Thong dong, lịch lãm để "bù" những khi khổ ải với vai chèo

ANTD.VN - Xem Cao Ngọc Sơn diễn trên sân khấu chèo toàn là vai vất vả, khổ sở. Chẳng hình dung được, ngoài đời anh lại có phong độ của một công tử. 

Cao Ngọc Sơn sinh ra tại đất Chèo Thanh Liêm, Hà Nam, cùng quê với NSND Ngọc Viễn - một tên tuổi sáng giá của làng Chèo quân đội. Sơn bảo, việc mình gắn bó với sân khấu chèo là cái duyên và cả quãng đời theo đuổi nó là cái nghiệp với bao vất vả, khó khăn.

Thong dong, lịch lãm để "bù" những khi khổ ải với vai chèo ảnh 1Cao Ngọc Sơn (phải) vai Tiến trong vở “Ánh sao đầu núi”, HCV Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2016

Phấn đấu được là kép chính 

Ngọc Sơn thích chăm chút cho vẻ ngoài, sao cho trông thật lịch lãm, thế nên ít ai biết anh có cuộc sống cơ cực từ lúc chưa chào đời. Anh ra đời đã không được nhìn mặt bố, một mình mẹ nuôi 5 anh em ăn học trong khó khăn nên từ năm học cấp II, Sơn đã phải lên tận Sơn La làm thuê.

Trong một lần về thăm quê, Sơn sang nhà ông chú chơi. Ông chú khi ấy đang nghe đài, thấy thông báo Đoàn Chèo Hà Nam vừa thành lập và đang tuyển diễn viên. Biết cháu có giọng hát hay, lại tích cực trong các hoạt động văn nghệ, ông động viên Sơn thử sức. Năm đấy, nhiều người thi tuyển mà Đoàn Chèo Hà Nam chỉ lấy 30 học sinh để đào tạo tại chỗ theo kiểu vừa học vừa làm.

Trong lúc thi tuyển, Sơn diễn trợ giúp chị cùng quê một tiểu phẩm hài. Kết quả là chị ấy trúng tuyển, Sơn lại không. Sau khi nhập học, Phó giám đốc Sở Văn hóa đồng ý Sơn được học dự thính. Sau 4 tháng học tập, Ngọc Sơn được giao diễn trích đoạn “Cu Sứt huyện tể” do NSND Mạnh Tuấn truyền dạy. Anh được phân công vào kíp 4. Sau một tuần thực hành, nhờ tiếp thu nhanh, Sơn được thầy Tuấn đưa lên kíp 1.

Mấy tháng sau, có cuộc thi tài năng trẻ diễn viên tuồng, chèo toàn quốc. Lúc này, Sơn hát chưa giỏi, diễn còn non song mọi người vẫn chọn anh đi đua tài với trích đoạn nổi tiếng đó. Lần đầu, thành công ngoài mong đợi, mọi người chúc mừng anh tới tấp, hỏi sao cậu bé 16 tuổi, nặng hơn 30kg lại có thể cầm cái quạt to, hát hay, múa dẻo đến thế. Năm đó, trong số rất nhiều diễn viên chọn tiết mục “Cu sứt huyện tể” chỉ có Sơn được giải. 

Sau lần ấy, Cao Ngọc Sơn toàn được giao các vai hề. Chán hề, anh muốn thử dạng vai tính cách xem thế nào. Và anh được giao vai thái giám, một nhân vật vô cùng độc ác trong vở “Dòng suối cội nguồn”. Vì dạng vai mới, nên anh cố gắng hết sức, tất nhiên thành công lại mỉm cười với anh. Anh lại thử dạng vai khác là vai lão.

Năm 2003, Sơn tham dự Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc với vai người chồng trong trích đoạn “Vợ chồng thuyền chài”. Lúc này, anh đã hơn 20 tuổi, nhưng đóng vai ông lão 80 yêu cô gái đôi mươi khiến nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên. Rồi anh tiếp tục thử sức ở vai chính - dạng vai đòi hỏi diễn nội tâm, thể hình đẹp, vũ đạo đẹp. Vai Cao Lang trong vở “Trầu cau” hội tụ đầy đủ những yếu tố đó.

Khi vai diễn hoàn thành, không còn thấy ở Sơn dấu vết một anh hề, tính cách hay lão nữa mà là một nhân vật với số phận, nỗi niềm rất riêng. Từ đó, anh chuyên sâu dạng vai này, trở thành kép chính.

Bước ngoặt cuộc đời 

10 năm công tác ở Đoàn Chèo Hà Nam, Ngọc Sơn gặt hái được khá nhiều thành tích trong các cuộc thi, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh. Sau đó, Sơn xin chuyển về Nhà hát Chèo Quân đội. Vai đầu tiên, cũng là thử thách lớn với anh là Quan tri châu trong vở “Nhiếp chính Ỷ Lan”, tác phẩm nằm trong bộ ba “Bài ca giữ nước”.  Trước đó, đã có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nhờ vai diễn này. Rất may, nhờ sự nỗ lực, anh đã vượt qua bản thân, khẳng định mình cũng không thua kém các đồng nghiệp.

Là nghệ sĩ quân đội, phải gắn đời mình với những chuyến lưu diễn xa bởi trách nhiệm phục vụ chính trị. Đó là những ngày tháng gian nan nhưng đầy kỷ niệm. Trong một lần nhà hát diễn vở “Điều đọng lại sau chiến tranh” phục vụ lễ hội quân sự ở Bắc Ninh, có một kỷ niệm anh không quên được. Vở này, anh đóng vai chính. Mới được vài cảnh thì phải chạy ra ngoài lấy đồ, vô tình vấp phải mấy sợi dây chăng ở sân khấu, anh ngã, gãy ngón tay, đau tưởng không diễn được nhưng vẫn cố để khỏi vỡ chương trình.

Đến cảnh Đạt gặp lại người yêu sau nhiều năm xa cách, bạn diễn không biết anh bị ngã, nên khi hai nhân vật tay nắm tay, chị đã bóp mạnh, khiến anh bất ngờ kêu “á”. Khán giả ngạc nhiên bảo, chú ấy bị gãy tay hay sao. Còn anh, vừa đau vừa buồn cười nhưng không dám phản ứng, vì đó là đoạn diễn xúc động nhất vở. Diễn xong, anh bắt vội xe về Hà Nội chụp chiếu, băng bó ngón tay. Vất vả, khó khăn, song anh thích những chuyến lưu diễn phục vụ người lính ở mọi vùng miền Tổ quốc.