Không gian graffiti đường phố:

Thô nhám, xám xịt chưa chắc đã là xấu

ANTD.VN - Những ngày qua việc vẽ tranh trên nắp cống, trên cột điện ở TP.HCM gây nhiều tranh cãi. Người thì cho rằng những bức tranh như vậy là phù hợp, có giá trị tuyên truyền bảo vệ môi trường. Hơn thế, với những góc phố có những chiếc nắp cống, những cây cột điện thô nhám, xám xịt, thì việc phủ tranh vào sẽ tạo nên sức sống mới. Còn quan điểm khác thì lại cho rằng, việc vẽ ngô nghê, như tranh của trẻ mầm non với màu sắc rực rỡ như vậy ở ngoài phố là không nên. 

Nghệ thuật Graffiti (Ảnh Vũ Khang)

Từ tự phát đến có tổ chức

Nguyễn Hoài Linh (Link-fish), cựu sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội là người đi tiên phong về mỹ thuật đường phố graffiti ở Việt Nam. Linh đam mê vẽ từ nhỏ và thời sinh viên, cậu luôn muốn khám phá những cách thể hiện mới. Một lần nghe nhạc quốc tế, cậu thấy thấp thoáng trong clip xuất hiện những bức vẽ “loằng ngoằng” trên tường và khát khao vẽ được như thế.

Sau này tìm hiểu, cậu biết đó là nghệ thuật vẽ graffiti và đã tổ chức các bạn thành nhóm vẽ, dần dần lan rộng trong giới trẻ. Ban đầu, những graffiter (người vẽ graffiti) chỉ có thể vẽ lén lút, vụng trộm trên những mảng tường công cộng, những nhà xưởng bỏ hoang, những công trình xây dựng đang thi công dang dở…, sau đó dần dà họ mới có được một vài sân chơi chính thức.

Bản thân Linh đã lập nên Street Jockey - nhóm đã tạo nên “cơn sốt” graffiti ở Hà Nội từ năm 2005 và tạo nên một trào lưu mới, thu hút nhiều người trẻ tham gia. Nhiều nhóm vẽ gồm những người cùng chung đam mê được thành lập, hoạt động khá sôi nổi như  B Crew, Kid ò Night, Devil Day, Toy.inc, Than, Ga O, Click 9... “Sức nóng” lan tỏa đến mức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã tổ chức một ngày hội dành cho graffiti vào ngày 31-12-2005.

Cũng bởi nhiều nhóm tự phát, hoạt động theo phong trào, trình độ lỗ mỗ và vẽ không khoa học nên bị người đời nhìn nhận là những kẻ bôi bẩn đường phố, thậm chí bị liệt vào dạng “nghệ thuật phá phách”.

Nhiều con phố trở nên không đẹp vì bị vẽ bậy

Không ít nhóm mới thành lập, vì thích “bụi bặm” nên đã “gây hấn”  bằng cách vẽ trộm và cũng nhiều nhóm từng bị “tóm” vì tội vẽ bẩn. Tuy nhiên, theo một số graffiter (người vẽ) có kinh nghiệm, bản chất ban đầu của môn graffiti là vẽ trộm và phải như vậy mới tạo sự hào hứng, thú vị. Ngay từ khi xuất hiện ở Việt Nam, môn nghệ thuật này dù đầy năng động, sáng tạo nhưng vẫn rất khó khăn khi đến với công chúng. 

Mỹ thuật nơi công cộng không phải chỉ riêng chuyện đẹp hay xấu mà phải đúng nơi, đúng chỗ. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh phát biểu: “Nếu tổ chức vẽ nghiêm ngắn ở những đoạn phố được quy hoạch, những làng biển, làng quê và được tham khảo ý kiến từ chuyên gia văn hóa thì được. Đằng này lại là do các sinh viên tự phát, rằng cũng lấy lý do làm đẹp đường phố, bảo vệ môi trường rồi phủ màu ngô nghê lên một cách thô vụng. Nếu vẽ thiếu chuyên nghiệp thì chỉ làm bẩn đường phố”.

Nhìn rộng hơn là môn mỹ thuật đường phố graffiti vẫn được gọi là “nguệch họa” du nhập vào Việt Nam cùng với trào lưu chơi nhạc Hip-hop, Rap và ngày càng hiện hữu trong cuộc sống… Giới trẻ Hà Nội đã vượt qua nhiều thử thách, chứng minh graffiti là một loại hình nghệ thuật đường phố thể hiện cá tính sáng tạo tuổi trẻ.

