Thổi bùng những giá trị thời chiến

(ANTĐ) - Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng đề tài văn học chiến tranh cách mạng chưa bao giờ vắng bóng và vẫn luôn là đề tài trung tâm của văn học Việt Nam hiện đại. Sau 35 năm, cái nhìn về chiến tranh và người lính trong các trang viết của các nhà văn đã mang tính nhiều chiều và sâu sắc hơn, không chỉ là sự vĩ đại của chiến thắng mà còn nói lên được cả cái khốc liệt, đau thương, những mất mát, hy sinh của những người trong cuộc.

Thổi bùng những giá trị thời chiến

(ANTĐ) - Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng đề tài văn học chiến tranh cách mạng chưa bao giờ vắng bóng và vẫn luôn là đề tài trung tâm của văn học Việt Nam hiện đại. Sau 35 năm, cái nhìn về chiến tranh và người lính trong các trang viết của các nhà văn đã mang tính nhiều chiều và sâu sắc hơn, không chỉ là sự vĩ đại của chiến thắng mà còn nói lên được cả cái khốc liệt, đau thương, những mất mát, hy sinh của những người trong cuộc.

Từ năm 1984, Bộ Quốc phòng đã tổ chức xét và trao thưởng cho các tác phẩm văn học về đề tài LLVT, CTCM. Từ đó đến nay, cứ 5 năm một lần việc xét thưởng lại được tiến hành và hàng trăm tác phẩm văn học xuất sắc về đề tài LLVT, CTCM lại được tôn vinh. Năm 2008, cuộc phát động về đề tài chiến dịch Mậu Thân năm 1968 thì hàng loạt tác phẩm ra đời như: Mùa hè giá buốt của Văn Lê, Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương…

Đại tá Bùi Giang Long, Trưởng phòng Biên tập Văn nghệ, NXB Quân đội nhân dân cho biết: Mỗi năm trung bình, phòng Biên tập Văn nghệ phát hành 70 cuốn sách về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang bao gồm các thể loại: ký, tiểu thuyết, truyện ngắn, trường ca, thơ…

Năm 2008, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam có 3 tác phẩm văn xuôi, trong đó có 2 tiểu thuyết thì đáng lưu ý là cả 2 tiểu thuyết đoạt giải đều lấy đề tài chiến tranh cách mạng. Đó là “Tiếng khóc của nàng Út” của nhà văn Nguyễn Chí Trung viết về giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó là “Sóng chìm” của nhà văn Đình Kính lấy bối cảnh giai đoạn ác liệt nhất với câu chuyện liên quan đến công tác tình báo.

Trước đó, năm 2007, tiểu thuyết “Rừng thiêng nước trong” của nhà văn Trần Văn Tuấn cũng viết về cuộc chiến ác liệt năm 1969-1970 ở vùng miền Đông Nam bộ đã nhận được giải thưởng văn chương ASEAN. Sự kiện những quyển nhật ký chiến trường như Đặng Thùy Trâm, “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc… đã tạo nên cơn sốt thu hút hàng triệu độc giả cho thấy văn học về chiến tranh cách mạng vẫn là một đề tài gây sự chú ý lớn.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét: Văn học về đề tài chiến tranh cách mạng sẽ mãi là nguồn cảm hứng lớn và thôi thúc các nhà văn sáng tác. Bởi chúng ta đã có một cuộc chiến tranh kéo dài, khốc liệt và vĩ đại, mà văn học là phản ánh hiện thực cuộc sống. Đây cũng là đề tài được Đảng, Nhà nước quan tâm, được các nhà văn đổ nhiều tâm huyết với mong muốn phản ánh được chân thực nhất sự vĩ đại của chiến thắng và những đau thương, khốc liệt của chiến tranh.

Tất cả đều cố gắng tạo nên sự mới lạ và độc đáo trong nội dung, tư tưởng. Lực lượng sáng tác vẫn chủ yếu là người lính, các nhà văn đã đi qua chiến tranh như Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi, bên cạnh đó có thêm những người trẻ chưa trải qua chiến tranh như Trần Đình Tú, Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy… Do có độ lùi về thời gian nên các trang viết về đề tài người lính trong những năm gần đây đã có cách nhìn nhận về cuộc chiến sâu hơn, nhân văn hơn và cũng kỹ hơn. Đó là một hiện thực cuộc sống còn ngổn ngang, quá khứ và hiện tại đan xen, giữa tốt và xấu, tích cực và tiêu cực…

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà có ý kiến cho rằng dòng văn học chiến tranh cách mạng đang bình lặng. Sự kiện các cuốn hồi ký chiến trường được cho là trường hợp đặc biệt phản ánh nhu cầu nhìn nhận hiện thực bi tráng của cuộc chiến tranh hơn là đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của dòng văn học chiến tranh cách mạng. Tại các cuộc hội thảo của Hội Nhà văn cũng chỉ ra thực tế này. Thời gian qua đi, thế hệ những người trực tiếp cầm súng sẽ dần không còn nữa trong khi thế hệ mới lại thiếu vốn sống về chiến tranh.

Bên cạnh đó, mỗi thời có một nhu cầu riêng và văn học cũng có những đề tài nổi lên hàng đầu. Vì vậy, cũng là thách thức với nhà văn trong việc viết như thế nào để vừa thể hiện được hiện thực cuộc sống ngày hôm nay vừa nói lên được những vĩ đại, mất mát của ngày hôm qua. Sở dĩ những cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc thu hút bạn đọc vì nó đã nói được sự thật của chiến tranh. Như vậy có lẽ điều bạn đọc mong muốn nhất ở những trang viết về đề tài chiến tranh cách mạng là sự thật, một sự thật không tô hồng, không né tránh.

Huyền Khánh