Thú sưu tầm độc đáo của nhà văn

ANTD.VN - Không chỉ say mê “sưu tầm” từ ngữ mới, ý tưởng lạ, tình tiết độc đáo để đưa vào tác phẩm của mình, các nhà văn còn có thú sưu tầm những đồ vật lạ, chứa đựng không ít câu chuyện kỳ thú. 

Thú sưu tầm độc đáo của nhà văn ảnh 1

Thú ngoạn thạch giản đơn 

Nếu có dịp ghé tư gia của nhà văn Nguyễn Hiệp, nhiều người không khỏi sửng sốt trước kho tàng đá tự nhiên đủ kích cỡ, thể loại bày la liệt từ trong nhà ra ngoài sân đến khu vườn nhỏ. Ông tâm sự: “Tôi sưu tầm đá cũng đã lâu, chỉ là chơi đá nguyên bản (suiseki), trọng cái thật, tính tự nhiên chứ không chơi theo kiểu ham hố sắc màu. Thú ngoạn thạch giản đơn đó đã mang lại cho tôi chút vị thiền để sống khỏe mạnh và được ít nhiều tinh tấn trong lúc viết”. 

Số lượng đá của nhà văn Nguyễn Hiệp lên đến hàng chục nghìn viên. Khối nào to nặng phải dùng đến cần cẩu để đặt vào vườn, viên nhỏ xinh chỉ vài lạng nằm gọn trong lòng bàn tay được bày trên giá hoặc để cạnh bàn trà. Ông thường sưu tầm các loại đá có ở ngay nơi chân núi, khe suối nơi mình đang sống chứ không cầu kỳ đủ đầy các loại kì thạch vùng miền, miễn sao đá đạt yêu cầu của bộ môn suiseki (độ cứng, đường nét, màu sắc...).

Trong đó quý nhất là những viên đá vừa có hình khối, hình ảnh thu nhỏ của những gì có thật trong tự nhiên, vừa chứa trong nó những triết lý sâu xa, tinh tế. Chẳng hạn một viên đá được nhà văn đặt tên là “đảo” do có vân thạch lượn sóng phía dưới, có đời sống con người phía trên, gợi nên hình ảnh nơi đầu sóng ngọn gió, vừa huyền bí vừa thâm trầm. Viên đá này đã được nhà văn Nguyễn Hiệp đưa vào truyện ngắn “Linh thạch”.

Mỗi khi tìm được một viên đá vừa ý, nhà văn lại cất công cọ rửa, mài giũa sao cho hiển lộ được hết những vẻ đẹp kỳ lạ nhất trong lòng thiên nhiên. Mê đá đến độ dần dần bạn bè văn chương đặt cho ông là “Hiệp ngáo” thay cho biệt danh “ông cỏ Giêng” (xuất phát từ truyện ngắn “Bông cỏ Giêng” nổi tiếng của Nguyễn Hiệp).

Mê ấm còn hơn... mê gái

Thú sưu tầm độc đáo của nhà văn ảnh 2

Một lần đến nhà người bạn mê chum, thấy khắp khu vườn toàn một màu nâu sẫm của chum sành, nhà thơ Vương Tâm cũng bị cuốn hút bởi những hình dáng vừa uyển chuyển vừa mộc mạc của thứ đồ vật thân thuộc từ nghìn đời nay với người dân Việt. Ra về, ông vơ vẩn nghĩ cũng phải sưu tầm một thứ gì đó. Suy đi tính lại, thấy căn nhà nhỏ không thể đủ không gian cho những thứ to lớn cồng kềnh, cuối cùng ông đã chọn những chiếc ấm, cũng là để phù hợp với sở thích uống trà của mình. 

Cứ tưởng chỉ đi kiếm những chiếc có kiểu dáng lạ, màu sắc đẹp, chất liệu quý về bày cho đẹp, nhưng không ngờ càng đi sâu vào con đường tìm ấm, nhà thơ lại càng khám phá được nhiều câu chuyện đằng sau đó.

Nhờ những cuộc đi tìm ấm mà nhà thơ gặp được nhiều cảnh đời, nhiều phận người để làm nguồn cảm hứng, tư liệu thực tế cho những tác phẩm ở các thể loại: thơ, truyện ngắn, phóng sự, bút ký... ra đời. Tuy nhiên, vì quá say mê và dành nhiều công sức cho ấm, nhà thơ cũng bị nhiều người đẹp trách móc, giận dỗi vì không ít phen phải gác lại những cuộc hẹn hò...

Nhà thơ kể, ông đã đi gần hết các lò gốm từ Bắc vào Nam, lên vùng biên giới, đến cả các vùng của người dân tộc thiểu số để “săn” ấm. Có những chiếc ấm nhỏ xíu như quả mơ được nặn bằng tay, lại có chiếc to như thùng gánh nước đặt nghễu nghện ở góc nhà.

Có những chiếc ấm dù khá hiếm nhưng được người chủ tặng lại luôn vì cảm động trước sự kỳ công của nhà thơ, cũng có những chiếc thoạt nhìn rất đơn giản nhưng trị giá đến gần chục triệu đồng...

Yêu trâu bởi nỗi nhớ đồng

Thú sưu tầm độc đáo của nhà văn ảnh 3

Đến thăm ngôi nhà ven sông Bùi (thuộc xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) của nhà thơ Phạm Đức đúng những ngày nước dâng ngập gần hết chân đê, bạn bè lo lắng hỏi nếu nước lên to hơn, tràn cả vào nhà thì đồ đạc phải làm sao? Nhà thơ hóm hỉnh đáp: “Mình vừa cơi nới thêm một cái chòi 9 mét vuông lên phía trên để sơ tán những đồ quý giá lên đó”.

Tò mò hỏi ông, đồ quý giá của một nhà thơ gồm những gì? Ông cười: “Ngoài sách ra thì toàn là trâu thôi”. Hóa ra đó là những bức tượng trâu được chế tác bằng nhiều chất liệu: gốm, sứ, than, đá, đồng, sừng, thủy tinh, thiếc, vải, tre… với đủ các tư thế trâu lao động, trâu nghỉ ngơi, trâu đấu chọi… Mặc dù, đến nay số lượng tượng trâu đã lên đến vài trăm nhưng ông vẫn nhớ “hoàn cảnh xuất thân” của từng chú trâu.

Nhà thơ Phạm Đức chia sẻ: “Nhìn vào những chú trâu là nhìn thấy ngay cảnh sinh hoạt của người nông dân. Ví như cảnh chú bé thổi sáo trên lưng trâu, đám trẻ nô đùa bên đàn trâu, trâu mẹ vờn nghé con, con trâu kéo cả khối vàng lớn… nó cho thấy sự bình yên, no đủ của xã hội”.

Nhưng có lẽ nỗi niềm sâu xa của nhà thơ là nỗi nhớ đồng quê, nhớ những ngày thơ ấu hồn nhiên ở vùng quê Hải Dương nên ông muốn gặp lại những kí ức đẹp đẽ đó qua hình tượng những chú trâu thân thương trong bộ sưu tập của mình.