Ranh giới mong manh

Graffiti cho phép mỗi người chơi một không gian mặc sức sáng tạo, phóng khoáng, tự do, kết nối bè bạn. Nhiều nhóm đã đi vẽ cho nhiều cửa hàng thời trang, quán cà phê, triển lãm. Người trong giới cũng tự tổ chức các cuộc thi, trao giải đàng hoàng, kích thích khả năng sáng tạo của cá nhân và tạo điều kiện cho những ai muốn tách ra khỏi nhóm, đi tìm đường đi riêng có cơ hội…

Ngày nay, nhiều công ty quảng cáo, truyền thông cần sự có mặt của graffiti. Những trung tâm nghệ thuật mới tại Việt Nam cũng luôn tạo cơ hội và không gian cho các tác phẩm graffiti hoặc những buổi thảo luận, trình diễn liên quan đến graffiti.

Dẫu vậy vẫn chưa thể xóa hết những định kiến của công chúng đối với môn nghệ thuật này, và thật sự nó vẫn chưa khẳng định được chỗ đứng vững chắc trong đời sống đương đại. Nhiều bạn trẻ hiện có tâm huyết với graffiti mong mỏi công chúng rộng lượng hơn và mở rộng vòng tay để đón chào nó, đồng thời cũng lên tiếng giới tín đồ graffiti nên chơi một cách lành mạnh, khoa học hơn.

Thực tế cho thấy, bất kỳ môn nghệ thuật mới nào được du nhập từ phương Tây ban đầu cũng nhận được những ý kiến trái chiều và phải sau rất nhiều thời gian thử thách, trả giá nó mới có khả năng “sống”. Với những người “giữ lửa” graffiti hiện vẫn đang tích cực hoạt động, đưa nghệ thuật này đi sâu hơn vào công chúng, ngoài đam mê, lòng dũng cảm, các bạn cần phải chứng minh nó đẹp ở đâu và đẹp như thế nào.

Đó chắc chắn là phải khẳng định được giá trị, tiếng nói của nghệ thuật bằng bàn tay và khối óc của chính các bạn trẻ. Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng nhóm B Crew lạc quan nói: “Chúng tôi muốn người ta nhìn nhận graffiti không chỉ là văn hóa đường phố, mà còn mang hồn cốt của người dân ta. Để làm được điều đó thì graffiti phải thể hiện được đẳng cấp, tính năng vượt trội và hơn hết đó là một phong cách riêng biệt. Trong tương lai sẽ có rất nhiều nhóm mới được hình thành ở Việt Nam, những vật liệu cho graffiti ngày càng phổ biến hơn vì việc đặt hàng mua từ nước ngoài không còn là việc khó. Công chúng tại Việt Nam sẽ có thời gian để tiếp nhận, yêu thích bộ môn nghệ thuật này”.

Hiện, “sân khấu” của họ hầu như đều là những nơi ít người như chung cư cũ, các công trình bỏ hoang, tường bao công cộng, phổ biến hơn là tại các tấm tôn quây khu vực công trường và đôi khi là cả cửa tôn kéo của các cửa hàng khi đêm xuống... Nhưng những địa điểm như thế không phải lúc nào cũng có để đáp ứng nhu cầu muốn vẽ và được vẽ của rất đông các bạn trẻ yêu thích graffiti.

Mặc dù ngày càng có nhiều câu lạc bộ, hội nhóm, cuộc thi được tạo ra nhằm tạo điều kiện cho các bạn có sân thể hiện tài năng và cọ xát, song đó cũng chỉ là những sân chơi thỉnh thoảng mới được tổ chức một lần. Vậy nên bình thường có thể luyện tập, thể hiện ở đâu mà không gây mất vẻ mỹ quan, đó mới thật sự là vấn đề!

Trở lại với chuyện vẽ trang trí nắp cống, cột điện ở TP.HCM, việc làm của các thanh niên tình nguyện là đáng khích lệ. Nhất là việc tuyên truyền bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, hướng tới xây dựng thành phố văn minh, lịch sự. Nó không hẳn giống với hoạt động của các nhóm graffiti. Nhưng nó cũng cần phải được thực hiện đúng nơi đúng chỗ.  Đúng ra, trước khi hành động cần tham khảo không chỉ ý kiến chính quyền địa phương, mà cần sự tư vấn của các chuyên gia văn hóa, đô thị. Khi đó có lẽ đã chẳng gây nên sự ồn ào như vừa qua.