Thu tác quyền như... đòi nợ thuê!

ANTĐ - Những ì xèo về chuyện tác quyền âm nhạc thỉnh thoảng lại xảy ra, khi bên thu với bên đóng không thỏa thuận được với nhau. Sự việc chỉ được giải quyết sau nhiều phen “ngã giá” khiến dư luận không khỏi ngán ngẩm.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi sinh thời chưa bao giờ đề cập đến vấn đề tác quyền
các nhạc phẩm của mình…

286 triệu đồng cho 20 ca khúc

Nhiều năm nay, như đã thành thông lệ, năm nào cũng có vài đêm nhạc Trịnh được tổ chức khắp trong Nam ngoài Bắc, nhất là dịp cận kề ngày sinh hay ngày mất của ông. Và lần nào chuyện tác quyền cũng bị đem ra đôi co ồn ã. Trước đây, em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn  – bà Trịnh Vĩnh Trinh là một trong hai người em được gia đình của vị cố nhạc sĩ tài hoa ủy quyền thừa kế trực tiếp đứng ra thỏa thuận và thu tác quyền các sáng tác của anh trai mình với mức giá 300.000 đồng/bài/lần hát. Bà Trịnh Vĩnh Trinh cho biết gia đình cố nhạc sĩ chưa bao giờ đi đòi tác quyền, mà hầu hết do các nơi tự nguyện đóng. Cũng vì không quen nói chuyện tiền bạc nên khi đặt vấn đề tác quyền, gia đình bà đã gặp một số phản ứng, rốt cuộc đành phải ký ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để tránh những chuyện đau đầu và ồn ào không đáng có. Và mức giá tác quyền nhạc Trịnh được VCPMC đưa ra đến thời điểm này cao hơn con số 300.000 đồng kia rất nhiều, minh chứng gần đây nhất là 286 triệu đồng cho 20 ca khúc trong đêm nhạc của ca sỹ Khánh Ly tại Hà Nội, tức là khoảng 15 triệu đồng/bài. Cách tính được VCPMC đưa ra là 5% của 75% số ghế nhân với bình quân giá vé. 

Dĩ nhiên, mức giá tác quyền cao ngất ngưởng mà VCPMC đưa ra luôn vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía nhà tổ chức, dẫn đến việc nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC nhiều lần phải trực tiếp đi đòi tác quyền không khác gì… xiết nợ. Việc vị nhạc sĩ này dọa nhảy lên sân khấu làm ầm ĩ mọi chuyện, thậm chí sẵn sàng xô xát, co kéo ngay trong đêm nhạc Khánh Ly vừa rồi không phải lần đầu tiên. Cách đây vài năm, ông từng trực tiếp tới Nhà hát Lớn để can thiệp về đêm nhạc riêng của Tuấn Vũ khiến chương trình tưởng chừng phải dừng lại vì những cự cãi đôi co khá căng thẳng. Ông giám đốc thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng bước thẳng lên sân khấu, thông báo với khán giả về việc chương trình đã vi phạm nghiêm trọng các vấn đề về quyền tác giả ca khúc. Sự việc chỉ được giải quyết khi phía nhà tổ chức buộc phải chấp nhận đứng ra ký biên bản cam kết nộp đủ phí bản quyền cho VCPMC. Bản thân vị nhạc sĩ này thừa nhận ông làm vậy chả sung sướng gì nhưng vẫn phải làm vì không còn cách nào khác khi các đơn vị tổ chức không chịu hợp tác.

Ca sỹ Khánh Ly gặp rắc rối khi thể hiện các sáng tác của Trịnh Công Sơn chỉ vì chuyện tác quyền

Sẽ hết cảnh “xiết nợ”? 

Với cách tính giá tác quyền bị xem là cao chót vót của VCPMC, nhiều đơn vị tổ chức nghệ thuật than phiền họ khó có đủ khả năng để đứng ra tổ chức biểu diễn trong tình hình bán vé khó khăn như hiện nay. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng biểu giá thu tác quyền mà VCPMC đưa ra không hề tùy tiện mà dựa theo Nghị định 61/2002/NĐ-CP về chế độ nhuận bút và tham khảo các quy định của Bộ VH-TT&DL. Vị nhạc sĩ này cũng bức xúc về việc các ca sĩ ngôi sao vẫn nhận cát sê “khủng” trong khi nhiều nhạc sĩ không nhận được tiền tác quyền xứng đáng cho đứa con tinh thần của mình. Tuy nhiên NSND Trần Bình – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam lại cho rằng số ca sĩ ngôi sao mà Giám đốc VCPMC nói đến chỉ là con số rất nhỏ và cách tính của VCPMC là hết sức tùy tiện và cảm tính khi đơn vị này hoàn toàn có thể tự ý tăng phí tác quyền. Cũng theo NSND Trần Bình, cùng một địa điểm tổ chức, có chương trình VCPMC đòi thu vài triệu đồng/bài, có chương trình chỉ thu vài trăm nghìn đồng/bài, đơn vị tổ chức mà làm “căng” quá thì lại hạ giá tác quyền. Điều này khiến chính phía tổ chức lẫn người được bảo hộ tác quyền không biết đường nào mà lần. Có trường hợp như ca sĩ Chế Linh khi sáng tác lấy nghệ danh Tú Nhi không ủy quyền cho VCPMC nhưng đơn vị này vẫn thu tiền tác quyền các sáng tác của chính ông và gia đình ông chưa hề nhận được số tiền tác quyền này. 

Trước những vướng mắc trên, NSND Trần Bình cho biết ông đã làm hồ sơ xin thành lập một trung tâm khai thác tác quyền mới có quy mô rộng hơn, không chỉ khai thác bản quyền âm nhạc mà còn bản quyền sân khấu, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt… Trung tâm này sẽ có cách tính tác quyền minh bạch và hợp lý hơn, đơn cử như việc trung tâm này sẽ chi trả tiền tác quyền cho các nhạc sĩ theo tháng thay vì theo quý như cách VCPMC đang làm hiện nay. Số tiền mà trung tâm giữ lại từ tiền thu tác quyền nhiều nhất chỉ là 10%, thấp hơn số tiền mà VCPMC giữ lại hiện giờ. Đề án này hiện đang được NSND Trần Bình hoàn tất để trình lên các Bộ, ban ngành liên quan. Và nếu đi vào hoạt động, Trung tâm này sẽ không chỉ là nơi đấu tranh với nạn vi phạm quyền tác giả, mà còn là động lực để các đơn vị tổ chức tự nguyện thực hiện nghĩa vụ tác quyền thay vì chờ đến khi phải bị đòi như xiết nợ.