Thôi đừng vỗ ngực tự hào phim của tôi nghệ thuật lắm!

ANTD.VN - Cách đây cũng đã nhiều năm, trong một lần phỏng vấn Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Tuân, tôi có hỏi ông một câu đại ý, thời khắc ông lái MiG 21 bắn rơi B52 ông nghĩ gì? 

Đêm hội Long Trì là một bộ phim dã sử của đạo diễn Hải Ninh, công chiếu năm 1989 do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Đây là một thành công của điện ảnh thời kỳ đổi mới quy tụ dàn diễn viên xuất sắc nhất thập niên cuối thế kỷ XX

Ông bảo với tôi rằng, cuộc chiến khi đó không có chỗ cho sự mơ mộng. Khi đối mặt giữa sự sống và cái chết con người ta không kịp suy nghĩ hay toan tính gì đâu. Khi bay ở trên bầu trời chỉ nghĩ đến duy nhất một điều - đó là phải nhằm và bắn trúng mục tiêu cho bằng được.

Bay ở trên bầu trời mà trong đầu còn vẩn vơ chuyện nọ điều kia thì địch bắn hạ mình từ lâu rồi. Ông còn bảo: “Hữu xạ tự nhiên hương”, cái tự hào là mọi người yêu quý mình chứ không thể tự ra đường vỗ ngực, tôi tốt lắm, oanh liệt lắm, rồi bắt mọi người yêu quý mình được.

Mấy hôm nay, chuyện lùm xùm cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam cứ làm tôi vẩn vơ nghĩ đến cuộc phỏng vấn giữa tôi và Trung tướng Phạm Tuân năm nào. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng đúng là quãng 15 năm trở lại đây, không ít nhà làm phim Việt Nam đã tự ru ngủ chính mình rằng: “Phim của tôi hay lắm, phim của tôi nghệ thuật lắm và ai xem không thấy hay là người đó không biết cảm thụ nghệ thuật”. Có một thời bản thân chúng ta cũng quen miệng gọi “dòng phim nghệ thuật” như một cách thể hiện đẳng cấp, để phân biệt với “dòng phim mỳ ăn liền” - phim tư nhân bỏ tiền túi sản xuất.

Chiều 20-9, trong một cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), đạo diễn Vương Đức khẳng định rằng: Cổ phần hóa ổn định, Hãng phim truyện Việt Nam vẫn sẽ sản xuất phim. Ông cũng không quên nhắc nhớ lịch sử, rằng năm 2019 tới, Hãng phim truyện Việt Nam sẽ kỷ niệm 60 năm thành lập, 60 năm bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam “Chung một dòng sông” ra đời.

60 năm là một khoảng thời gian không dài so với lịch sử đất nước, nhưng nó là khoảng thời gian đủ để một Hãng phim khẳng định tên tuổi, ghi danh những tài năng, đưa đến cho công chúng những bộ phim mà nếu dùng 2 từ “kinh điển” để diễn tả thì đúng trên mọi nhẽ. 

Khán giả bây giờ, vẫn rưng rưng nước mắt khi xem lại “Chung một dòng sông”; “Chim vành khuyên”; “Vợ chồng A Phủ”; “Chị Tư Hậu”; “Đến hẹn lại lên”; Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”; “Biệt động Sài Gòn”… Và khán giả bây giờ, đại đa số không thể nhớ nổi, bộ phim mà mình từng xem của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất trong 10 năm trở lại đây là phim gì. Có chăng chỉ đâu đó đọc trên báo, rằng có phim này phim kia, đầu tư đến vài chục tỷ đồng, ra rạp bán không nổi chục vé. 

