Thi trình diễn tác phẩm thơ trên sân khấu- "Slam thơ Việt Nam 2020"

ANTD.VN - Tiếp nối thành công của những mùa trước, Viện Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức "Slam thơ Việt Nam lần thứ IV-năm 2020", hoạt động tự trình diễn tác phẩm thơ của mình trên sân khấu.

Không chỉ dừng lại là một sự kiện gắn kết thơ ca với quần chúng, tạo cơ hội giao lưu dành cho những người yêu thơ khắp cả nước cùng tham gia. Slam thơ Việt Nam còn mang sứ mệnh là nhịp cầu gắn kết văn hóa Pháp-Việt, dùng thi ca để tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Việt đến bạn bè quốc tế.

Tại đây, người tham dự không chỉ thể hiện tình yêu thơ ca mà còn có cơ hội trở thành đại diện của Slam thơ Việt Nam tham dự Slam thơ Quốc tế diễn ra từ ngày 18-24/05/2020 tại Paris, Pháp.

Mọi công dân có quốc tịch Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam đều có thể tham dự. Mỗi tác giả gửi 6 bài thơ do chính mình sáng tác bằng tiếng Việt để trình diễn trước Ban Giám khảo và công chúng.

Ban Tổ chức đang sơ loại và nhận bài dự thi từ nay đến hết ngày 8-3, tại Viện Quốc tế Pháp ngữ (144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội).

15 thí sinh có tác phẩm tốt sẽ được chọn vào vòng chung kết diễn ra ngày 27-3, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nhà văn Y Ban từng là đại diện của Việt Nam tham dự Slam thơ quốc tế

Slam thơ được nhà thơ người Mỹ Marc Smith sáng tạo vào năm 1986 với mục đích mang thơ tới gần khán giả hơn, khiến thơ trở nên sinh động và lôi cuốn. Thể loại trình diễn thơ này gồm những quy tắc tối giản, cho phép nhà thơ tự do biểu diễn tác phẩm của mình một cách mộc mạc mà cuốn hút nhất.

Có thể nói, Slam là kết quả của sự kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật thơ. Các chủ đề từ rộng lớn như xã hội, đời sống, cho tới gần gũi như gia đình, tình bạn, tình yêu, Slam là một sự chia sẻ bằng thơ, là sự gặp gỡ của ngôn từ và cảm xúc một cách chân thành, tự nhiên.

Slam thơ mang tính quần chúng, sân chơi dành cho tất cả người yêu thơ từ bình dân cho đến trí thức. Theo dòng cảm xúc, người viết Slam thơ và biểu diễn chúng trên sân khấu và để khán giả tự do khám phá vũ trụ thu nhỏ của mình. Thậm chí, khán giả có thể ngồi, đứng, nằm ở lối đi, trên bậc thềm, hò hét, khóc, cười cùng thơ và nhà thơ.