Thích được... chê và mắng?

(ANTĐ) - Phải đến 10 năm rồi mới lại thấy nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng xuất đầu lộ diện với vai trò họa sỹ khi ông trình làng cuộc triển lãm tranh độc đáo “12 con Giáp” (42 Yết Kiêu, Hà Nội). Cuộc trưng bày “xuyên” Tết kéo dài đã gần một tháng vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem. Vẫn dáng vẻ kiêu bạc, điệu bộ chậm rãi đủng đỉnh thường thấy bên chén trà, điếu thuốc ven đường, người lãng tử lặng lẽ ngồi nép mình ở một góc phòng quan sát.

Họa sỹ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

Thích được... chê và mắng?

(ANTĐ) - Phải đến 10 năm rồi mới lại thấy nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng xuất đầu lộ diện với vai trò họa sỹ khi ông trình làng cuộc triển lãm tranh độc đáo “12 con Giáp” (42 Yết Kiêu, Hà Nội). Cuộc trưng bày “xuyên” Tết kéo dài đã gần một tháng vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem. Vẫn dáng vẻ kiêu bạc, điệu bộ chậm rãi đủng đỉnh thường thấy bên chén trà, điếu thuốc ven đường, người lãng tử lặng lẽ ngồi nép mình ở một góc phòng quan sát.

12 con giáp

Phan Cẩm Thượng gọi cuộc triển lãm lần này của mình là “một tổn thất to lớn” của phòng trưng bày VietArt 42 Yết Kiêu, bởi lẽ họa sỹ Trần Vũ - ông chủ của Gallerry này đã hào phóng bao thầu miễn phí toàn bộ tiền thuê địa điểm trong suốt thời gian một tháng diễn ra triển lãm, còn ông chỉ việc làm khung rồi mang tranh ra bày.

Vậy là cái nỗi lo “làm triển lãm là tốn kém lắm” khiến ông chưa dám nghĩ đến việc này trong suốt 10 năm qua nay đã có người đứng ra chung vai gánh vác. Và cuộc triển lãm với 25 bức tranh đã trở thành nơi để ông “khoe” ba chủ đề nghe có vẻ chẳng liên quan gì đến nhau: Tranh 12 con giáp, tranh trừu tượng và tranh thiếu nữ.

Tất cả đều được vẽ bằng bút lông hệ màu khoáng vật tự nhiên có pha thêm màu hóa học pigment phát quang có sắc rất đằm trên nền chất liệu giấy dó cổ truyền mang hơi thở  riêng và như còn phảng phất dấu ấn của nền văn hóa dân gian Kinh Bắc xưa. Đứng trước những bức vẽ của ông, dễ có cảm giác như lạc vào một phiên chợ tranh ngày Tết vừa quen vừa lạ.

Quen là bởi người xem sẽ gặp lại những hình ảnh mang “hồn vía” dân gian ở cả 12 con giáp nào là: Đám cưới chuột, mẹ con lợn âm dương, trâu nghênh đầu chở mục đồng thổi sáo, chó đá xếp hàng... Còn lạ là ở chỗ 12 con giáp ấy hiện lên trong tranh của ông chẳng theo một quy mẫu chuẩn mực nào được cách điệu với hình thù dáng dấp xem chừng... chẳng giống ai. Những nhát vẽ uốn lượn lúc to khỏe dày dặn, lúc mỏng manh như sợi chỉ được vẽ nguyệch ngoạc như bông đùa hóm hỉnh.

Họa sỹ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

Họa sỹ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

Ở đó có những con vật được lấy từ nguyên mẫu mà ông ghi chép lại trong trí nhớ, cũng có những con vật là do ông tự bịa theo trí tưởng tượng con nào trông cũng hài hước như trong truyện tiếu lâm. Bức chó, ông vẽ một con chó đang nằm ngủ bên cạnh 5 con chó đá xếp hàng ngang từ cao đến thấp, từ to đến nhỏ trông giống hệt những con cá ngựa. Bức khỉ, ông lấy hình tiên nữ đầu người mình chim dâng hoa lắp vào thành khỉ đuôi to.

