Thí sinh "Cười xuyên Việt" đưa nghệ thuật múa rối vào tiết mục hài

ANTD.VN -Võ Tấn Phát - thí sinh của chương trình Cười xuyên Việt đã vận dụng múa rối lồng ghép một cách hợp lý trong tiết mục tranh tài của mình ở tập 8. 

Lần đầu tiên trong 3 mùa của chương trình "Cười xuyên Việt", xuất hiện thí sinh đưa nghệ thuật múa rối nước vào tiểu phẩm hài. Đó chính là Võ Tấn Phát - thí sinh có số điểm cao nhất trong tập 8 của chương trình, vừa phát sóng vào tối 14-7 vừa qua. Đây cũng là đêm thi cuối cùng của chủ đề “Ước mơ” dành cho 4 thí sinh của bảng triển vọng là: Tấn Phát, Duy Long, Chí Hào và Thượng Bảo Châu. Trong đêm thi này, Võ Tấn Phát đã nhận được cơn mưa lời khen từ 2 giám khảo Vân Sơn và Việt Hương.

Tiểu phẩm của Võ Tấn Phát mang tên “Ba điều ước” là câu chuyện gia đình vẫn thường thấy ở các cặp vợ chồng trẻ ngày nay. Trong tiểu phẩm, Tấn Phát vào vai một anh chàng thất chí vì làm ăn thất bại, suốt ngày rượu chè và gây gổ với vợ (Hồng Đào). Trong một lần hai vợ chồng cãi nhau, Tấn Phát bị vợ cầm chổi rượt đánh, tức quá nên anh buộc miệng ước không còn nghe thấy tiếng của vợ. Lời ước của anh đã đến tai của một bà tiên. Bà xuất hiện và ban cho anh 3 điều ước. Ở lời ước đầu tiên, bà biến người vợ thành một cô búp bê vô tri vô giác.

Ban đầu, Tấn Phát rất vui sướng vì điều này bởi từ nay anh không còn nghe tiếng cằn nhằn của vợ nữa. Điều ước thứ 2, anh muốn giàu có và được bà tiên hô biến thành một đại gia lắm tiền nhiều của. Tuy nhiên, vì có tiền quá dễ dàng nên “đại gia” Tấn Phát suốt ngày ăn chơi và mải mê cặp kè cùng những cô chân dài, cuối cùng tiền không còn, giang hồ đến đòi nợ không có nên lột cả quần áo của anh để trừ nợ. Các cô gái chân dài thấy vậy cũng lập tức xa lánh.

Lúc bấy giờ, Tấn Phát mới nhận ra tất cả các cô gái đến với anh chỉ vì tiền, chỉ duy nhất có vợ anh là người chấp nhận ở bên anh trong những lúc anh khó khăn nhất. Và anh cũng nhận ra rằng, vợ anh cũng từng là một cô gái dịu dàng, hiền lành. Song, kể từ khi anh làm ăn thất bại và suốt ngày say xỉn, mọi việc trong nhà do một tay cô lo toan nên từ đó cô mới trở nên cáu gắt. Anh nhớ về thời cả hai mới yêu nhau với những kỷ niệm ngọt ngào và hối hận vì thời gian qua đã không đối xử tốt với vợ. Anh đã quyết định dùng điều ước còn lại để biến vợ trở lại bình thường thay vì tiếp tục mơ ước mình có thật nhiều tiền. Đến phân đoạn này, những tưởng câu chuyện sẽ mang màu sắc cổ tích, hoang đường nhưng Tấn Phát đã “lật” kịch, khiến cho câu chuyện hợp lý hơn.

Ở cảnh người chồng nhớ lại kỷ niệm lúc hẹn hò với vợ, Tấn Phát đã dùng tay và chân của mình để làm thành 2 chú rối, khiến cho giám khảo Việt Hương và Vân Sơn rất bất ngờ. Vì đã từng học múa rối nước nên Tấn Phát thực hiện khá dễ dàng. Anh đã áp dụng cả hai loại hình nghệ thuật vào trong tiết mục của mình. 

Giám khảo Việt Hương nhận xét: “Thông minh, sáng tạo, dễ thương, sáng sân khấu, đẹp hơn anh Vân Sơn hồi trẻ. Mảng miếng rất chắc, chuyên nghiệp, súc tích, ngắn gọn, hay…” Giám khảo Vân Sơn cũng khen sự sáng tạo của Tấn Phát: “Điều đặc biệt là anh thấy trong em thời trẻ của anh, một diễn viên diễn hài rất đẹp trai”.

Cố vấn cho Tấn Phát trong tiết mục này là diễn viên Gia Bảo. Anh cho biết tiểu phẩm là món quà, là điều ước mà anh và thí sinh Tấn Phát muốn gửi đến cho các bà vợ, với mong ước tất cả đều có cuộc sống hạnh phúc, được sự chia sẻ của chồng. Tiết mục nhận được 9,5 điểm, tương ứng với 9 triệu 500 nghìn đồng, được chia đều cho anh và cố vấn Gia Bảo. Cộng với số điểm của đêm thi thứ nhất là 9 điểm, tổng điểm của Tấn Phát là 18,5 điểm, anh giành được 1 suất vào top 4. 

Tiết mục của Chí Hào

Đối thủ của Tấn Phát là thí sinh Chí Hào – chàng trai 18 tuổi đến từ Đồng Tháp. Tiết mục của Chí Hào mang tên “Điều ước nhỏ”, cũng nói về một bi kịch gia đình.

Cặp thi đấu thứ hai là Duy Long và Thượng Bảo Châu. Cả hai không chọn hình thức thi riêng lẻ mà cùng song tấu trong tiết mục “Ước gì”. Tiết mục được xây dựng dựa trên sự tích Thạch sùng, nói về một người đàn ông nghèo, ước mơ trở thành người giàu có.