Quá khứ vẻ vang là thế! Xin được cảm ơn những lớp nghệ sĩ đi trước đã dày công làm nên một Hãng phim với bề dày truyền thống, những bộ phim để đời. Còn thực tại thì sao? 20 năm nay, Hãng phim truyện Việt Nam riêng tiền thuê đất đã nợ tới 21 tỷ đồng. Cơ sở, nhà xưởng xập xệ, ẩm thấp dột nát, thiếu sự tu bổ kịp thời… Nguồn sống chủ yếu của cán bộ Hãng phim trông vào tiền Nhà nước đặt hàng làm phim. Rồi cứ bóc ngắn cắn dài như thế qua ngày…

Chuyện cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam suốt từ đầu tháng đến giờ ầm ĩ. “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, xem ra ai cũng có cái đúng của mình. Một bên là lịch sử - thương hiệu - truyền thống, những người dành cả đời phấn đấu, hy sinh vì nghệ thuật cho hãng phim, một bên doanh nghiệp chuyên về vận tải thủy vốn chẳng liên quan gì đến phim ảnh, bỗng trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Hai bên căng thẳng khiến Bộ VH-TT&DL - đơn vị chủ quản hồi chưa cổ phần của Hãng phim phải lao vào làm “trọng tài” với hy vọng hạ nhiệt rồi từ từ hai bên đoàn kết mà tiếp tục gây dựng nền điện ảnh nước nhà.

Nói theo lời Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, 20 năm nay Hãng phim chỉ có nợ và lỗ, cổ phần hóa là tất yếu. Ai cũng phải thừa nhận, tiến trình cổ phần hóa là đúng, ngân sách Nhà nước không thể mãi là bầu sữa để những đứa con mãi không chịu lớn hàng ngày bú mớm. Nhưng cổ phần hóa thế nào? Tại sao một doanh nghiệp về vận tải thủy được “chọn mặt gửi vàng”?

Tại sao Hãng phim truyện Việt Nam nợ nần chồng chất, làm ăn bết bát suốt ngần ấy năm, mỗi bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng làm ra ế ẩm, khán giả quay lưng… mà Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL không có động thái gì để xốc lại chuyên môn cũng như cung cách quản lý kinh tế của những người đứng đầu Hãng phim truyện Việt Nam?... Đó là những câu hỏi mà Bộ VH-TT&DL cần trả lời dư luận. 

Phàm là nghệ thuật thì không nên phân định cao sang hay “hàng chợ”. Nghệ thuật chỉ có giá trị khi tiếp cận được đông đảo công chúng khán giả, chạm tới trái tim và cảm xúc của người xem. Còn nghệ thuật cao sang đến mức “đố xem mà hiểu”, phim làm ra rồi mau chóng cất kho thì các đạo diễn tài danh thôi đừng vỗ ngực: “Phim của tôi nghệ thuật lắm!”. 

Thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra trong buổi làm việc chiều 21-9 tại Văn phòng Chính phủ. Buổi làm việc có sự tham dự của Bộ VH-TT&DL, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Điện ảnh Việt Nam, Tổng Công ty Vận tải thủy, đại diện Hãng phim truyện Việt Nam.

Theo những thông tin từ Hội Điện ảnh Việt Nam, điều khiến nghệ sĩ bức xúc trong thời gian vừa qua là từ khi cổ phần hóa hãng phim, các nghệ sĩ nhiều phòng ban bị sáp nhập lại để lấy mặt bằng. Tính minh bạch trong cổ phần hóa, thương hiệu của Hãng bị định giá 0 đồng.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vận tải thủy (chủ sở hữu của Hãng phim truyện Việt Nam) vẫn khẳng định việc sửa sang lại nhà xưởng tại số 4 Thụy Khuê là để phục vụ sản xuất phim, hoàn toàn không có chuyện cho thuê mặt bằng và vì là doanh nghiệp nên ông sẽ làm đúng như Luật Lao động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận rằng, để giải tỏa những bức xúc dư luận trong thời gian qua thì phải minh bạch. Phó Thủ tướng yêu cầu cho thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa. Trước đó, sáng 20-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) để thị sát.

Chuyến thăm của Phó Thủ tướng khiến giới nghệ sĩ và cán bộ đang công tác tại Hãng hoàn toàn bất ngờ. Tại đây, Phó Thủ tướng đã trực tiếp hỏi các nghệ sĩ có mặt về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.