Bức dê, ông phóng tác ngộ nghĩnh từ bức hai con thỏ ngậm cành hoa đuổi nhau ở chùa. Bức trâu dựa trên cảm hứng hình khắc dân gian mục đồng chăn trâu thổi sáo nhưng trâu trong tranh của ông lại có bụng ỏng, lưng dài, mắt nai và tai lợn... Thế nên mới có cái chuyện vui là có người xem tranh 12 con giáp của ông xong cứ khăng khăng bảo con hổ là con mèo, con mèo là con chuột, con rắn là con rồng...

Con nào cũng có đôi có lứa mà theo lý giải của ông là bởi: “Trong lối tạo hình của các cụ ngày xưa tất cả đều có đôi có cặp, có đực có cái, có âm có dương... đó là biểu tượng cho sự phồn thực và một cuộc sống tươi mới, đầy đủ”. Đặc biệt không chỉ dừng lại ở 12 con giáp trong hệ can chi, ông còn vẽ thêm con giáp thứ... 13 vốn chỉ xuất hiện trong truyền thuyết là con phượng.

Đến tranh trừu tượng và thiếu nữ...

Xen lẫn loạt tranh vẽ các con giáp, người xem còn bắt gặp ở cuộc triển lãm lần này 8 bức tranh với chủ đề trừu tượng và 4 bức họa chân dung thiếu nữ. Đấy vốn dĩ không phải những đề tài mới trong hội họa, nhưng lại khá lạ và rất khó bởi được vẽ trên nền giấy dó mỏng tang.

Loạt tranh trừu tượng xem qua thấy đơn thuần chỉ là sự cộng hưởng của 3 khối hình cơ bản trong mỹ thuật gồm: Vuông, tròn và tam giác, mà ở mỗi hình đều có sự xê dịch và pha trộn màu sắc khác nhau. “Cứ theo triết lý trời tròn, đất vuông của người xưa thì cái to nhất cũng là cái đơn giản nhất, trong cái tĩnh lại có cái động và ngược lại” - ông lý giải.

Còn ở các bức ký họa thiếu nữ, ông bảo có xu hướng vẽ “trẻ hóa” từ những cô gái trạc tuổi đôi mươi, nhưng xem tranh lại thấy hiện lên dáng vẻ của những người đàn bà trầm lặng với búi tóc cao đầy quý phái, khăn choàng áo rộng phẳng phiu, ánh mắt nhìn sâu thẳm xa xăm...

Tuy vậy nếu để ý kỹ hơn thì sẽ thấy cái nét “trẻ hóa” mà ông nói đến, đó là cái áo ngắn lơ lửng để lộ núm rốn tròn xoe, là đôi bàn tay búp măng non nớt, là sự cầu kỳ đáng yêu toát lên từ những đồ trang sức hoa hòe hoa sói như vòng cổ, vòng tay, hoa tai, nhẫn... Trong số đó có một bức ông vẽ lại cô con gái yêu của mình trong ngày sinh nhật lúc bé, nhưng cũng là họa lại theo trí nhớ.

Hỏi ông có sợ người khác xem tranh mình xong sẽ chê không, ông tủm tỉm cười bảo: “Khen mới mệt chứ chê hay mắng thì càng thích. ở tuổi này rồi có người nào không thích tranh của tôi thì tôi càng mừng, nói thế hơi buồn cười nhưng đúng vậy, vì có chê thì mới giúp mình nhìn lại tác phẩm xem có dở thật hay không chứ”. Còn nếu có ai thấy thích thú, trả giá và muốn mua thì sao? “Túng thì bán, không túng thì thôi giữ lại làm kho gia tài riêng” - ông cười nửa đùa, nửa thật.

Bích Hậu