyền liên quan cho chủ sở hữu. Không chỉ vậy, đơn vị này sẽ thực hiện các hành động cần thiết, bao gồm cả biên pháp pháp lý để bảo vệ bản quyền ca khúc, tránh việc tác phẩm bị khai thác trái phép.

Về phần mình, ca sĩ Phương Thanh tiếp tục phản pháo phía đơn vị nắm bản quyền ca khúc “Độ ta không độ nàng”. Cô khẳng định, bản “cover” mà mình thể hiện và đăng tải trên kênh Youtube cá nhân đã bị tháo khỏi kênh này từ ngày 27-6 cho tới giờ. Trong khi thông báo về chuyện nắm giữ bản quyền ca khúc được phía Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam đưa ra vào đầu tháng 7 vừa qua. Vì vậy cô cảm thấy khó hiểu nếu như bị đơn vị này cho rằng mình vi phạm tác quyền. Nữ ca sĩ cũng đồng thời “tố” ngược lại phía công ty này đã và đang sử dụng nhiều link nhạc, bài hát và hình ảnh của cô mà không hề xin phép. Phương Thanh cho biết, nếu cần thiết cô sẽ nhờ luật sư can thiệp để làm rõ trắng đen việc này.

Bản "cover" của Hương Ly cũng đạt số lượng người xem triệu view kỷ lục

Nhìn lại, trong thông báo mà Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam phát đi rộng rãi đề nghị các nghệ sĩ, cá nhân thực thi việc đóng 5 triệu đồng tiền tác quyền cho 1 lần sao chép, sử dụng; đồng thời chia sẻ 33% doanh thu mà bản “cover” đem lại. Số tiền 5 triệu đồng thì đã rõ, nhưng con số 33% doanh thu lại không được đon vị này nói rõ sẽ tính từ thời điểm nào – thời điểm bản “cover” được tung ra hay thời điểm kể từ khi xuất hiện bản thông báo đề nghị thu tác quyền..

Có một thực tế dễ nhận ra, đó là sau gần 1 tháng thì các bản “cover” ca khúc “Độ ta không độ nàng” đã không còn “hot” như trước nữa, nếu không muốn nói là “nguội”. 1 tháng cũng là khoảng thời gian đủ để tính được số lượng người xem ổn định cho một bản thu âm hoặc ghi hình. Nói cách khác, số lượng người xem sẽ đạt mức cao nhất khi ca khúc đang “hot”. Con số này sẽ chững lại sau khi ca khúc đã bớt và hết “hot”.

Rất hiếm khi một ca khúc đã hết “hot” lại bất ngờ được tìm kiếm trở lại và lập kỷ lục “view” mới. Trong khi doanh thu từ một bản thu, bản ghi hình được chia sẻ trên các kênh mạng xã hội lại tỷ lệ thuận với số lượng người xem.

Nói vậy để thấy việc nhiều ca sĩ, cá nhân chấp nhận gỡ bản “cover” ca khúc “Độ ta không độ nàng” chứ không hợp tác về mặt tác quyền, chia sẻ doanh thu với đơn vị nắm bản quyền ca khúc này tại Việt Nam, cũng là điều dễ hiểu. Bởi nếu chia sẻ doanh thu có được trước thời điểm bị tính tác quyền, thì hẳn đó là con số “khủng” hơn rất nhiều so với doanh thu kể từ khi phía Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam đề nghị chia sẻ.

Theo tìm hiểu được biết, kênh Youtube thường tổng kết doanh thu từ một sản phẩm đăng tải trên kênh này vào ngày 15 hàng tháng và trả tiền cho chủ tài khoản đăng tải sản phẩm này sau đó vài ngày. Tức là với những bản “cover” ca khúc “Độ ta không độ nàng” được đăng tải từ cách đây cả tháng, thậm chí nhiều tháng đã có thể đem lại cho chủ tài khoản doanh thu không nhỏ. Vì thế, việc chọn gỡ bản thu chứ không chia sẻ 33% doanh thu cũng hoàn toàn dễ hiểu. Và nếu vậy, thì động thái thương lượng mua tác quyền từ tác giả ca khúc gốc và đề nghị thu tác quyền đối với các bản "cover" ca khúc "Độ ta không độ nàng" của đơn vị trên xem ra đã chậm chân và không mấy khả thi. 

"Độ ta không độ nàng" là lời Việt ca khúc nhạc Hoa được một người có tên Anh Duy "cover" đầu tiên và tung lên kênh mạng xã hội Youtube vào cuối tháng 4-2019. Bản thu này sau đó thu hút hàng triệu lượt xem và yêu thích. Tới đầu tháng 6-2019 thì rộ lên trào lưu "cover" ca khúc này. Hàng loạt người nổi tiếng như: Khánh Phương, Kasim Hoàng Vũ, Trấn Thành… cùng góp phần tạo nên trào lưu này.

Trong đó, MV của ca sĩ trẻ Thiên An đạt lượt xem lớn nhất với 46 triệu lượt view. Hiện video của cô cùng MV của ca sĩ Khánh Phương, Ưng Hoàng Phúc… vẫn còn trên mạng trong khi hầu hết các bản thu, bản ghi hình khác đều đã bị gỡ.